Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nỗi lo từ chợ tạm, chợ tự phát Kỳ 2: Cần tìm giải pháp căn cơ
Thứ sáu: 14:28 ngày 11/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ lâu, việc xử lý chợ tạm, chợ tự phát là bài toán khó đối với chính quyền các cấp, ngành chức năng. Tuy nhiên, thực tế, nếu quyết tâm, tìm giải pháp phù hợp, có thể giải quyết vấn đề này.

Lực lượng chức năng di dời hàng hoá lấn chiếm lề đường

TRĂN TRỞ CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Dù biết rõ việc xử lý mạnh tay những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán của chính quyền là đúng đắn, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục buôn bán, vì gánh hàng rong là miếng cơm, manh áo của gia đình. Trên tuyến đường Huỳnh Thanh Mừng (thị xã Hoà Thành), dễ bắt gặp hình ảnh người bán hàng rong với đôi quang gánh, chiếc xe đạp hay xe máy cũ kỹ chở đầy hoa quả và đồ ăn. Một số người tâm sự, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, họ phải gắn bó với việc buôn bán như thế này. Công việc khá vất vả, rong ruổi khắp nơi mới kiếm được chút lãi.

Bà T, gắn bó với nghề bán trái cây dạo gần chợ Long Hoa cho biết: “Tôi bán hàng dưới lòng đường cũng sợ nguy hiểm, có lúc bị người ta chửi bới. Buôn bán chạy tới chạy lui cũng khổ nhưng bù lại không phải đóng tiền mặt bằng nên có lãi kiếm sống qua ngày”.

Khoảng 16 giờ hằng ngày, chị T.V đem rau đến tuyến đường Võ Văn Truyện (chợ thành phố Tây Ninh) bán. “Do hoàn cảnh gia đình, tôi không thể đăng ký bán cố định trong chợ. Thỉnh thoảng, tôi tranh thủ ra vườn cắt mớ rau muống, kèo nèo, bạc hà… rồi ra đây ngồi bán, kiếm thêm vài chục ngàn nuôi con”- chị T.V kể.

Theo một số tiểu thương ở chợ “chồm hỗm” phường Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh), dù biết rằng việc buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè là sai nhưng không có chợ chính thức nên họ đành bày hàng như vậy. Mọi người mong muốn sớm có nơi bán cố định, gần chợ cũ để thuận lợi cho việc kinh doanh. 

Cùng quan điểm, một tiểu thương bán thịt tại Khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu) cho biết, vì trước đây, chợ trong Khu công nghiệp Chà Là được xây dựng, có nhiều vấn đề không bảo đảm quy định. Tiểu thương bán trong chợ lại có ít người mua, trong khi xe hàng rong thì tấp nập người ghé nên ai cũng kéo ra đường bán. Địa phương muốn lập lại trật tự cần có biện pháp hỗ trợ lâu dài để tiểu thương làm ăn.

QUAN TÂM, BỐ TRÍ NƠI MUA BÁN PHÙ HỢP

Chợ Long Hoa (thị xã Hoà Thành) là nơi mua bán hàng hoá lớn của tỉnh, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương đến mua sắm. Ngoài các hộ kinh doanh cố định, xung quanh chợ (tuyến đường Huỳnh Thanh Mừng) có nhiều xe đẩy, gánh hàng rong tụ tập mua bán trái phép. Tình trạng này đã tồn tại khá lâu, chưa thể xử lý dứt điểm.

Ông Lê Hữu Định- Chủ tịch UBND phường Long Hoa cho biết, địa phương nỗ lực tìm kiếm giải pháp, xây dựng kế hoạch giải toả lấn chiếm. Trước khi ra quân xử lý, UBND phường tổ chức thông báo, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định, tự giác di dời hàng hoá lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Phường phối hợp với Phòng Quản lý đô thị sơn vạch vỉa hè xác định khu vực dành cho người đi bộ, làm cơ sở xử lý vi phạm; phối hợp với Ban Quản lý Trung tâm thương mại Long Hoa và Ban Quản lý chợ sắp xếp cho các hộ kinh doanh chợ đêm và chợ ngày vào buôn bán trong khuôn viên trung tâm.

Qua vận động, mọi người đã chấp hành quy định, có 104/109 hộ (hoạt động mua bán vào ban đêm) đồng ý di dời vào bên trong chợ để kinh doanh. Đối với những trường hợp mua bán nhỏ lẻ vào ban ngày, công tác vận động bà con vào chợ còn khó khăn. Sau khi địa phương tuyên truyền, có một số bà con đã đăng ký chỗ bán cố định trong chợ. UBND phường chỉ đạo lực lượng sắp xếp tuần tra, xuyên suốt; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường tham gia cùng lực lượng, giải toả tình trạng lấn chiếm.

Chủ tịch UBND phường Long Hoa cho biết thêm, sau thời gian thực hiện, tình hình trật tự xung quanh chợ dần ổn định, Việc vi mua bán hàng rong hạn chế hơn trước. Trên cơ sở đó, UBND phường không chủ quan, duy trì giải pháp hữu hiệu, tuần tra, xử lý tại các tuyến đường nhánh xung quanh chợ. Địa phương sẽ xử phạt nguội các vi phạm thông qua hình ảnh trích xuất từ camera giám sát lắp đặt xung quanh chợ. Hiện nay, có 8 camera bố trí tại các cổng chợ, sẽ lắp thêm 1 camera loại lớn, tầm nhìn bao quát, chống tình trạng tái mua bán lấn chiếm lòng lề đường.

Trên tuyến đường 784, đoạn qua Khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu), tình trạng mua bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đã kéo dài khá lâu. Ông Đào Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Chà Là cho biết, địa phương đã xây dựng kế hoạch giải toả, vận động tổ chức, cá nhân ký cam kết chấp hành quy định, tự tháo dỡ công trình vi phạm. Đến nay, việc buôn bán lấn chiếm đã hạn chế, người dân tự động dời hàng vô 2 mét (tính từ lề đường trở vào).

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, UBND xã Chà Là tạo điều kiện cho tiểu thương có địa điểm mua bán phù hợp, bảo đảm an toàn. Chợ nằm trong Khu công nghiệp Chà Là đang kê biên, đấu giá để đơn vị khác đấu thầu xây dựng, sửa chữa, bảo đảm đúng quy định. Sau khi hoàn thành, chính quyền địa phương sẽ tổ chức vận động, thuyết phục bà con vào trong chợ để mua bán, trả lại đường sá thông thoáng.

KHÔNG ĐỂ TÁI LẬP CHỢ TỰ PHÁT

Trên địa bàn huyện Gò Dầu có 1 chợ tạm và 4 chợ tự phát, bao gồm: chợ Cẩm Long, chợ Cẩm An (xã Cẩm Giang), chợ Bông Trang (xã Thạnh Đức), chợ Thanh Phước (xã Thanh Phước), chợ chiều (thị trấn Gò Dầu). Các chợ hoạt động chủ yếu vào buổi sáng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng khó xử lý.

Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tích cực tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm lòng, lề đường. Huyện kiên quyết giải toả chợ tạm, chợ tự phát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; chỉ đạo xã, thị trấn rà soát các hộ kinh doanh tại chợ tạm, chợ tự phát để xây dựng kế hoạch bố trí địa điểm buôn bán phù hợp. Địa phương kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng chợ như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng chung tay hỗ trợ.

Với quyết tâm lập lại trật tự, Thanh tra giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, họp chợ trái phép. Năm 2020, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với các địa phương kiểm tra, phát hiện hơn 7.000 trường hợp vi phạm; giải toả 15 tuyến đường.

Sắp tới, Thanh tra giao thông vận tải tăng cường giải toả lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tập trung xử lý tại các khu dân cư. Sau khi giải toả tình trạng lấn chiếm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải sẽ bàn giao cho địa phương tiếp tục quản lý.

Ông Lương Anh Dũng- Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Tây Ninh cho biết, trước tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán, hằng tháng, Đội lên kế hoạch tham mưu cho Phòng Quản lý đô thị ra quân lập lại trật tự trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm.

Rút kinh nghiệm sau nhiều lần ra quân xử lý, ông Dũng cho rằng, UBND phường, xã cần cử lực lượng túc trực tại các điểm thường xảy ra lấn chiếm để xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm. Người đứng đầu địa phương cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác giải toả chợ tạm, chợ tự phát. Nâng cao ý thức người dân trong việc không mua hàng hoá tại chợ tạm, chợ tự phát, chung tay cùng chính quyền lập lại trật tự đô thị.

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, và với những giải pháp căn cơ, tình trạng chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường sẽ không còn tái diễn. Người dân có nơi mua bán phù hợp, an tâm phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trả lại mỹ quan đô thị. 

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục