Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Học sinh lớp 12 học online:
Nỗi lo của cả thầy lẫn trò
Thứ sáu: 16:03 ngày 04/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ thông tin, kể từ ngày 31.5, để an toàn cho học sinh, giáo viên, nhà trường chuyển qua ôn tập cho học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến. “Trước mắt, chúng tôi cho học sinh học trực tuyến hết tuần này, để xem tuần sau tình hình dịch bệnh thế nào, chứ thực lòng, học trực tuyến khó bảo đảm chất lượng. Chúng tôi tính chia lớp học thành hai rồi tiếp tục ôn tập cho học sinh nhưng không yên tâm, vì thế chuyển qua học trực tuyến”- ông Hùng nói.

Kể từ ngày 31.5, học sinh lớp 12 không còn ôn tập, ôn thi trực tiếp tại lớp học.

Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, ông Huỳnh Văn Nghĩa- Hiệu trưởng trường này cho biết: “Toàn bộ học sinh lớp 12 đã chuyển qua học online. Dạy online khó có thể bảo đảm chất lượng như dạy trực tiếp.

Cũng may, chúng tôi đã tính trước nên tranh thủ xếp thời khoá biểu, lên kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 từ sớm. Một số môn học, chúng tôi đánh giá tương đối ổn. Hiện nay, nhà trường đặc biệt chú ý ôn tập môn tiếng Anh, những môn học còn lại tạm yên tâm”.

Một vị hiệu trưởng khác (xin giấu tên) thông tin, sau khi chuyển hình thức học qua mạng, nhà trường có theo dõi tình hình tham gia lớp học của lớp 12. Buổi học đầu tiên, một số học sinh không xuất hiện trước màn hình máy tính, tức vắng học.

Dù nhà trường dặn dò trước nhưng khi đến giờ học (qua mạng), giáo viên điểm danh, mãi một lúc sau học sinh mới xuất hiện, “học sinh đã vào tài khoản của lớp học nhưng... mở máy ra rồi để đó”- người này thông tin về buổi ôn tập đầu tiên qua mạng.

Vẫn theo ý kiến này, dù dạy trực tuyến nhưng nhà trường chia theo nhóm nhỏ, căn cứ vào từng nhóm học sinh để dạy nhằm bám sát đối tượng học. “Chúng tôi quán triệt giáo viên dạy online cho đến khi có thông báo mới. Nhưng tình hình này có khi dạy qua mạng đến sát ngày thi luôn”- vị lãnh đạo bày tỏ sự lo lắng.

Dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, để bảo đảm an toàn cho cả thầy lẫn trò, toàn bộ học sinh lớp 12 chuyển qua học online. Thời gian từ nay đến ngày thi tốt nghiệp THPT còn khoảng một tháng, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên có ý kiến về một số vấn đề liên quan đến kỳ thi cuối cấp.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ÐT lưu ý các điểm để bảo đảm an toàn cho thí sinh, giám thị. Trong đó, Bộ GD&ÐT và các địa phương quyết tâm tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Trừ trường hợp dịch Covid-19 quá phức tạp, nhiều nơi giãn cách xã hội mới tính đến phương án lùi kỳ thi hoặc các địa phương sẽ có những đề xuất cụ thể để Bộ xem xét.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc rất quan trọng với ngành Giáo dục, đòi hỏi sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Ban Chỉ đạo thi quốc gia đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân rõ người, việc, quy trình, thời gian.

Yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm soát số lượng thí sinh thuộc các trường hợp F0, F1, F2, bố trí điểm thi dự phòng tại mỗi điểm thi cho người nghi nhiễm. Việc này cần làm sớm để xây dựng phương án bố trí phòng thi hợp lý. Trong điều kiện chưa có vaccine, Bộ GD&ÐT yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Một trong những việc quan trọng Bộ GD&ÐT lưu ý là chọn đúng người, giao đúng việc, chọn người có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tham gia vào kỳ thi, đặc biệt là những người đứng đầu…

Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc công tác tập huấn nghiệp vụ thi, nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác cho tổ chức kỳ thi.

Tại mỗi địa phương, công tác phối hợp với các ngành phải xuyên suốt để bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, kịp thời xử lý tình huống có thể xảy ra liên quan đến sức khoẻ cán bộ, thí sinh hay an ninh trật tự, giao thông trong những ngày thi.

Từ giữa tháng 4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trong chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Bộ GD&ÐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, trực tiếp thực hiện các khâu: ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học; chịu trách nhiệm về đề thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và tuyển sinh; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi thống nhất toàn quốc và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm an toàn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra.

UBND cấp tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi trên địa bàn, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, bao gồm tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. UBND tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí kinh phí tổ chức kỳ thi, bảo đảm các quy định phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, trật tự.

Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh, người thân ở tất cả các điểm tổ chức thi, vận động, hỗ trợ thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về kỳ thi và tuyển sinh. Cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công bố công khai đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự kỳ thi, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch.

Giữa lúc này, dư luận cả trong và ngoài ngành Giáo dục lại đặt vấn đề có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không. Trao đổi với chúng tôi, một số hiệu trưởng trường THPT thêm một lần bày tỏ ý kiến rằng, trong ít ngày tới, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nên chăng xem xét không tổ chức thi, thay vào đó là xét tuyển công nhận tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12. “Dịch bệnh thế này, kỳ thi lại phải chia thành nhiều đợt như năm học trước. Việc bảo đảm công bằng cho kỳ thi rất khó, đặc biệt là khâu ra đề thi”- một số vị đang làm công tác quản lý trường học thẳng thắn chia sẻ.

Những băn khoăn nêu trên là chính đáng và không phải không có cơ sở. Nhưng, theo luật định, học sinh lớp 12 phải thi tốt nghiệp mới được công nhận hoàn thành chương trình THPT. Mặt khác, dù Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực và cho phép trường đại học tự chủ trong tuyển sinh, song thực tế mấy năm qua cho thấy, hầu hết các trường đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp do Bộ GD&ÐT tổ chức để làm căn cứ tuyển sinh.

Nhóm trường được coi là tốp dưới có thể tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ, nhưng những trường tốp trên lại tuyển sinh bằng kết quả bài thi của thí sinh. Nếu không tổ chức thi, nhiều trường không có căn cứ để tuyển sinh, vì không có điểm bài thi.

Từ những thực tế đó, dù việc dạy, học, thi cử đang diễn ra trong điều kiện đặc biệt nhưng chưa thể bỏ được kỳ thi tốt nghiệp THPT, trừ khi dịch bệnh phức tạp đến mức không thể tổ chức thi và cấp có thẩm quyền đồng ý không tổ chức kỳ thi, thì mới thực hiện được.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục