BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý rác thải sinh hoạt:

Nói mãi, còn mãi

Cập nhật ngày: 26/10/2018 - 06:10

BTN - Thực tế là có một bộ phận không nhỏ người dân không muốn ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nhưng khi có phát sinh một số điểm vứt rác bừa bãi gần khu vực sinh sống lại lên tiếng kiến nghị, phản ánh đến chính quyền. Nói nôm na, vẫn còn nhiều người muốn khuôn viên gia đình sạch nhưng lại không muốn tốn tiền (!?).

Dù có bảng cấm đổ rác nhưng nhiều người vẫn mang rác thải sinh hoạt đến vứt tại trước hẻm số 5 đường Trần Văn Trà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh.

Muốn sạch, nhưng ngại tốn tiền

Dù công tác thu gom rác được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm chấn chỉnh, nhưng trên một số tuyến đường tại thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành, vẫn còn những điểm vứt rác bừa bãi, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Không nói đâu xa, ngay dưới gốc cây xanh trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 3, thành phố Tây Ninh (khu vực phía trước Ngân hàng NN&PTNT) xuất hiện nhiều bao, bọc rác thải. Ðáng lưu ý là, điểm vứt rác thải này lại nằm sát nhà chờ xe buýt, hằng ngày có biết bao nhiêu người đứng đợi xe.

Ngược về huyện Hoà Thành, trên vỉa hè con đường phía trước bến xe khách ở Thị trấn, gần như lúc nào cũng thấy nhiều bao, bọc chứa rác thải sinh hoạt vứt tại đây. Một người dân sống ở gần đó cho biết, hằng ngày, công nhân vệ sinh thường đẩy xe thu gom rác về tập kết tại đây chờ xe đến lấy, nhiều người mang rác đến bỏ vào xe thu gom rác. Nhưng có những hôm công nhân vệ sinh chưa đưa xe thu gom rác về tập kết, người dân đem rác đến, vứt bừa bãi trên vỉa hè.

Có thời điểm, khoảng 2 ngày mới có xe đến thu gom rác nên khu vực này trở nên ô nhiễm, bốc mùi tanh hôi khủng khiếp. Do đó, người dân trên kiến nghị đơn vị thu gom rác tăng tần suất cho xe đi thu gom rác tại các điểm tập kết, hạn chế ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường.

Rõ ràng, ý thức của một bộ phận người dân trong việc xử lý rác thải sinh hoạt của chính gia đình mình rất kém. Ðiều đó lý giải vì sao ngay trước hẻm số 5, đường Trần Văn Trà, ấp Bình Trung, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, dù chính quyền địa phương đã cắm bảng cấm đổ rác nhưng không có tác dụng. Không chỉ vứt rác trên lề đường, vỉa hè, không ít người còn tiện tay vứt xuống kênh, mương. Ðơn cử như con kênh thuỷ lợi nằm phía sau đường Trần Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, nhiều loại rác thải từ bịch nylon, hộp xốp đựng thức ăn cho đến chai nhựa... cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Qua ghi nhận từ nhiều ý kiến người dân đã đặt ra, có phải do việc tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư chưa phủ rộng nên nhiều người không biết xử lý thế nào đành phải vứt bừa bãi?

Ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh cho biết, thời gian qua việc thực hiện Quyết định 65/2016/QÐ-UBND ngày 20.12.2016 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và bất cập. Hiện tỷ lệ hộ gia đình đăng ký đổ rác ở phường, xã còn thấp. Ðơn cử như tại thành phố Tây Ninh, tỷ lệ này chỉ đạt 60%. Riêng đối với các cơ sở dịch vụ kinh doanh như quán ăn, cà phê... việc thu giá dịch vụ theo quy định (từ 30 đến 160 ngàn đồng/tháng), càng khó hơn vì khi điều chỉnh tăng giá sẽ bị người dân phản ứng và cắt hợp đồng thu gom rác.

Theo ông Bình, bản thân ông đã từng đến tận nhà các hộ dân để vận động ký hợp đồng thu gom rác. Tuy nhiên có nhiều hộ thẳng thắn cho rằng, họ không có nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày nên không ký! Những trường hợp này rác thải được bỏ đi đâu? Có thể họ “gởi nhờ” điểm để rác của gia đình đã ký hợp đồng thu gom; hoặc cũng có thể họ mang đi vứt ở đâu đó gần khu vực sinh sống. Tuy nhiên do trong hợp đồng đã ký với các huyện, thành phố, đơn vị sẽ hỗ trợ thu gom rác thải bỏ ven đường nên công nhân vệ sinh vẫn phải dọn dẹp.

Thực tế là có một bộ phận không nhỏ người dân không muốn ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nhưng khi có phát sinh một số điểm vứt rác bừa bãi gần khu vực sinh sống lại lên tiếng kiến nghị, phản ánh đến chính quyền. Nói nôm na, vẫn còn nhiều người muốn khuôn viên gia đình sạch nhưng lại không muốn tốn tiền (!?).

