Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nỗi lo an toàn thực phẩm bánh trung thu
Thứ tư: 08:18 ngày 11/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bên cạnh các loại bánh trung thu có thương hiệu, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh trung thu không nhãn hiệu, chất lượng khó kiểm soát.

Tết Trung thu đã cận kề, nhu cầu tiêu thụ bánh trung thu tăng mạnh. Năm nay, thị trường bánh trung thu khá đa dạng chủng loại, bên cạnh các loại bánh trung thu có thương hiệu, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh trung thu có nhãn hiệu mới, lạ; song chất lượng của những loại bánh này ra sao rất khó biết được.

Nỗi lo chất lượng

Năm nay, từ khi mới bắt đầu vào mùa bánh trung thu, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) từ tỉnh đến huyện đã tăng cường các đợt kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh trung thu. Qua đó nhiều vụ vi phạm ATTP trong sản xuất kinh doanh bánh trung thu đã bị ngành chức năng phát hiện.

Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra bánh trung thu bày bán ở cửa hàng Bách Hoá Xanh (huyện Châu Thành).

Đơn cử, ngày 9.9, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Linh (xã Trường Đông, huyện Hoà Thành).

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang sản xuất bánh trung thu, với số lượng khoảng 300 cái bánh các loại. Qua kiểm tra, cơ sở mắc nhiều sai phạm trong sản xuất bánh trung thu, như chưa thực hiện cam kết đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chưa thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm, chưa xét nghiệm nguồn nước, bố trí sản xuất không theo nguyên tắc một chiều, không trang bị bảo hộ lao động trong sản xuất, nguyên liệu đầu vào chưa có hợp đồng hoá đơn.

Theo bà N.E- chủ cơ sở Bảo Linh, năm nay bà làm bánh trung thu với số lượng ít, chủ yếu bán cho người quen dùng và cúng dịp rằm tháng 8 âm lịch. Bà E. cho rằng, bà làm bánh chỉ với số lượng ít nên không nghĩ đến phải đảm bảo các quy định, hồ sơ pháp lý trong sản xuất bánh trung thu. Nguyên liệu làm bánh, bà mua ở chỗ quen nên nghĩ an toàn, không đòi hỏi chứng từ nguồn gốc của nguyên liệu. Nhưng khi được hỏi nếu không may có người ăn bánh trung thu của bà bị ngộ độc thì làm sao, ai là người chịu trách nhiệm, bà E. không trả lời được.

Bánh Trung thu bảo quản sơ sài dưới sàn nhà.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này, nhiều gian hàng đã bày bán tràn ngập các loại bánh trung thu. Tại các gian hàng, ngoài những loại bánh có thương hiệu quen thuộc, các nhãn hiệu bánh có địa chỉ trong tỉnh, thì còn xuất hiện nhiều loại bánh có nguồn gốc từ các nơi khác. Có rất nhiều loại bánh với mức gia khác nhau, chỉ từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng một chiếc bánh.

Như ở chợ Trảng Bàng (thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng), các gian hàng bày bán rất nhiều loại bánh với các nhãn hiệu khác nhau như bánh trung thu Thảo Nhi (huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh), bánh trung thu Minh Châu (tỉnh Tiền Giang). Điều đáng nói, khi đoàn kiểm tra liên ngành hỏi về hồ sơ công bố chất lượng của các sản phẩm bánh trung thu có nhãn hiệu trên thì hầu như các chủ gian hàng chưa cung cấp được.

Khó kiểm soát bánh trung thu "nhà làm"

Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh những sản phẩm bánh trung thu của các thương hiệu uy tín, xu hướng tự làm bánh trung thu để ăn hoặc bán cho những người quen ngày một tăng. Tuy nhiên, chất lượng của những loại bánh này ra sao rất khó biết được.

Xuất hiện trên thị trường bánh trung thu từ rất sớm với phong phú và đa dạng các chủng loại bánh như: bánh đậu xanh, khoai môn, hạt sen, thập cẩm, sữa dừa, bánh dẻo… Bánh trung thu "nhà làm" được người tiêu dùng ưa chuộng bởi tính tiện dụng, giao hàng tận nơi, được người bán quảng cáo "đảm bảo không sử dụng hoá chất, chất bảo quản". Hiện nay, bánh trung thu loại  thường được rao bán sôi nổi trên các trang mạng xã hội.

Đoàn kiểm tra bánh trung thu tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Linh (Hoà Thành).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đa số các chủ cơ sở làm bánh tại nhà đều cho biết, nguyên liệu làm bánh được mua ở chợ, không có các giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Chị T.H (ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh), một người làm bánh trung thu handmade cho biết, tất cả các nguyên liệu chị đều mua ở chợ, trừ bột bánh mua ở cơ sở kinh doanh bột bánh. Theo lời chị H., khi nào khách đặt bánh chị mới mua nguyên liệu về làm nên nguyên liệu làm bánh của chị không bị tồn và cũ. Vì mua nhỏ, lẻ ở chợ nên chị cũng không có chứng từ hay hoá đơn chứng minh nguốn gốc xuất xứ của nguyên liệu.

Tại một số chợ như chợ Long Hoa, chợ Tây Ninh,… các loại nguyên liệu làm bánh trung thu như hạt sen, mứt bí, lạp xưởng, bột bánh, hạt dưa được bày bán rất nhiều, nhưng những nguyên liệu trên hầu như đều được đựng trong các bao bì không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi được hỏi về nguồn gốc của nguyên liệu thì các chủ cửa hàng cho biết đều nhập từ các chợ đầu mối lớn tại TP.Hồ Chí Minh, do chiết từ các túi lớn sang nên không có tem mác. Để đảm bảo chất lượng với khách hàng, các tiểu thương còn quảng cáo nhiều năm nay chưa có cơ sở làm bánh nào phàn nàn về chất lượng nguyên liệu của họ.

Chị Trần Thị Thu Hằng (ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) cho biết, mỗi khi tới dịp Tết Trung thu chị thường đặt bánh của người quen làm, vì giá cả phải chăng, không chất bảo quản. Ăn bánh trung thu handmade chủ yếu dựa trên sự tin tưởng của người mua đối với người làm bánh cho nên người mua cũng không yêu cầu người bán phải xuất trình giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Để tạo sự tin tưởng, nhiều cơ sở bán bánh trung thu còn quay trực tiếp quy trình làm bánh cho người mua trên mạng xã hội xem, khiến nhiều người tin tưởng, yên tâm đặt mua.

Thận trọng với bánh trung thu giảm giá, khuyến mãi

Thời điểm này, các cửa hàng, quầy bán bánh trung thu bắt đầu treo bảng giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn. Tuy nhiên, theo nhiều người, coi chừng bị hớ với các chiêu khuyến mãi. Anh Hồ Văn Khoa, ngụ huyện Bến Cầu cho biết, năm vừa rồi, đến gần cuối mùa trung thu anh mới đi mua bánh vì có khuyến mãi. Anh mua hộp bánh loại có thương hiệu nhưng lại được tặng bánh trung thu loại nhãn hiệu khác. Anh Khoa cảm thấy rất bức xúc, nhưng anh cũng cho rằng do mình không hỏi kỹ trước khi mua.

Đoàn kiểm tra bánh trung thu bày bán trong chợ Trảng Bàng.

Có nhiều người có thói quen chờ đến cận trung thu mới mua bánh để được hạ giá, vừa ngon vừa rẻ. Chị Nguyễn Thị Tho, ngụ tại thành phố Tây Ninh chia sẻ: “Gia đình chị rất thích ăn bánh trung thu, nhưng bánh trung thu ngon có giá không rẻ. Thế nên chị thường đợi đến sát trung thu, có bánh giảm giá chị mới mua. Chị cũng xem cẩn thận hạn sử dụng mới mua nên yên tâm thưởng thức”.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, người tiêu dùng cần cẩn thận chọn lựa bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng, cần xem kỹ về hạn sử dụng, bao bì sản phẩm. Đối với bánh cận ngày sử dụng, cần xem kỹ tình trạng bánh có còn nguyên vẹn không, tuyệt đối không mua bánh bị mốc, có màu sắc, mùi vị lạ.

Để có một mùa Trung thu an toàn, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông minh để bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Thế Anh – Ngọc Bích

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục