BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội Sinh vật cảnh Tây Ninh:

Nơi kết nối những người đam mê sinh vật cảnh 

Cập nhật ngày: 08/08/2020 - 15:26

BTNO - Tính từ năm 2015 đến nay, Hội đã tổ chức và hợp tác tổ chức được 14 lớp học, 4 hội thảo về sinh vật cảnh ở nhiều địa phương trong tỉnh và đã có 515 người tham gia. Ngoài ra, các hội viên còn tham gia sinh hoạt hội đều đặn, đã giúp các hội viên Hội sinh vật cảnh tỉnh phát huy tay nghề, nâng cao chất lượng các sản phẩm, cung cấp ra thị trường với giá trị cao hơn.

Ông Nguyễn Thế Long chăm sóc cây cảnh.

Ông Long cho biết thêm, các hội viên trong Hội luôn giúp đỡ nhau kịp thời cả về nghề và trong cuộc sống thường ngày. Chính vì những lợi ích khi tham gia vào hội được bảo đảm nên ngày càng có nhiều hội viên đăng ký xin vào Hội và tham gia sinh hoạt.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong toàn tỉnh có 37 câu lạc bộ cấp xã như: câu lạc bộ Bon sai, câu lạc bộ hoa lan, câu lạc bộ tiểu cảnh non bộ… và một Hội sinh vật cảnh cấp huyện, đó là Hội bảo tồn và phát triển lan rừng trên địa bàn xã Tân Hà (huyện Tân Châu) với trên 1.000 hội viên tham gia hoạt động với nhiều bộ môn về chim, cá, bon sai, gỗ lũa, tiểu cảnh non bộ, thủy sinh, kiểng hoa, kiểng lá… Mỗi một cây cảnh, một tác phẩm nghệ thuật chính là đứa con tinh thần của nghệ nhân.

Bằng sự trau chuốt, tỉ mỉ tới từng chi tiết, người chơi gửi gắm vào đó khát vọng, ước mơ, quan niệm về cuộc sống. Ngoài việc giúp người chơi có cảm giác được mang lại điều may mắn, tâm hồn thư thái và gần gũi, hoà mình với thiên nhiên thì sinh vật cảnh cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho các nghệ nhân, nhà vườn.

Hoạt động của sinh vật cảnh thực chất là hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Ở một số huyện như Trảng Bàng, Hòa Thành, Tân Châu đã và đang hình thành những trang trại, mô hình sản xuất sinh vật cảnh, cũng từ đó thị trường sinh vật cảnh ngày càng sôi động. Đây là dấu hiệu tích cực cho lĩnh vực sinh thái tại tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thế Long (sinh năm 1950)–Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Tây Ninh chia sẽ, ông luôn có mặt ở hầu khắp các vùng quê trong tỉnh và đã đến nhiều tỉnh thành trong cả nước để săn lùng các loại cây độc, dị, lạ, đem về chăm chút, cắt tỉa, tạo hình và bán cho những ai yêu thích.

Ông Long đặc biệt thành công với  các loại cây bon sai và mai vàng. Cây trong vườn nhà ông hội tụ các tiêu chuẩn “nhất bệ, nhì thân, tam cành, tứ tán” và các tác phẩm nghệ thuật này luôn ra hoa sinh trưởng tốt đáp ứng thị trường tết hàng năm phục vụ cho người tiêu dùng.

Là người đứng đầu của một Hội, bản thân ông Long nhận thức rõ: “Muốn phát triển sinh vật cảnh tại tỉnh nhà, việc đầu tiên là phải tập trung được người làm sinh vật cảnh và người có nhiều đam mê thưởng ngoạn sinh vật cảnh”. Với suy nghĩ đó của bản thân, ông Long đã động viên và tập hợp một số  hội viên có trình độ tay nghề khá, có năng lực về sư phạm và thông qua sự giúp đỡ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật  tỉnh Tây Ninh để đi đến các địa phương trong tỉnh vận động tổ chức các lớp học miễn phí để phổ biến kiến thức, chỉ việc chuyên môn về sinh vật cảnh cho lao động nông thôn.

Ông Long chia sẻ thêm: “Đã có lúc phong trào hoạt động Hội sinh vật cảnh tỉnh nhà khá trầm lắng. Tuy nhiên. vẫn có nhiều hội viên với niềm đam mê thực sự vẫn kiên trì đeo đuổi nghề sinh vật cảnh. Thông qua các trang mạng xã hội, họ luôn cập nhật, giới thiệu những tác phẩm tâm huyết của mình cho mọi người cùng thưởng thức, lan toả niềm đam mê nghệ thuật.

Với sự cố gắng của những hội viên tâm huyết, nên phong trào hoạt động Hội có nhiều khởi sắc, số người xin vào hội tăng lên đáng kể. Để phát triển hơn nữa phong trào chơi hoa, cây cảnh trên địa bàn, thời gian qua Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc tạo sân chơi cho hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, như tổ chức triễn lãm hoa hàng năm, cây cảnh, các lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình mới…”.

Ông Nguyễn Thế Long trong một buổi khai giảng lớp nghệ thuật cây cảnh.

Song song với việc phát triển mạng lưới, phát triển hội viên, ông Long luôn chú trọng đến việc tạo điều kiện cho hội viên nâng cao trình độ tay nghề thông qua việc tổ chức Demo cây Bon sai tại các cuộc họp định kỳ hàng tháng  để hội viên có thể  phản biện nghề nghề trực quan.

Hiện tại, Hội đã có một hội viên được nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú; 2 hội viên được phong tặng nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam và 24 hội viên được phong tặng nghệ nhân sinh vật cảnh Tây Ninh.

Riêng bản thân ông Long, gần đây nhất ông được phong tặng nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam; được UBND tỉnh 2 lần tặng bằng khen; được Hội sinh vật cảnh Việt Nam tặng bằng khen.

Với những cố gắng của bản thân, trong những năm qua Hội sinh vật cảnh Tây Ninh đã và đang không ngừng phát triển từ một đơn vị bình thường trong tỉnh, những năm gần đây Hội đã dần trở thành đơn vị đứng trong tốp đầu của tổ chức liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh.

Năm 2018, Hội vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Trong Hội nghị tổng kết thi đua giai đoạn 2015 -2019, Hội sinh vật cảnh Tây Ninh được Hội sinh vật cảnh Việt Nam tặng bằng khen cho một tập thể và 5 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây là  động lực để các hội viên Hội Sinh vật cảnh Tây Ninh tiếp tục theo đuổi niểm đam mê và thúc đẩy phong trào sinh vật cảnh tại tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Theo ông Long, dù ở nhiều lứa tuổi khác nhau, già có, trẻ có nhưng tất cả đều chung niềm đam mê với cây cảnh. Ông Long mong muốn trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trong việc khuyến khích các hội viên đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập cho hội viên.

Nhi Trần