Việc ý kiến người dân phản ánh về tình trạng xe đi thu gom rác không thường xuyên, ông Bình cho biết, việc thu gom, vận chuyển rác thải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa công ty và các huyện, thành phố. Theo hợp đồng ký với UBND thành phố Tây Ninh, việc thu gom rác thực hiện 2 ngày/lần, nên rác ứ đọng làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân là điều không thể tránh khỏi.

Do đó, để bảo đảm vệ sinh môi trường, cũng như sự hài lòng của người dân, UBND thành phố Tây Ninh cần tăng số lần lấy rác trong hẻm mỗi ngày lên đưa vào dự toán và hợp đồng để công ty bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện thu gom toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt theo đúng tiêu chí lựa chọn nhà thầu dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn tỉnh.

Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt

Theo ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của các sở, ngành, chính quyền các huyện, thành phố và cấp xã, công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt ở tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan.

Hiện nay, khối lượng rác thải trung bình ở tỉnh khoảng 250 tấn/ngày, khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý khoảng 200 tấn/ngày. Các huyện, thành phố đều ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đầu tư phương tiện, thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt nhằm hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi không đảm bảo vệ sinh môi trường

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt ký hợp đồng với các huyện, thành phố để thu gom rác thải sinh hoạt, có 2 khu xử lý rác thải của Công ty TNHH MTV môi trường xanh Huê Phương và Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tây Ninh.

Bên cạnh đó, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 1552/KH-UBND ngày 12.6.2017 của UBND tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, có những thuận lợi như: việc phân công, phân cấp quản lý, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố được quy định cụ thể trong kế hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Thời gian qua, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, các ngành chức năng tỉnh và chính quyền địa phương huyện, xã cũng có nhiều giải pháp nhưng vẫn còn nhiều bất cập, các điểm vứt rác trái phép lộ thiên liên tục lộ diện ở nhiều nơi.

Tại các địa phương, việc triển khai thực hiện kế hoạch gắn liền với công tác xây dựng nông thôn mới nên có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, các địa phương xây dựng nông thôn mới thực hiện chỉ tiêu 17.3 - xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp an toàn và 17.5 - chất thải rắn trên địa bàn  và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý đúng quy định.

Uỷ ban MTTQVN tỉnh cũng đã chỉ đạo các tổ chức thành viên xây dựng mô hình điểm có lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, tổ tự quản về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Ðồng thời, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường đã tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân; hệ thống tổ chức làm công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở đang dần ổn định nên về cơ bản ý thức của người dân đã được cải thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát ô nhiễm được thực hiện thường xuyên, liên tục đã tạo nên những bước chuyển biến mới trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn không ít hạn chế. Dù công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được chú trọng nhưng chưa có sự tham gia đồng bộ của các hệ thống chính trị. Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt chỉ tập trung ở khu vực đô thị, chợ, nơi công cộng, khu dân cư tập trung tại vùng nông thôn.

Ðối với các khu dân cư phân tán, nhỏ lẻ, hộ gia đình ở xa khu dân cư vẫn chưa được tổ chức thu gom, xử lý đa số các hộ gia đình tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt, chôn lấp nếu không tái chế, sử dụng được. UBND các huyện, thành phố chưa bố trí được các điểm lưu trữ rác tạm thời tại mỗi xã và sơ đồ điểm tập kết theo Kế hoạch 1552 của tỉnh.

Các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt xử lý vi phạm về hành vi vứt rác thải bừa bãi, không đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo quy định... Việc triển khai thực hiện Quyết định 42/2017/QÐ-UBND ngày 7.12.2017 của UBND tỉnh quy định về phân cấp nhiệm vụ chi, mức chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh của cấp huyện, cấp xã còn nhiều lúng túng; việc xây dựng dự toán kinh phí bảo vệ môi trường của cấp xã còn nhiều khó khăn.

Công tác quản lý, triển khai thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể của Quyết định này, vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Việc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt do UBND huyện thực hiện, chưa giao cho UBND cấp xã xử lý theo Kế hoạch 1552.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng chưa đồng bộ, chưa có sự tham gia đầy đủ của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, phường, thị trấn, xóm, ấp, làm cho ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa chuyển biến sâu rộng.

Ðể công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng hiệu quả, ông Sơn cho rằng, ngoài việc tiếp tục triển khai Kế hoạch 1552 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, cần tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và tổ chức chính trị xã hội cấp huyện trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng đến công tác quản lý chất thải trên địa bàn; đẩy mạnh việc tham gia đầy đủ của cả hệ thống chính trị.

Trước mắt cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các giải pháp đã triển khai, cần có sự đồng bộ từ cơ chế, chính sách, nguồn tài chính hỗ trợ đến công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường mình đang sinh sống, vận động thay đổi tập quán, thói quen xả rác tuỳ tiện. Bố trí điểm lưu trữ rác tạm thời, điểm tập kết rác hợp lý, không ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường và sức khoẻ cộng đồng dân cư.

THIÊN TÂM