BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa tết 

Cập nhật ngày: 23/01/2019 - 15:56

BTN - Nhìn chung, tất cả các sạp bánh, mứt tết đều bài trí như nhau, mứt được đựng trong các hũ thuỷ tinh lớn, nhiều sản phẩm bày trên khay nhưng không che đậy gì cả, thi thoảng vài con ruồi “ghé ngang” đậu lên.

Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh kiểm tra tại một hộ kinh doanh ở thị trấn huyện Trảng Bàng.

Tết đã cận kề, sức tiêu thụ thực phẩm tăng cao, nhưng năm nào cũng vậy, ngoài nỗi lo về giá cả leo thang, an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Đây là thời điểm các cơ sở tăng cường sản xuất, cung ứng nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có chất lượng, vẫn còn tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm ATTP tuồn ra thị trường, trà trộn, len lỏi vào các chợ, cửa hàng.

Bất an

Còn hơn chục ngày nữa là đến tết, thực phẩm tết đã được bày bán khắp các cửa hàng, các tuyến đường phố, khu chợ, thậm chí cả trên các trang mạng xã hội, mua sắm trực tuyến. Thế nhưng, trước “biển” hàng hoá, người tiêu dùng vẫn lo ngại mua phải thực phẩm không an toàn.

Tại chợ phường 2, TP. Tây Ninh, khi tôi gặng hỏi vì sao có một số mứt tết không có nhãn mác, hạn sử dụng, một tiểu thương cho biết: “vì thường lấy mứt theo thùng, nên hạn sử dụng chỉ được in lên thùng chứ không in lên thành phẩm”. Một số mặt hàng chị này nhập từ các hộ tự làm tại nhà hoặc xưởng nhỏ lẻ nên không có nhãn, mác, thông tin sản phẩm…

“Em lo làm gì, bánh mứt chỗ nào cũng bán như nhau, nhiều khi hàng nhà làm còn an toàn hơn hàng công ty đó em, vì họ kỹ lưỡng mà!”- tiểu thương này khẳng định. Tôi hỏi thêm: “Nếu ăn mứt bị đau bụng biết tìm ai “bắt đền” đây?”. Chị cười, trả lời cho qua: “Không có chuyện đó đâu! Có bị sao lại đây chị đền cho, mà phải là mứt chị bán đó nha!”.

Nhìn chung, tất cả các sạp bánh, mứt tết đều bài trí như nhau, mứt được đựng trong các hũ thuỷ tinh lớn, nhiều sản phẩm bày trên khay nhưng không che đậy gì cả, thi thoảng vài con ruồi “ghé ngang” đậu lên. Các sản phẩm chỉ được gắn giá bên ngoài chứ không có thêm bất cứ thông tin gì. Ngạc nhiên là, nhiều người mua chỉ cần sản phẩm bắt mắt, nếm thử vừa miệng thì mua chứ không hỏi gì về nhãn mác, hạn sử dụng… Có lẽ, chính thói quen mua hàng dễ tính của không ít người tiêu dùng, nên người bán cũng không xem trọng những thông tin cần thiết của sản phẩm mình cung cấp.

Trong một sạp bánh mứt tết tại chợ Ninh Sơn (TP. Tây Ninh), tôi cầm một bịch hạt điều được đựng túi zip, thắc mắc về nhãn mác, chị chủ cho biết, sản phẩm đó chị lấy của một hộ làm tại nhà, nên không có nhãn. Chị bảo đảm, dù không có nhãn mác nhưng hạt điều này ngon hơn hàng của công ty, vì chị… đã ăn thử rồi.

Trong đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tết nguyên đán mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP do Sở NN&PTNT chủ trì đã đến kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh H.T.K ở thị trấn huyện Trảng Bàng, chuyên phân phối bánh kẹo cho các cơ sở mua bán nhỏ lẻ trong và ngoài huyện. Rất nhiều loại mứt tết không nhãn mác.

Khi được đoàn yêu cầu cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, bà P.T.M.L- đại diện cơ sở bối rối cho biết, tất cả các sản phẩm được nhập từ Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) và không có giấy tờ đi kèm sản phẩm. Sau một hồi cầu cứu nhà cung cấp, bà P.T.M.L cho đoàn kiểm tra xem các loại giấy xác minh chất lượng sản phẩm mứt qua… điện thoại. Ngoài các loại mứt có giấy chứng nhận phân phối và xác minh chất lượng, trong kho nhà bà P.T.M.L có 2 loại sản phẩm không có thông tin nguồn gốc là chuối sấy dẻo và mứt chùm ruột.

Theo lời bà M.L, bánh mứt chủ yếu bán sỉ cho các gian hàng nhỏ lẻ, người mua cũng chẳng đòi hỏi giấy tờ xác định nguồn gốc, chất lượng nên bà cũng lơ là, không đòi hỏi nhà cung cấp. Đoàn đã lấy 15 mẫu bánh, mứt trong kho hàng để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, nếu không đạt, cơ sở của bà M.L có thể bị xử phạt vì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài bánh mứt, trong dịp tết, các loại thực phẩm chế biến sẵn được sử dụng khá nhiều, nhất là chả lụa, giò, nem, lạp xưởng. Trong đợt kiểm tra ATTP dịp tết, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì cũng đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò, chả lụa ở thành phố Tây Ninh và các huyện Tân Biên, Gò Dầu, phát hiện nhiều vi phạm.

Hiện nay, các sản phẩm chả lụa, giò, nem, lạp xưởng chủ yếu vẫn được làm theo phương pháp thủ công, ở các hộ gia đình, điều kiện sản xuất hạn chế. Tại cơ sở sản xuất chả lụa Quang Ngọc (thị trấn huyện Tân Biên), đoàn ghi nhận, cơ sở không bảo đảm điều kiện vệ sinh, không gian sản xuất nhỏ hẹp, quy trình sản xuất không theo nguyên tắc một chiều, nguyên liệu và thành phẩm để trực tiếp dưới sàn nhà ẩm ướt, sản phẩm của cơ sở không có nhãn mác, thời hạn sử dụng rõ ràng.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất được sử dụng các loại phụ gia thực phẩm trong danh mục do Bộ Y tế ban hành. Thế nhưng, việc tuân thủ các quy định về sử dụng phụ gia chưa được người sản xuất lưu tâm, thực hiện đúng. Chẳng hạn như kiểm tra cơ sở sản xuất chả lụa Phúc Vinh (phường 1, thành phố Tây Ninh), đoàn phát hiện cơ sở sử dụng phụ gia trong chế biến chả lụa nhưng lại không có hợp đồng, hoá đơn nhập phụ gia, hợp đồng nguyên liệu đầu vào hết hạn, nhãn sản phẩm không phù hợp với hồ sơ công bố.

Cũng tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất chả lụa Ước Lễ (phường 1, thành phố Tây Ninh) không cung cấp được hợp đồng, hoá đơn nhập phụ gia, người trực tiếp tham gia sản xuất chưa được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động.

Thực phẩm tết còn được bày bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội, thu hút nhiều người tiêu dùng bởi sự tiện lợi, phong phú. Chỉ cần lướt qua facebook, dễ dàng thấy rất nhiều trang rao bán thực phẩm tết, kèm lời quảng cáo như: “Mứt tắc tươi sạch, nhà làm” hay “lạp xưởng nhà làm, bảo đảm không dùng phụ gia”. Tất cả những yếu tố sạch, ATTP đều là cam kết bằng miệng từ người bán, ngoài ra không có giấy tờ nào khác chứng minh.

Thế nhưng, vẫn có nhiều người đặt niềm tin vào mạng xã hội. Chị Nguyễn Thị Thắm- ngụ tại xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu cho biết: “Tôi thường xuyên mua các mặt hàng qua mạng, trong đó có các loại thực phẩm được chế biến sẵn. Gần tết bận rộn, tôi không có nhiều thời gian làm các món mứt, mua ngoài chợ lại không yên tâm về chất lượng, nên mấy năm nay chọn mua mứt tết nhà làm của một người quen trên mạng xã hội. Tôi thích mứt ở địa chỉ này vì nghe giới thiệu là không sử dụng phẩm màu. Cũng đã mua mứt ở trang facebook này nhiều lần, ăn thấy ngon, không bị sao nên cứ đến tết tôi lại tìm mua”.

Người mua chủ yếu dựa vào lòng tin, mua qua người quen. Còn về nguyên liệu, quá trình sản xuất có bảo đảm ATTP không, họ hoàn toàn không biết. Có một thực tế, các cơ sở buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ qua mạng thường bán thực phẩm với 3 không: không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không đăng ký đủ điều kiện ATTP. Và hiện nay, việc kinh doanh thực phẩm qua mạng rất khó kiểm soát, kiểm tra về ATTP. 

Bánh mứt được bày bán tại chợ, không che đậy, nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Chị Nguyễn Thị Thu Trang- ngụ xã Trường Tây, huyện Hoà Thành cho biết, chị sợ nhất là những phần quà tết được đóng gói rất đẹp mắt, bày bán sẵn ở các cửa hàng. Năm ngoái, chị mua một phần quà tặng họ hàng. Qua tết, người nhà khui ra, một số hộp bánh mứt đã hết hạn sử dụng, số khác là hàng nhái, chất lượng rất kém. Năm nay, chị rút kinh nghiệm chỉ mua quà tết trong các cửa hàng có uy tín và tự tay chọn lựa sản phẩm để người bán gói lại.

Chị Huỳnh Thị Hồng Trang- ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh cho biết: “Để đảm bảo thực phẩm an toàn cho gia đình ngày tết, tôi chỉ chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng hoặc tìm mua của người quen. Nếu có thời gian, tôi sẽ tự làm thực phẩm tết cho gia đình, vừa tiết kiệm tiền lại vừa đảm bảo sức khoẻ cho cả nhà”.

“Khi chọn mua thực phẩm tết, tôi luôn chú ý đến nhãn mác của sản phẩm. Sản phẩm nào trên nhãn mác không ghi rõ địa chỉ, thành phần nguyên liệu, chỉ số phụ gia, hạn sử dụng, tôi sẽ không mua”- chị Phan Như Thảo, ngụ xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu nói.

Trong “cuộc chiến” chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Một số người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn tồn tại.

Do đó, theo ngành chức năng, người tiêu dùng cần kiên quyết nói không với thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không có nhãn mác đầy đủ, tẩy chay thực phẩm kém chất lượng… đây là cách đẩy lùi thực phẩm bẩn một cách hiệu quả nhất.

LÊ THUỲ - CHÂU PHA