Thể thao   Bóng đá

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi niềm bóng đá trẻ Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 26/05/2023 - 05:50

BTN - Việc U19 Tây Ninh bị loại sớm ở vòng chung kết (VCK) Giải bóng đá vô địch U19 quốc gia vừa qua có thể khiến một số khán giả cảm thấy thất vọng, nhưng đó lại là kết quả phản ánh đúng tình hình thực tế.

U19 Tây Ninh tham gia VCK Giải bóng đá vô địch U19 quốc gia 2023.

Ở vòng loại, U19 Tây Ninh chỉ xếp thứ 3 bảng D. Nếu không là chủ nhà của VCK thì U19 Tây Ninh cũng không có suất tham dự. Có thể nói, 11 đội còn lại đều mạnh hơn U19 Tây Ninh.

Đến VCK, U19 Tây Ninh nằm cùng bảng A với U19 SHB Đà Nẵng, U19 Khánh Hoà và U19 Hà Nội. Thầy trò HLV Hồ Thành Hào đã lường trước những trở ngại, bởi bóng đá trẻ Tây Ninh vốn không phải một thế lực có tiếng, mà các đối thủ của họ lại có nhiều gương mặt từng tập trung lên đội trẻ quốc gia.

Vì thế, chủ nhà không đặt mục tiêu cụ thể, chỉ mơ về chiếc vé vớt vào tứ kết (dành cho 2 đội vị trí thứ ba có kết quả tốt nhất ở 3 bảng). Dù không thể thực hiện được giấc mơ ấy, nhưng U19 Tây Ninh đã nỗ lực hết mình. Tinh thần thi đấu của các cầu thủ trẻ là điều rất đáng khen. Vì ít ai biết rằng, ngoài áp lực chuyên môn, U19 Tây Ninh còn đối mặt nhiều khó khăn.

Theo đó, lực lượng của lứa U19 hiện nay chỉ còn 19 VĐV, kể cả những cầu thủ dính chấn thương trước giải. Vì vậy, ban huấn luyện phải mượn thêm một số cầu thủ của các tỉnh bạn. Đội hình vừa yếu vừa mỏng, lại phải thi đấu với mật độ quá dày từ vòng loại đến vòng chung kết, các cầu thủ dễ bị đuối sức. Thậm chí, một số cầu thủ đang bị đau vẫn cố gắng vào sân.

Ba, bốn năm trước, lứa cầu thủ này từng được kỳ vọng rất nhiều và có những cái tên khá nổi bật. Các em cũng giành quyền vào VCK U15 vô địch quốc gia và U17 Cúp quốc gia bằng chính thực lực của mình. Nhưng sau một thời gian, một số bị đào thải do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, một số đi nghĩa vụ quân sự…

Đối với các VĐV, quan trọng nhất luôn là sức khoẻ. Do đó, vấn đề thứ hai là điều kiện ăn ở. Được biết, tiền ăn một ngày thi đấu của các cầu thủ trẻ là 240.000 đồng (nhiều hơn 40.000 đồng so với một ngày tập luyện bình thường).

Tuy nhiên, trong những ngày diễn ra VCK U19, các cầu thủ vẫn sinh hoạt bên trong SVĐ tỉnh. Thời tiết oi bức, nhiệt độ có khi lên đến 37oC, nhưng phòng ngủ chỉ có quạt trần, không có điều hoà, nhiều em phải mua thêm quạt.

Một khía cạnh được nhiều người chú ý không kém là định hướng phát triển. Sau khi bị loại ở VCK U19, báo chí đã hỏi đại diện ban huấn luyện Tây Ninh: “Tương lai của bóng đá trẻ Tây Ninh sẽ như thế nào khi tỉnh không còn CLB chuyên nghiệp nữa?”. Trợ lý HLV đội U19 Tây Ninh từ chối trả lời câu hỏi này.

Được biết, sau giải U19, các cầu thủ đang tiếp tục tập luyện, chuẩn bị cho giải U21 và giải hạng Ba. Mới đây, đội vừa bổ sung thêm một số cầu thủ của các tỉnh khác. HLV Hồ Thành Hào vẫn khẳng định thầy trò anh sẽ không bao giờ bỏ cuộc, quyết tâm hơn ở các giải kế tiếp, nhằm vực dậy nền bóng đá tỉnh nhà. Nhưng, với các cầu thủ trẻ, họ thực sự rất lo lắng.

“Nói thật, tụi em nản lắm, một số bạn không lo tập luyện nữa. Bây giờ, nếu được đi đá phủi hay có giấy thanh lý hợp đồng thì tụi em mừng, vì còn có cơ hội phát triển bản thân, sự nghiệp. Chứ tập chay mà không mục tiêu rõ ràng cũng ớn, thui chột tài năng hết. Không chừng sang năm em về đi bốc vác hoặc làm nghề khác. Không ai nói với em và gia đình về định hướng gì cả”- một cầu thủ trẻ mạnh dạn tâm sự nỗi niềm.

Khách quan mà nói, bóng đá trẻ Tây Ninh không thiếu nhân tài. Nếu biết đầu tư đúng cách, có lẽ sẽ thu về kết quả khả quan hơn. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Thanh Nhàn. Nếu chân sút này vẫn còn ở Tây Ninh, chắc đã không thể toả sáng ở các sân chơi chuyên nghiệp và U22 Việt Nam. Thiết nghĩ, phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật về công tác đào tạo và cùng tìm giải pháp, hướng đi cho các tài năng trẻ mới mong các em tiến bộ được.

Anh Thư