BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nối nghiệp

Cập nhật ngày: 30/10/2014 - 06:06

Lễ tuyên dương những công nhân tiêu biểu có nhiều thế hệ công tác trong ngành cao su do Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh tổ chức.

Vợ chồng ông Trần Văn Chim (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bính (76 tuổi) ngụ ấp 2, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu là những cựu công nhân cao tuổi của Nông trường Cao su Bến Củi. Ông Chim kể rằng, cha của ông quê ở tỉnh Nam Định, năm xưa cùng nhiều trai tráng khác rời làng quê vào làm công nhân ở đồn điền cao su Bến Củi. Mẹ của ông cũng là công nhân làm cùng đồn điền. Đến lượt vợ chồng ông Chim cũng nối nghiệp cha mẹ, cả đời kiếm sống bằng nghề cạo mủ cao su.

"Hồi đó, cứ khoảng 6 giờ sáng là xe của bọn cai Pháp đến khu tập thể này chở chúng tôi vào vườn để cạo, thu gom mủ cao su, đến chiều chúng tôi mới được trở về. Công việc nặng nhọc nhưng mỗi tháng tiền lương chỉ có 7.000 đồng. Cuộc sống lúc đó rất vất vả và thiếu thốn đủ thứ"- ông Chim hồi tưởng lại.

Ông lão cựu công nhân ngành cao su chỉ cho chúng tôi xem một căn nhà chữ đinh duy nhất còn lại trong xóm. Đó là căn nhà lợp ngói, tường gạch không tô xi măng. Ông Chim giải thích thêm: "Đây là căn nhà của anh chị thông gia với gia đình tôi. Anh chị sui cũng là công nhân cạo mủ cao su từ thời Pháp. Hồi đó, chủ đồn điền cất ở đây năm sáu căn nhà liên tiếp như thế này. Mỗi căn dành cho hai gia đình công nhân ở chung. Thời gian gần đây, nhà đã xuống cấp nên nhiều gia đình đã đập bỏ, cất lại nhà mới".

 Vợ chồng ông Chim có 9 người con, tất cả đều theo nghề của cha mẹ. Đến lượt cháu ngoại của ông là Trần Quốc Lâm, 27 tuổi cũng trở thành công nhân khai thác mủ cao su thuộc Đội 2 của Nông trường Cao su Bến Củi từ năm 2009 đến nay. Nhiều người bên vợ Lâm cũng đều là công nhân Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh.

Vợ chồng ông Trần Văn Chim và cháu ngoại Trần Quốc Lâm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (sinh năm 1987, ngụ ấp Bến Rộng, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) cũng là người trong một dòng họ có bốn thế hệ cùng làm việc trong ngành cao su. Theo hồ sơ lưu trữ của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh thì ông cố của chị Linh xưa từng làm công nhân khai thác mủ cao su, thuộc đội T5, đồn điền Cao su Vên Vên- tiền thân của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh ngày nay. Sau đó, ông bà nội, ngoại và cha mẹ của chị Linh đều làm công nhân trong công ty này (cha của chị Linh nay vẫn còn làm việc). Riêng anh Trần Hồng Vũ- chồng chị Linh hiện cũng là công nhân khai thác mủ cao su cùng đơn vị với chị.

Hôm 27.10.2014, tại tỉnh Bình Phước, những gia đình công nhân có bốn thế hệ liên tiếp công tác trong ngành cao su ở Tây Ninh đã vinh dự được Tập đoàn cao su Việt Nam tuyên dương.

Chị Linh nói: "Tôi rất tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều thế hệ cùng công tác trong ngành cao su. Tôi được ông bà, cha mẹ chỉ dạy lại những kỹ năng, kiến thức về khai thác mủ cao su.

Điều này giúp tôi tự tin và yên tâm gắn bó với nghề". Nhiều năm làm công nhân khai thác mủ cao su, vợ chồng chị Linh đã tích lũy được số vốn tương đối khá, đủ để mua đất, xây một căn nhà tường rộng rãi, sắm sửa vật dụng gia đình, phương tiện đi lại đầy đủ. Vợ chồng chị dự tính sau này sẽ cho con theo học ngành nông lâm, để tiếp tục nối nghiệp gia đình gắn bó với nghề trồng và khai thác mủ cao su.

Tương tự, chị Phạm Thị Ánh (sinh năm 1982, ngụ ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu), cũng là "con nhà nòi" trong nghề cao su. Tính đến nay, chị Ánh có thâm niên 11 năm làm công nhân khai thác mủ cao su ở Đội G4, Nông trường Cao su Gò Dầu. Anh Nguyễn Minh Trung- chồng của chị, cũng đồng thời là đồng nghiệp cùng đơn vị với chị. Chị Ánh nói: "Những năm trước đây, thu nhập bình quân của tôi được từ 7- 8 triệu đồng/tháng. Năm nay, do giá mủ cao su trên thị trường tụt giảm nên thu nhập của công nhân cũng giảm theo. Hiện tại, tôi chỉ còn được 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập có giảm so với trước nhưng cuộc sống vẫn ổn định, tôi vẫn yên tâm theo nghề".

Chị Phạm Thị Ánh- thành viên trong một gia đình có bốn thế hệ theo nghề khai thác mủ cao su.

Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh có 2.612 công nhân lao động, trong đó có đến 304 công nhân viên thuộc gia đình nhiều thế hệ liên tiếp cùng công tác trong ngành cao su. Nhìn chung, đời sống của các công nhân lao động trong công ty đều ổn định và phát triển.

Để tri ân và ghi nhận truyền thống theo nghề “cha truyền con nối” của công nhân cao su, vừa qua, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh đã tổ chức lễ tuyên dương gia đình tiêu biểu truyền thống công nhân cao su lần thứ nhất.

Chị Đỗ Thị Thanh Vân- Trưởng ban Nữ công của Công ty cho biết: Công ty thực hiện tốt các chính sách cho người lao động. Khi giá mủ cao su trên thị trường tụt giảm, Công đoàn đã cử cán bộ đến các nông trường động viên tinh thần anh chị em công nhân, đồng thời thông báo công khai kết quả hoạt động của Công ty để người lao động an tâm.

Đại Dương