Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗi lo hết vắc-xin tiêm chủng
Chủ nhật: 08:02 ngày 25/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vài tháng gần đây, nhiều phụ huynh đưa con em đến trạm y tế, Trung tâm Y tế dự phòng để tiêm ngừa nhưng đều được thông báo đã hết vắc-xin. Một số phụ huynh đã đưa con em đi tiêm chủng theo dịch vụ ở các bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng thiếu vắc-xin 5 trong 1, phóng viên đã liên hệ Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (cả gọi điện thoại và liên hệ trực tiếp) nhưng không nhận được câu trả lời. Phóng viên đã gửi câu hỏi lên website hỏi đáp trực tuyến của UBDN tỉnh.

Người dân đưa trẻ em đến tiêm ngừa tại Trạm Y tế xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Theo chúng tôi tìm hiểu, hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đã hết vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 phòng ngừa các bệnh viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não do HIP.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu, ngụ tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh bức xúc cho biết: con gái của chị hiện được 5 tháng tuổi, đến thời điểm phải tiêm mũi vắc-xin 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng (vắc-xin 5 trong 1 tiêm cho bé từ 2 đến 9 tháng tuổi). Chị Thu đưa con đến Trạm Y tế phường Ninh Sơn thì được thông báo đã hết thuốc.

Sau đó, chị liên hệ nhiều trạm y tế khác trên địa bàn Thành phố, nhưng nhân viên các trạm đều thông báo đã hết thuốc. Sau 2 tháng chờ đợi, lo ngại con bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tháng 10, chị Thu đành đưa con đi tiêm ngừa dịch vụ loại vắc-xin 6 trong 1 tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Tuy nhiên, tại đây cũng hết vắc-xin tiêm mũi 1, chỉ còn mũi nhắc lại nên gia đình chị phải đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) để tiêm mũi 1. Ngày 17.11 vừa qua, chị Thu đưa con đến Trung tâm Y tế Dự phòng tiêm ngừa mũi nhắc lại thì được thông báo hết mũi nhắc lại (loại Haxexim và Infarix). Liên hệ lại Bệnh viên Nhi đồng 1 cũng đã hết vắc-xin 6 trong 1.

Chị Thu bức xúc: “Tôi hỏi bác sĩ ở trạm y tế thì họ chỉ lên Trung tâm Y tế dự phòng tiêm dịch vụ. Nếu không tiêm dịch vụ phải chờ đến cuối năm, nhưng cũng không chắc là có thuốc hay không. Gia đình tôi đồng ý tiêm dịch vụ cho con nhưng cũng mới chỉ tiêm được mũi 1, mũi nhắc lại thứ 2 chưa tiêm được, tôi liên hệ 4 cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh đều nói đã hết thuốc.

Tôi không chỉ lo lắng cho sức khoẻ của con em mình khi không được tiêm chủng đúng độ tuổi mà còn rất bức xúc vì mất thời gian, công sức, do ngành Y tế không chủ động thông báo về tình trạng hết vắc-xin và tư vấn về giải pháp để bảo vệ sức khoẻ cho bé”.

Theo ngành Y tế tỉnh, trong tháng 9 và tháng 10.2018, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chưa thể cung ứng vắc-xin DPT-VGB-Hib trong tiêm chủng mở rộng. Viện không cấp Quinvaxem và DPT nên các trạm y tế chỉ sử dụng vắc-xin bại liệt cho trẻ uống và lập danh sách để tiêm bù khi có vắc-xin. Đây là tình hình chung của cả tỉnh Tây Ninh.

Việc thiếu vắc-xin 5 trong 1 là do Hàn Quốc ngưng sản xuất vắc-xin Quinvaxem, Bộ Y tế sẽ sử dụng vắc-xin ComBe Five của Ấn Độ để thay thế. Đây là loại vắc-xin có thành phần tương tự vắc-xin Quinvaxem. Nhưng đến nay, nhiều trạm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có vắc-xin.

Không chỉ nhiều loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng hết mà các loại vắc-xin tiêm dịch vụ cũng hết. Hiện, tại bàn bốc số của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có tờ giấy thông báo hết nhiều loại vắc-xin như viêm màng não mô cầu BC, AC; Pentaxim (5-1), viêm gan AB, phế cầu (mũi nhắc), 6 trong 1 (mũi nhắc). Khi hỏi nhân viên trực bàn bốc số thì chị này cũng không biết khi nào mới có vắc-xin trở lại.

Vừa qua, vợ chồng anh Trương Thanh Tú, ngụ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu đưa con đi tiêm chủng dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tuy nhiên, đến nơi, anh được thông báo là đã hết nhiều loại vắc-xin. Anh Tú cho biết, con trai anh đã tròn 1 tuổi, cháu đã quá lịch tiêm chủng viêm màng não mô cầu BC theo lịch hẹn của Trung tâm Y tế dự phòng (lịch hẹn là ngày 17.10).

Trong hai ngày 17.10 và 17.11, đem con đến trung tâm tiêm ngừa, gia đình anh Tú đều được thông báo đã hết thuốc. Đồng thời nhân viên y tế cũng không biết đến khi nào mới có lại thuốc. Vợ chồng anh Tú vừa bức xúc, vừa lo lắng nên đã liên hệ hệ thống tiêm chủng VNVC tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trung tâm này cho biết chỉ ưu tiên tiêm ngừa cho bé đã được gia đình đặt lịch trước và đã mua gói dịch vụ tại hệ thống.

Anh Tú chia sẻ: “Tôi đã cố gắng liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng nhiều lần qua điện thoại để hỏi vắc-xin còn hay không nhưng không ai bắt máy. Nếu như thuốc hết, trung tâm nên có biện pháp thông báo cho người dân biết và cần có biện pháp bảo đảm nguồn vắc-xin để tiêm ngừa cho trẻ em”.

Viêm màng não mô cầu là bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh. Ai cũng có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Đặc biệt, người dưới 30 tuổi- đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hiện nay, vắc-xin ngừa viêm não mô cầu là vắc-xin dịch vụ, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, việc tạm hết vắc-xin khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Thiết nghĩ, ngành Y tế nên có giải pháp công khai minh bạch, thông tin kịp thời để người dân an lòng.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục