Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Phòng chẩn trị Đông y Được Hồi có 5 thầy thuốc, 7 chuyên viên châm cứu, bấm huyệt và tuỳ theo lượng thuốc mua về ít hay nhiều mà mỗi ngày có từ 4-20 người làm công quả. Trung bình mỗi ngày có khoảng 80 người đến đây nhờ xem mạch, bốc thuốc, châm cứu, điện chẩn, bấm huyệt, xoa bóp hoặc dùng vật lý trị liệu.

Chẩn mạch.
Phòng chẩn trị Đông y từ thiện Được Hồi (ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) mới thành lập hơn ba tháng nay, thu hút khá đông bệnh nhân tìm đến chữa bệnh.
Vừa qua, chúng tôi đến thăm phòng chẩn trị, thấy nhiều loại cây thuốc Nam phơi đầy sân. Trong hiên nhà, cả chục người khác cặm cụi vạt thuốc. Trong phòng chẩn trị, một thầy thuốc đang chăm chú bắt mạch cho bệnh nhân. Xung quanh, năm, bảy bệnh nhân khác đang ngồi chờ tới lượt mình khám bệnh.
Trong hai phòng châm cứu nam, nữ cũng có hơn mười bệnh nhân đang được các thầy thuốc ghim kim, soi đèn. Bên hai phòng bốc thuốc, một số nhân viên khác khẩn trương lấy thuốc phân chia ra thành từng bọc ni lông nhỏ, trao cho bệnh nhân. Phía sau hai dãy phòng này là một kho thuốc Nam với hàng trăm bao tải đựng thuốc nam, được chất thành những dãy dài, thẳng tắp.
Lương y Trần Văn Được, 78 tuổi, Chủ tịch Hội Đông Y xã Tân Phong- một trong những thầy thuốc túc trực ở đây, cho biết: “Hơn 30 năm trước đây, tôi mở phòng chẩn trị Đông y tại nhà riêng ở xã Mỏ Công (huyện Tân Biên). Thấy phòng chẩn trị của tôi chật hẹp, ông Hiếu và một số mạnh thường quân khác tạo điều kiện thành lập phòng chẩn trị này để phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn.
Ông Hiếu cho mượn phần đất này với diện tích ngang 26 mét và dài hơn 200 mét. Bản thân ông Hiếu và một số mạnh thường quân khác góp tiền xây hai dãy phòng này để làm nơi khám bệnh. Nơi đây có 1 phòng chẩn mạch, 1 kho thuốc, 2 phòng châm cứu nam, nữ riêng biệt, 2 phòng bốc thuốc, hai phòng nhân viên ở và một nhà bếp”.
Ông Được cho biết thêm, ở phòng chẩn trị Đông y Được Hồi có 5 thầy thuốc, 7 chuyên viên châm cứu, bấm huyệt và tuỳ theo lượng thuốc mua về ít hay nhiều mà mỗi ngày có từ 4-20 người làm công quả. Trung bình mỗi ngày có khoảng 80 người đến đây nhờ xem mạch, bốc thuốc, châm cứu, điện chẩn, bấm huyệt, xoa bóp hoặc dùng vật lý trị liệu.
Đối với những người dùng thuốc Nam thì phòng chẩn trị Đông y Được Hồi chủ trương hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, ở phòng thuốc này có đặt thùng tiền từ thiện, tuỳ theo lòng hảo tâm, bệnh nhân nào muốn cho bao nhiêu tiền thì “tuỳ hỷ” bỏ vào.
Đối với những bệnh nhân muốn dùng thuốc Bắc hay mua thuốc Nam đã bào chế thành viên, thì Phòng chẩn trị Đông y Được Hồi phục vụ theo yêu cầu và chỉ lấy giá vốn, chứ không tính tiền công. Để có được nguồn thuốc cho phòng hoạt động, các thầy thuốc ở đây bỏ tiền ra mua, hoặc nhờ đội ngũ làm công quả vào rừng, lên núi tìm chặt cây thuốc đem về dùng.
Ông Được cho biết thêm: “Một nguồn cung cấp thuốc đáng kể khác là qua những chuyến phòng chẩn trị Đông y Được Hồi đi khám bệnh từ thiện trong và ngoài tỉnh, nhiều người dân ủng hộ bằng cách họ tìm cây thuốc Nam, chặt gửi đến cho”. Nhờ những nguồn cung cấp thuốc này mà phòng chẩn trị Đông y Được Hồi luôn có sẵn một kho thuốc đầy ắp để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân.
|
Bốc thuốc.
Ngoài những thầy thuốc, để phòng chẩn trị Đông y Được Hồi hoạt động, còn có những người cống hiến thầm lặng. Đó là những người làm công quả. Ông Võ Văn Quận, 87 tuổi, là một trong những người như thế. Gia đình ông Quận ở xã Mỏ Công, hằng ngày, vào buổi sáng ông đi xe gắn máy đến phòng chẩn trị này vạt, băm cây thuốc Nam.
Ngoài ra, ông còn kiêm nhiệm vụ tiếp nhận thuốc, điều hành việc vạt thuốc và phơi thuốc. Ông ăn cơm, nghỉ trưa tại phòng chẩn trị, sau đó tiếp tục làm công quả đến chiều mới trở về nhà. Ông Quận kể, vợ chồng ông có 6 người con.
Các con ông đều đã dựng vợ, gả chồng. Hiện nay, vợ chồng ông sống chung với gia đình người con trai út. Bốn năm trước đây, ông làm công quả ở phòng thuốc của nhà ông Được. Từ ngày thành lập phòng chẩn trị này, ông tiếp tục đến đây làm công quả.
Từ khi thành lập đến nay, phòng chẩn trị Đông y Được Hồi là nơi tìm đến của nhiều bệnh nhân. Bà Huệ, 66 tuổi (xã Tân Lập, huyện Tân Biên), một bệnh nhân của phòng chẩn trị, nói: “Tôi thường xuyên bị bệnh đau bao tử, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, ăn, ngủ không ngon. Mỗi lần bị bệnh là tìm đến đây nhờ khám bệnh, bốc thuốc. Ở đây, các thầy thuốc tận tình khám, chữa bệnh. Nhờ vậy mà sau mỗi lần chữa trị, bệnh tình của tôi đều thuyên giảm”.
|
Những người làm công quả chặt cây thuốc Nam.
Ông Phạm Đức Hoài, 57 tuổi, ở xã Tân Lập cũng là “mối” quen của phòng thuốc. Trong lúc chờ vợ châm cứu trong phòng, ông Hoài ngồi ở ngoài mái hiên uống trà và trò chuyện với chúng tôi. Ông kể: “Trước đây, tôi bị sạn thận, đến đây bốc thuốc về uống, sau đó đi siêu âm lại, thấy thận bị hết sạn hồi nào không hay. Hôm nay, vợ của tôi bị bệnh tai biến nhẹ, khuôn mặt bị giật méo một bên. Nhớ đến phòng chẩn trị, tôi liền đưa vợ đến đây để được khám bệnh, châm cứu”.
Trước khi ra về, chúng tôi thắc mắc về tên của phòng chẩn trị, vì nghe khá lạ. Lương y Trần Văn Được giải thích sở dĩ ông lấy tên phòng chẩn trị Đông y Được Hồi là vì ông ghép tên của ông là Trần Văn Được và lương y Võ Văn Hồi- một trong những thầy thuốc ở đây. Nhưng tên phòng chẩn trị Đông y còn có một ẩn ý là bất kỳ bệnh nhân nào đến đây chữa bệnh cũng được hồi sức.
Đại Dương - Thái Hoà