Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nới lỏng trừng phạt Triều Tiên có thể phá vỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân
Thứ tư: 13:38 ngày 18/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 17/12, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân cho biết Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nới lỏng trừng phạt Triều Tiên nhằm làm dịu những quan ngại của nước này về khủng hoảng nhân đạo, đồng thời phá vỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.


Hệ thống tên lửa đạn đạo dẫn đường mới của Triều Tiên được phóng thử nghiệm ngày 1/8/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Phát biểu với báo giới, ông Trương Quân khẳng định dự thảo nghị quyết mà Trung Quốc và Nga trình HĐBA LHQ là nhằm giải quyết các mối quan ngại của Triều Tiên. Theo Đại sứ Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt cũng là điều mà Triều Tiên quan ngại, và mối quan ngại này là "chính đáng". Ông nhấn mạnh: "Nếu muốn người ta làm điều gì đó thì cần xem xét những mối quan ngại của họ".      

Khi được hỏi về thời điểm dự thảo nghị quyết này có thể được đưa ra bỏ phiếu tại HĐBA, ông Trương Quân cho biết: "Một khi chúng tôi cảm thấy chúng tôi có sự ủng hộ mạnh mẽ, chúng tôi sẽ có hành động tiếp theo".

Trước đó, ngày 16/12, Nga và Trung Quốc đã trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ, trong đó đề xuất đưa ra khỏi danh sách trừng phạt của LHQ các dự án hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều, xuất khẩu thủy sản và dệt may của Triều Tiên, để khuyến khích đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết cũng hoan nghênh việc duy trì đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng ở mọi cấp, hướng tới thiết lập quan hệ mới giữa hai nước, xây dựng lòng tin lẫn nhau và nỗ lực chung trong việc kiến tạo một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, dự thảo kêu gọi nhanh chóng nối lại đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao HĐBA LHQ sau đó cùng ngày đã nhóm họp để thảo luận dự thảo này. Để được thông qua tại HĐBA LHQ, một nghị quyết cần nhận được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống nào của các thành viên thường trực gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc. 

Nguồn baotintuc

Tin cùng chuyên mục