Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Nỗi lo còn dài sau cai nghiện
Thứ hai: 03:55 ngày 17/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Qua những lời tâm sự của các học viên cai nghiện có thể thấy, chuyện họ trở về và tái hoà nhập cộng đồng hoàn toàn không đơn giản. Không ít người cảm thấy lạc lõng- kể cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội, chính vì thế họ dễ dàng nghe theo lời kẻ xấu và tiếp tục tái nghiện.

Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Tây Ninh, nơi tiếp nhận người nghiện ma tuý đến cai nghiện.

Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời gian qua, các cơ quan toà án tại các huyện, thành phố trong tỉnh đã quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với những người nghiện ma tuý. Hiện ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội có hơn 50 học viên cai nghiện, và không ít người trong đó là “người quen cũ” của Trung tâm.

Ma tuý- sự tàn phá khôn lường

P.T, 27 tuổi, nhà ở xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, nghiện heroin từ năm 2010 và trước đây đã từng một lần được đưa đến Trung tâm Giáo dục lao động xã hội. Trong thời gian ở Trung tâm, T đã từ bỏ được “nàng tiên nâu”, thế nhưng khi trở về nhà, chỉ sau một thời gian ngắn gặp lại bạn bè cũ, T lại tái nghiện. Mới đây, theo quyết định của Toà án nhân dân huyện Hoà Thành, T bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với thời hạn 18 tháng tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (Trung tâm GDLĐ). T cho biết, tự bản thân cũng biết chơi ma tuý là có hại và một khi đã “bập” vào nó rồi thì trước sau gì cũng sẽ bị nghiện, nhưng chỉ vì chút tự ái cá nhân, không thắng nổi những lời xúi giục, khích bác của đám bạn xấu nên đã chấp nhận làm mồi cho thứ chất độc giết người ấy. T tự trấn an mình một cách ngây thơ rằng: “Em không chơi hàng đá mà chỉ chơi heroin thôi. Chơi hàng đá dễ bị khô não chết sớm, còn chơi heroin thì chắc… lâu chết hơn”.

H.L, 30 tuổi, nhà ở thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành cũng giống như T, mặc dù thừa biết, đến với heroin là đến với nguy cơ trở thành con nghiện, dễ bị mọi người khinh rẻ, xa lánh, thế nhưng chỉ vì muốn “chứng tỏ bản thân” với đám bạn bè nên H.L đã chấp nhận “thử một lần”, để rồi sau đó trở thành con nghiện nặng với 3 liều heroin mỗi ngày. L cho biết, nghiện heroin rất khổ, khi tới cơn mà không có “hàng” để sử dụng thì con người rơi vào trạng thái “chết còn hơn sống”! Cũng đã nhiều lần H.L tự hứa quyết tâm từ bỏ “nàng tiên nâu” nhưng rồi lại đành… chào thua bởi không thắng nổi sự hành hạ của cơn nghiện.

Cũng như P.T, H.L từng đi cai nghiện bắt buộc ở Trung tâm GDLĐ. Tại đó, H.L đoạn tuyệt được với ma tuý. Thế nhưng, khi về nhà chưa được bao lâu, H.L gặp lại “bạn bè” cũ. Và rồi con người trẻ trai nhưng thiếu ý chí, nghị lực ấy đã không thắng nổi sự cám dỗ của ma tuý. Lần này thì H.L phải chấp hành cai nghiện bắt buộc với thời hạn 18 tháng theo quyết định của toà án.

 S, nhà ở huyện Gò Dầu thì được gia đình đưa đến Trung tâm GDLĐ  theo diện cai nghiện tự nguyện trong thời hạn 6 tháng. S kể, trước đây anh từng làm việc cho một casino ở biên giới với mức thu nhập cũng kha khá. Có được chút tiền rủng rỉnh trong túi, nghe bạn bè xúi giục, S nổi máu “anh hùng rơm”, bắt đầu sa đà vào thú chơi ma tuý đá. Cứ tưởng chơi ma tuý đá không nghiện như chơi heroin và chắc không có hại gì, thế nhưng sau này S mới biết mình sai lầm. Theo lời S kể, những lúc không sử dụng ma tuý đá, anh chỉ  toàn muốn… ngủ, không thiết làm bất cứ việc gì, chỉ khi xài ma tuý đá vào thì con người thấy phấn chấn hẳn lên!

H.V, 26 tuổi, một cô gái khác xinh xắn nhà ở huyện Gò Dầu, hiện đang cai nghiện bắt buộc với thời hạn 18 tháng tại Trung tâm GDLĐ cho biết, thật ra, trước đó bản thân cô cũng biết được những tác hại đáng sợ của ma tuý. Vậy mà khi đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh, cô đã không cưỡng lại được lời rủ rê của bạn trai để tập tành chơi ma tuý đá rồi thành con nghiện thực thụ. Trong một lần về quê thăm nhà, H.V tụ tập cùng nhóm bạn “đồng hội đồng thuyền” thì bị công an kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô dương tính với ma tuý, thế là phải đi cai nghiện theo diện bắt buộc.

H.L cho biết, trước đây anh từng có một mái ấm gia đình, con trai của anh hiện đang học lớp 4. L làm nghề sửa xe máy, thu nhập cũng đảm bảo được kinh tế gia đình. Rồi từ khi sa chân vào con đường nghiện ngập, H.L đã để cho ma tuý phá nát hết mọi thứ mình từng có. Vợ chồng chia tay ngay trong lần L đi cai nghiện bắt buộc, đứa con nhỏ giao cho ông nội. Rồi do ông nội bị bệnh nặng, đứa cháu tội nghiệp đành phải cậy nhờ người cô ruột (chị của H.L) nhà gần đó chăm sóc hộ trong thời gian cha nó ở trại cai nghiện. Cũng vì hoàn cảnh gia đình như thế nên những ngày tháng H.L ở Trung tâm GDLĐ, không có người thân nào trong gia đình đến thăm.

Còn P.T, sau khi rơi vào ma tuý thì gia đình cũng đổ vỡ, vợ chồng ly tan, đứa con gái đang học lớp 5 của họ phải ở cùng bà ngoại. Từ ngày P.T trở thành con nghiện, mẹ cô rất đau buồn, bà từng nhiều lần khuyên bảo con gái từ bỏ ma tuý để làm lại cuộc đời, lo tập trung nuôi dạy con cái nên người. Tuy nhiên, P.T đã phụ lòng mẹ, sau một thời gian cai nghiện ở Trung tâm GDLĐ trở về, cô lại tiếp tục sa chân. Bây giờ nhắc đến con, P.T buồn bã cho biết, cháu bé hiện đã học lớp 5, đã nhận thức được nên bà ngoại không dám dẫn đi thăm mẹ đang cai nghiện. Bà phải nói dối con bé: mẹ cháu bận đi làm xa, một thời gian nữa sẽ về.

Phần S, trong lúc anh đi cai nghiện thì đứa con nhỏ giao cho mẹ anh chăm sóc. Cháu nay mới học lớp 2. Bị vợ rời bỏ nhưng S không oán trách, bởi theo anh, đó là điều tất nhiên bởi không người vợ nào có thể chấp nhận một ông chồng nghiện ma tuý. S chỉ biết tự trách bản thân đã không thắng nổi sự cám dỗ của ma tuý khiến gia đình tan đàn xẻ nghé.

H.V trước đây cũng có một gia đình đầm ấm và đã có một đứa con ngoan. Sau đó, do có xung đột, hai vợ chồng chia tay nhau, đứa bé sống cùng cha nó. Còn H.V bỏ xuống thành phố Hồ Chí Minh đi làm rồi vướng vào ma tuý. Cô phải chấp hành quyết định buộc cai nghiện 18 tháng. Cha của H.V đang bệnh nặng, hay tin xấu đã rất đau lòng. Còn H.V dù rất nhớ con nhưng đành cam chịu bởi không thể nào gặp được. Cô chua xót nói: “Không có chuyện chồng cũ của em đưa con lên đây thăm em đâu. Mà bản thân em cũng không muốn hai mẹ con gặp nhau trong hoàn cảnh này”.

