BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nơi nào có người nghèo, nơi đó có Ngân hàng Chính sách xã hội 

Cập nhật ngày: 04/01/2023 - 08:21

BTN - Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vừa tổ chức tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Cầu giải ngân vốn vay cho người dân.

Hội nghị được tổ chức hôm 29.12.2022, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, điểm cầu chính tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (thành phố Hà Nội) và các điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan.

Dự tại điểm cầu tỉnh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong; lãnh đạo NHCSXH chi nhánh tỉnh Tây Ninh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đạt nhiều thành tựu nổi bật; huy động các nguồn lực tài chính tạo nguồn vốn lớn, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn, giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ những ngày đầu hoạt động, NHCSXH đã xây dựng, duy trì và thường xuyên củng cố, hoàn thiện phương thức quản lý tín dụng đặc thù, cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo, đó là: triển khai phương thức cho vay trực tiếp có uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch xã; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở thôn, ấp, bản, làng. Đến 30.11.2022, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác đang phối hợp quản lý 99,1% dư nợ tín dụng với số dư trên 277.200 tỷ đồng; trong đó, Hội Phụ nữ quản lý trên 106.300 tỷ đồng, chiếm 38,4%; Hội Nông dân quản lý gần 83.400 tỷ đồng, chiếm 30,1%; Hội Cựu chiến binh quản lý trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 17%; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý trên 40.200 tỷ đồng, chiếm 14,5%.

NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập, tổ chức giao dịch tại 10.435 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước. Giao dịch tại điểm giao dịch xã được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH. Bên cạnh đó, NHCSXH phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 Tổ TK&VV đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ TK&VV là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến 30.11.2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng gấp 41,9 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.

Kết quả việc tiếp nhận nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương là điểm nổi bật trong việc thực hiện chủ trương tập trung huy động nguồn lực để triển khai tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Đến 30.11.2022, nguồn vốn nhận uỷ thác từ địa phương các cấp đạt trên 29.098 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng nguồn vốn (trong đó, nguồn vốn nhận uỷ thác cấp tỉnh 23.888 tỷ đồng, nguồn vốn nhận uỷ thác cấp huyện 5.210 tỷ đồng), tăng 7,6 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, uỷ thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Trong 20 năm qua, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng.

Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương những thành tích đã đạt được trong 20 năm triển khai thực hiện chương trình, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cũng như nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải xác định thực hiện tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế 10 năm 2021-2033, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các kế hoạch chiến lược phát triển KT-XH của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tập trung chỉ đạo, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội để triển khai tốt Kết luận số 06 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đặc biệt là tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những giải pháp đề ra, trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý: tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật; những cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động vốn, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; chủ động nghiên cứu, đề xuất để thu hút mở rộng đối tượng cho vay vốn; nâng cao mức cho vay, thời hạn cho vay để phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển KT-XH của đất nước.

“Nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động, hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phù hợp với hoạt động đặc thù của ngành, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Khi xây dựng các chính sách phải lưu ý nghiên cứu, đánh giá kỹ để chính sách đi vào thực tế”- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của NHCSXH để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác- nhất là trong điều kiện các nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế và khó khăn.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách- nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích.

Nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã nhằm thực hiện tốt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ không ngừng phát triển và giữ vững niềm tin của nhân dân với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ" và "Nơi nào có người nghèo, nơi đó có Ngân hàng Chính sách xã hội".

TRÚC LY


Liên kết hữu ích