BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi lòng mẹ Mĩa 

Cập nhật ngày: 05/09/2018 - 11:45

BTN - Mẹ Mĩa nay đã bước sang tuổi 88, nhưng mẹ còn rất minh mẫn. Trong những câu chuyện vãn, mẹ hay trầm ngâm mỗi khi nhìn di ảnh của chồng và con trai trên bàn thờ. Mẹ bắt đầu kể câu chuyện của hơn 50 năm về trước- câu chuyện về những năm tháng đấu tranh oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam để giành lại độc lập, tự do.

Các bạn đoàn viên thanh niên xã Bàu Năng thăm mẹ Mĩa.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cũng như nhiều địa phương khác trên quê hương Tây Ninh đã tiễn đưa hàng ngàn con em của xã lên đường ra mặt trận chiến đấu trên khắp các chiến trường. Không ít trường hợp đã hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong đó, có chồng và con trai của mẹ Lê Thị Mĩa.

Tôi đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mĩa, ngụ ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng vào một chiều cuối tháng 8. Những ngày này, căn nhà của mẹ Mĩa lại vui hơn, ấm áp hơn khi có các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã tới thăm nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Mẹ Mĩa nay đã bước sang tuổi 88, nhưng mẹ còn rất minh mẫn. Trong những câu chuyện vãn, mẹ hay trầm ngâm mỗi khi nhìn di ảnh của chồng và con trai trên bàn thờ. Mẹ bắt đầu kể câu chuyện của hơn 50 năm về trước- câu chuyện về những năm tháng đấu tranh oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam để giành lại độc lập, tự do.

Vào tuổi đôi mươi, mẹ Mĩa lấy chồng, về làm dâu ở xã Bàu Năng. Chồng tham gia kháng chiến, mẹ hết lòng ủng hộ, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ già và chăm sóc các con. Năm 1962, chồng mẹ là ông Cao Văn Nở hy sinh, để lại cho mẹ 4 người con nhỏ. Nhận được tin chồng hy sinh, mẹ tưởng như không thể gượng dậy, nhưng nhìn đàn con thơ dại, mẹ nuốt nước mắt vào lòng, vượt lên nỗi đau.

Mẹ một mình vừa đi làm thuê vất vả nuôi con, vừa phải đối phó với sự rình rập, trấn áp của quân thù và truyền cho các con ngọn lửa yêu nước. Ðến năm 1965, mẹ cũng bị địch bắt, bị đánh đập, tra tấn. Nhưng mẹ kiên quyết không khai báo. Ðến tháng 2.1966, trước tinh thần kiên trung của mẹ, bọn chúng đành thả mẹ về. Trong khoảng thời gian này, con trai thứ hai của mẹ cũng lên đường nhập ngũ. 

Mẹ kể: “Mẹ bị bắt được 5 tháng thì con trai thứ hai đang học lớp 11 theo chí hướng của cha trốn theo bộ đội. Khi được thả về, vì sự an toàn của các con, mẹ không dám về nhà mà chỉ lén về thăm con được 2 lần. Khi con trai hy sinh, mẹ đau lắm!”.

Con trai của mẹ Mĩa là liệt sĩ Cao Văn Khọn, hy sinh khi đi giao liên. Mẹ kể: “Theo lệnh của cấp trên, nó đi bắt liên lạc với cơ sở để mua máy đánh chữ, trên đường trở về căn cứ bị trúng phục kích của địch. Một ngày sau khi con trai mất, mẹ mới biết tin”.

43 năm sau giải phóng, chiến tranh đã lùi xa, mẹ Mĩa đã già nhưng trong giọng nói, ánh mắt vẫn còn nguyên vẹn ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mẹ và chồng con đã chọn. Mẹ giờ sống yên vui đầm ấm trong sự chăm sóc của con cháu và sự quan tâm, thăm hỏi từ các cấp chính quyền và sự chăm lo, phụng dưỡng của toàn xã hội.

Vũ Nguyệt