Học viên H.L đang kể về quá trình tái nghiện của mình.

Hậu cai nghiện

Chắc khó có ai dám tin vào “con nghiện” nhưng trong hoàn cảnh này, chúng tôi tin những điều mà các học viên cai nghiện ở Trung tâm GDLĐ vừa chia sẻ trong câu chuyện tâm tình là chân thật. Đây chính là khoảng thời gian để họ nhìn lại quãng đời lầm lỡ đã qua, nỗ lực sửa chữa sai lầm để mai này còn có cơ hội trở về hoà nhập cộng đồng.

S và H.V nói rằng: sau khi cai nghiện, họ quyết tâm từ bỏ hẳn ma tuý để còn làm ăn lo cho gia đình, con cái. Họ đều không muốn con mình phải mang nặng mặc cảm vì có người cha, người mẹ là dân nghiện. H.V cho biết: cô có nghề chăm sóc sắc đẹp (trước đây gia đình có một tiệm spa). “Em tin rằng em sẽ sống được một cách đàng hoàng với nghề của mình”- cô bày tỏ hy vọng. Với S thì: “Sau 6 tháng cai nghiện tự nguyện, em thề sẽ không bao giờ sử dụng ma tuý nữa. Em sẽ phụ công việc làm ăn của gia đình và dành thời gian chăm sóc con. E muốn con mình sau này sẽ được ăn học đến nơi đến chốn để có một tương lai tốt.

Riêng với P.T và H.L, cả hai không dám khẳng định rằng bản thân sẽ đoạn tuyệt vĩnh viễn với ma tuý. Bởi cả hai đã từng cai nghiện rồi lại tái nghiện. H.L cho biết, sau khi cai nghiện về, mặc dù cũng đi làm nhưng anh khá mặc cảm về chuyện mình từng là con nghiện. Trong lúc đang buồn, lại gặp bạn bè cũ rủ rê quay về con đường cũ, H.L đã nghe theo. Thật ra, H.L cũng rất muốn đoạn tuyệt với quá khứ, lo làm ăn để nuôi cha đang bị bệnh nặng và nuôi đứa con còn khờ dại nhưng anh chưa đủ sự tự tin. H.L không biết liệu mai này mình có xoá bỏ được mặc cảm bản thân để vượt lên phía trước hay không.

P.T cũng có cùng tâm trạng như thế. Là người mẹ, cô luôn muốn ở bên cạnh chăm sóc con mình, nhưng không biết sau khi cai nghiện trở về có thoát khỏi sự lôi kéo của đám bạn xấu ngoài xã hội không.

Nhiều học viên cai nghiện ma tuý ở Trung tâm GDLĐ đều thừa nhận: trong thời gian ở Trung tâm, được hỗ trợ cai nghiện bằng các phương pháp khoa học, chỉ khoảng 1 tuần là họ đã chấm dứt cơn nghiện. Sau đó sức khoẻ tiến triển hơn nhiều nhờ có thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi đều đặn.

không phải đã xong chuyện

Có ý kiến cho rằng, ngoài việc áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với những người nghiện ma tuý, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề “hậu cai nghiện”. Bởi qua những lời tâm sự của các học viên cai nghiện có thể thấy, chuyện họ trở về và tái hoà nhập cộng đồng hoàn toàn không đơn giản. Không ít người cảm thấy lạc lõng- kể cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội, chính vì thế họ dễ dàng nghe theo lời kẻ xấu và tiếp tục tái nghiện. Hơn ai hết, những gia đình có người nghiện và chính quyền địa phương (nhất là cấp xã) cần quan tâm đến các trường hợp cai nghiện ma tuý trở về; nhất thiết có biện pháp gần gũi, giúp đỡ, động viên, tạo mọi điều kiện để người nghiện hoà nhập cộng đồng, tránh xa mọi nguy cơ bị lôi kéo trở lại con đường xấu. Có như thế mới hạn chế được tình trạng sau cai nghiện là… tái nghiện.

THIÊN TÂM – THÁI HOÀ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh