BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nội mạc tử cung là lớp màng mỏng lót mặt trong tử cung 

Cập nhật ngày: 09/09/2017 - 15:11

BTN - Nữ, 30 tuổi, đã có một con, nay muốn sinh thêm con thứ hai. Sức khoẻ của tôi bình thường, thấy kinh nguyệt đều mỗi tháng, đúng ngày, chưa từng hút thai, cũng chưa phát hiện bệnh phụ khoa gì. Vừa qua, tôi đi khám phụ khoa và siêu âm (sau sạch kinh 10 ngày), kết quả khám phụ khoa bình thường, còn siêu âm chẩn đoán nội mạc tử cung mỏng, chỉ 7mm. Bác sĩ nói tôi rất khó mang thai. Xin hỏi bác sĩ, nội mạc tử cung mỏng có điều trị được không?

Một bạn đọc

Ðáp: Nội mạc tử cung là lớp màng mỏng lót mặt trong tử cung. Nội mạc tử cung thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt: dày lên và tăng tưới máu để chuẩn bị cho phôi thai làm tổ và phát triển, hoặc bong tróc và gây chảy máu (kinh nguyệt) trong trường hợp không có thai. 

Với phụ nữ tuổi sinh đẻ, độ dày trung bình của nội mạc tử cung là 2-4mm trong giai đoạn hành kinh, 5-7mm trong giai đoạn đầu sau hành kinh, khoảng 11mm giai đoạn gần giữa chu kỳ kinh nguyệt và khoảng 16mm trong giai đoạn chuẩn bị cho phôi thai làm tổ (giữa chu kỳ kinh nguyệt).

Nội mạc tử cung giai đoạn ngay sau phóng noãn (giữa chu kỳ) nếu độ dày dưới 7mm thì được xem là mỏng, rất khó cho phôi thai làm tổ và phát triển. Nội mạc tử cung mỏng có thể do rất nhiều nguyên nhân như nồng độ estrogen thấp, không đủ máu cung cấp cho tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu, hút nạo buồng tử cung, dính buồng tử cung, sử dụng thuốc tránh thai nhiều năm…

Trường hợp của bạn, nội mạc tử cung 7mm ở giai đoạn sau sạch kinh 10 ngày được xem là mỏng, rất khó “đậu thai”. Xin lưu ý, cần siêu âm qua ngả âm đạo để đo chính xác độ dày nội mạc tử cung. Bạn có nhu cầu sinh thêm con, nên cần điều trị nội mạc tử cung mỏng.

Các biện pháp điều trị nội mạc tử cung mỏng bao gồm: gỡ dính buồng tử cung qua nội soi, sử dụng thuốc nội tiết như estrogen và GnRH đồng vận, dùng thuốc làm tăng tưới máu tử cung như aspirin, vitamin E, pentoxifylline, L-arginine hoặc sildenafil, bơm vào buồng tử cung yếu tố tăng trưởng như G-CSF, và gần đây nhất là ứng dụng y học phục hồi.

Nghiên cứu cho thấy, hầu hết các biện pháp điều trị chỉ làm tăng chút ít độ dày nội mạc tử cung và giúp có thai được. Trường hợp của bạn vẫn còn hy vọng vì tuổi trẻ, kinh nguyệt đều hằng tháng, chưa từng mắc bệnh phụ khoa, chưa từng hút thai, nên nguyên nhân nghĩ đến đầu tiên là do nồng độ estrogen thấp hoặc tưới máu tử cung kém. Bạn có thể đến bệnh viện hoặc các cơ sở hiếm muộn để được khám và tư vấn điều trị.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú