Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Nói: Không
Thứ sáu: 12:03 ngày 27/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dân ta đã có hàng ngàn năm lịch sử uống trà, làm nên “trà đạo” mà còn bỏ được. Nói gì đến nước đóng chai mới có 20 năm tiêm nhiễm…

Dường như xã hội càng phát triển, ta càng phải nói không với nhiều thứ trên đời. Như: Nói không với ma tuý là câu chuyện đã lâu nay; Nói không với tham nhũng vào những năm gần đây; Nói không với bóng bay ngày khai giảng từ năm nay; Rồi nói không với rượu bia khi lái xe, hay nói không với thuốc lá…v.v.. Và ngày 23.9 vừa qua, tỉnh ta đã chính thức phát động phong trào không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Về ý nghĩa, cũng là việc: Nói không với đồ dùng một lần bằng nylon hay nhựa.

Có hơi muộn so với một vài tỉnh bạn, nhưng còn hơn là không. Mới đây, trên TTV11, có nhiều chương trình “Nói không với rác thải nhựa”. Như một chương trình kể chuyện các bạn đoàn viên ở xã Bàu Năng tận dụng những bao túi bỏ đi, may thành những cái túi xách xinh xinh đem tặng người đi chợ.

Nhưng bạn hãy mở chương trình thời sự của TTV11 mà xem, hầu như ở mọi cuộc hội nghị cấp huyện, thành phố, các hội, đoàn thể cấp tỉnh, chai nước bằng nhựa vẫn bày ra vô tư trên các dãy bàn. Và nhiều người vẫn vô tư dùng chai nước nhựa. Ai nói, ai kể gì mặc ai, nếu như cấp trên trực tiếp không chỉ đạo thì họ cũng không làm.

Giờ thì rõ rồi nhé! Ngày 23.9, tỉnh đã chính thức chỉ đạo trong một lễ phát động rầm rộ. Từ nay, cuộc họp nào còn bày chai nước nhựa lọt vào khuôn hình thì coi như đấy là hình phản cảm. Quả là dễ dàng cho người dân giám sát, kiểm tra. Tôi chỉ còn phân vân một chút. Rằng, sao lễ ấy lại có tiết mục: “Tặng túi nylon thân thiện với môi trường”, sao không phải là tặng giỏ xách, giỏ bàng hay túi giấy… cho tỏ rõ lòng cương quyết? Có phải là vẫn còn chút gì đó lừng chừng, vương vấn “túi nylon” (dù đã mang danh thân thiện môi trường).

Có gì phải vương vấn đâu! Nghĩ lại thì thói quen sử dụng chai nước khoáng hay nước lọc mới chỉ có độ hai chục năm nay. Trước đó, có một loại nước khoáng thật sự, đóng trong chai thuỷ tinh là Vĩnh Hảo. Nước ấy mới thật là nước khoáng bởi các vị mằn mặn tự nhiên. Rồi đến một năm nào đó thì các loại nước đựng trong chai nhựa dùng một lần mới ồ ạt "xông ra" chiếm lĩnh thị trường. Ða số trong đó chỉ là nước tinh khiết, lấy từ giếng khoan.

Vậy mà loại nào cũng tự nhận là nước khoáng với hàng chục loại vi lượng khoáng chất. Dần dà hình ảnh của nó trở thành biểu tượng của văn minh, khoa học. Ai không dùng xem như bị lỗi thời. Từ đấy, không chỉ nước khoáng thứ thiệt Vĩnh Hảo bị đánh lui mà ngay cả các loại trà Bảo Lộc, Thái Nguyên thơm ngát những hương sen, hương sói, hương lài… cũng bị quên lãng trong các công sở văn minh hiện đại.

Ðấy, dân ta đã có hàng ngàn năm lịch sử uống trà, làm nên “trà đạo” mà còn bỏ được. Nói gì đến nước đóng chai mới có 20 năm tiêm nhiễm…

Xin ra ngoài câu chuyện túi nylon và nước đóng chai. Ðể bàn đến vài chữ nói: Không xôn xao dư luận tuần qua. Nổi bật nhất có lẽ là câu chuyện của Công ty Alibaba, mà chủ tịch và tổng giám đốc vừa bị bắt để điều tra về tội lừa đảo. Công ty này đã mua đất ruộng phân lô bán nền, lừa đảo hàng ngàn người với số tiền lên tới 2.500 tỷ đồng.

Ðáng chú ý nhất là trong quá trình “chạy tội”, công ty có sáng kiến in sẵn một mẫu đơn cho người mất tiền, nếu ký sẽ được trả lại tiền. Ðơn có tiêu đề kỳ cục là: “Ðơn xin không tố cáo…”. Cái chữ “Không” này mới thật là “vô tiền khoáng hậu”! Vậy là phải có vấn đề cần tố cáo rồi, mới có đơn xin không tố cáo. Thật là “lạy ông, tôi ở bụi này”.

Một chữ Không nữa lại râm ran trong giới nhà trường là ở tin: “Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quyết định loại sách công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Ðại chủ biên ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới…” (Báo Tây Ninh ngày 18.9.2019).

Loại, tức là không thông qua bộ sách này, trong khi sách đã phát huy hiệu quả suốt 40 năm qua, cho hàng triệu học sinh bằng khoảng 2/3 số học sinh lớp 1 trên toàn quốc. Chỉ chữ Không này mới khiến lòng người day dứt nhiều đây! Chuyện còn chưa có hồi kết, nên không bàn nữa. Chỉ xin nhắc lại một câu tạm gọi là “thành ngữ tây” có thể liên quan đến chuyện này, rằng: “Mọi lý thuyết đều màu xám/ Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục