Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nối nghiệp cha làm quản trang nghĩa trang liệt sĩ
Thứ bảy: 19:13 ngày 29/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hơn 20 năm qua, hai cha con ông Lê Văn Phong (sinh năm 1945) ngụ ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành vẫn miệt mài gắn bó với công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành.

Anh Lê Trọng Thương lau dọn sạch sẽ các phần mộ.

Sau khi về hưu, năm 2003, ông Lê Văn Phong nhận lời trông coi và chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành. Đến tháng 2.2016, do tuổi cao, sức yếu, ông không thể tiếp tục với công việc ý nghĩa này. Sau 13 năm chứng kiến người cha của mình làm việc tại nghĩa trang, con trai ông là anh Lê Trọng Thương (46 tuổi) quyết định tiếp nối công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ của cha mình.

Gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành hơn 7 năm, anh Lê Trọng Thương xem những phần mộ liệt sĩ như người thân đã khuất của mình. Với anh, việc trông coi, chăm sóc các phần mộ không chỉ là công việc, mà còn là sự tri ân với những người đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Anh Thương kể: “Thời điểm cha còn làm việc, những lúc rảnh, nhất là vào các ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ, tôi thường cùng ông đến nghĩa trang, phụ giúp nhổ cỏ, tưới cây, quét lá… Hình ảnh cha chăm sóc các phần mộ rất tâm huyết, miệt mài của cha khiến tôi có một tình cảm mãnh liệt với công việc quản trang. Cuối năm 2016, khi cha mất, tôi được tin tưởng giao cho công việc này và gắn bó đến tận bây giờ”.

Theo anh Lê Trọng Thương, cha của anh nhập ngũ năm 1962; đến năm 1979 chuyển ngành về làm cán bộ Thương nghiệp huyện Châu Thành, năm 1989 về hưu. Năm 2003, ông nhận lời đến trông coi và chăm sóc hơn 4.000 mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành. Dù đã gần 70 tuổi, nhiều lúc con cháu khuyên ông về nghỉ nhưng ông không bằng lòng, vì muốn hằng ngày được chăm lo cho những đồng đội đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình, độc lập ngày nay. Và cứ thế ông gắn bó với công việc lặng lẽ này.

Ông từng nói: “Việc cha đến chăm sóc nghĩa trang là cái duyên, đây không chỉ là nghề mà còn là nghĩa tình đồng đội”. Đến khi biết bản thân bị bệnh nặng, ông mới đồng ý nghỉ làm. Từ khi thay cha làm việc tại nghĩa trang, anh Thương luôn cố gắng góp một phần công sức nhỏ bé của mình chăm sóc nơi yên nghỉ của những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Anh tự hứa với bản thân, còn sức khoẻ thì vẫn tiếp tục làm công việc trông coi, chăm sóc nghĩa trang. Vợ con anh cũng rất ủng hộ, thông cảm và hỗ trợ anh hoàn thành tốt công việc.

Thắp hương bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ.

Mỗi buổi sáng, anh Thương cần mẫn quét dọn, vệ sinh xung quanh khu vực nghĩa trang, đón tiếp thân nhân liệt sĩ đến viếng. Hơn 7 năm làm việc tại đây, anh rất quen thuộc với họ tên, quê quán, vị trí an nghỉ của từng liệt sĩ nên khi có khách đến thăm viếng, tìm kiếm, anh luôn tận tình giúp đỡ. Vào các ngày lễ, tết, anh đều thắp hương, cúng trái cây tại khu lễ đài. Những lúc các trường học, cơ quan, đơn vị đến thắp hương, tri ân anh hùng liệt sĩ, anh Thương lại đóng vai “hướng dẫn viên”, tận tình giới thiệu về nghĩa trang, hỗ trợ mọi người thắp hương cho các phần mộ. Anh Thương còn thường xuyên nhắc nhở tài xế xe taxi không đậu đổ trước cổng để bảo đảm tôn nghiêm cho nghĩa trang.

Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành nằm trên địa bàn ấp Bình Long, xã Thái Bình, có diện tích khoảng 6 ha chia thành 2 khu (khu từ trần và khu mộ liệt sĩ). Khu mộ liệt sĩ là nơi an táng của 4.685 hài cốt liệt sĩ. Được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, năm 2021, Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp, cảnh quan hài hoà, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn tới thăm viếng. Trong hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, những đóng góp của hai cha con ông Lê Văn Phong và anh Lê Trọng Thương đáng trân trọng, bày tỏ tấm lòng trân quý đối với những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Phương Thảo – Hà Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục