Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nỗi niềm công nhân: Tết không về nhà
Thứ năm: 12:29 ngày 12/01/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vì những lý do riêng họ đã phải nén lòng ở lại, chấp nhận đón Tết trong phòng trọ nơi đất khách quê người.

Tết là dịp để những người xa quê có điều kiện trở về sum họp gia đình. Thời điểm này, các khu nhà trọ quanh khu công nghiệp Trảng Bàng đang bắt đầu thưa vắng người. Nhiều công nhân đang háo hức chuẩn bị hành lý, đóng thùng đồ đạc, vật dụng để lên đường về quê, trong khi số đông khác vì những lý do riêng đã phải nén lòng ở lại, chấp nhận đón Tết trong phòng trọ nơi đất khách quê người.

Chị Trần Thị Dương, quê ở Hà Nội là công nhân của Công ty Langham, suốt ba năm qua vẫn chưa một lần về quê ăn Tết. Chồng chị làm phụ hồ, công việc lúc nắng, lúc mưa. Thu nhập của cả hai vợ chồng gói ghém lắm cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày và cho con ăn học. Nhắc đến Tết chị Dương ngậm ngùi: “Tết này tôi cũng muốn về quê cho nội, ngoại được gặp mặt cháu một lần nhưng không được. Về quê ăn Tết đâu chỉ có tiền vé xe ra vào mà còn nhiều chuyện khác phải tốn kém nữa. Vì thế hai vợ chồng quyết định ở lại. Cuộc sống còn khó khăn nên đành phải ráng chịu. Điều tôi mong muốn bây giờ là có căn nhà để được an cư, lạc nghiệp nhưng với thu nhập hiện tại của vợ chồng thì ước mơ đó thật xa vời”.

Làm cùng công ty với chị Dương nhưng chị Bùi Thị Diệu- quê Thái Bình vào Tây Ninh đã 8 năm. Cũng ngần ấy năm chị chưa lần nào đưa con về ăn Tết ở quê ngoại. Hai vợ chồng chị đều là công nhân khu công nghiệp Trảng Bàng, đồng lương cả hai cộng lại chẳng thấm vào đâu khi ba đứa con đều ở tuổi đến trường. Chị Diệu buồn rầu cho biết: gia đình chồng chị ở Tây Ninh nhưng cuộc sống bên chồng cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cha chồng bị bệnh tai biến đã nhiều năm, mẹ chồng cũng đã già yếu nên mỗi lần Tết đến chị không dám để con ở nhà nội ăn Tết. Cứ chiều 30, hai vợ chồng mua hoa quả đem về cúng tổ tiên, vừa tối đến lại kéo nhau trở về phòng trọ.

Tổ chức giao lưu văn nghệ cho công nhân ở lại ăn Tết

Chị Nguyễn Thị Hà (Thanh Hoá), công nhân Công ty TNHH may mặc Jifa S.OK  thì đã 3 năm ăn Tết một mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi lấy chồng, sinh con vừa được 3 tháng, chị ly hôn với chồng, rồi một mình bươn chải nuôi con. Cuộc sống quá vất vả, nên năm 2008 chị đành gửi con lại cho mẹ, một thân một mình tìm vào Tây Ninh. Đối với chị, ngày Tết là thời điểm buồn nhất. Chị Hà bùi ngùi: “Đi chợ Tết, thấy bọn trẻ hớn hở với quần áo mới, tôi lại thấy nhớ con da diết”. 

Chung nỗi nhớ nhà, nhớ quê, chị Đinh Thị Tuyết, người Quảng Bình, đã có thâm niên làm việc 4 năm ở Công ty TNHH May mặc Langham cũng vì người thân mà nhận lấy nỗi buồn về phía mình: “Nghĩ thương ba mẹ vất vả, khổ sở mà 4 năm nay tôi chưa về nhà. Về ăn Tết cùng gia đình thì vui và ấm cúng thật nhưng nghĩ lại, mua vé xe cũng phải tốn một khoản tiền khá lớn nên tôi đành ở lại, dùng số tiền đó gửi về cho ba mẹ. Nhớ giao thừa năm trước, mấy bạn nhà gần công ty về hết, chỉ còn ba người cùng xóm trọ ở lại. Ba đứa tôi không biết làm gì chỉ tụm nhau lại một phòng ngồi ăn bánh, kẹo kể chuyện gia đình, bạn bè… rồi lại ôm nhau khóc”.

Vợ chồng chị Mai Thị Trang, quê Ninh Bình- công nhân Công ty nhựa Huada đã 10 năm xa quê thì lại có cách làm cho không khí ngày Tết của mình bớt phần quạnh quẽ: rủ cô em gái chị Trang cùng ở lại ăn Tết với mình. Chị Trang rầu rầu: “Hai đứa con gửi ở quê nhà với nội, ngoại. Cứ mỗi dịp Tết đến nhớ con lắm. Gọi điện về nhà, nghe con nói qua điện thoại mà tôi nghẹn ngào, không nói được lời nào”.

Không người thân thích, không họ hàng, cứ Tết đến anh Bùi Đình Lợi- người Hà Tĩnh, cũng là công nhân Công ty Huada lại rủ bạn bè ở cùng xóm nhà trọ đi dạo chợ hoa. Giao thừa, cả nhóm xúm xít bên nhau cùng ăn món gì đó cho đỡ trống vắng.

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng cứ khi xuân về Tết đến, những người lao động nghèo đang sống cảnh “tha phương cầu thực” đều có cùng tâm trạng thương nhớ quê nhà da diết như nhau. Thấu hiểu tâm tư ấy, nhiều năm qua các cấp các ngành chức năng cũng đã có nhiều cố gắng để chăm lo đời sống công nhân lao động, chia sẻ bớt phần nào những nỗi buồn không biết tỏ cùng ai của họ. Tết năm nay, như Báo Tây Ninh đã đưa tin, Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh đã vận động các doanh nghiệp tài trợ vé xe cho một số công nhân, quê ở miền Bắc, miền Trung có hoàn cảnh khó khăn, hiện đang làm việc tại khu công nghiệp Trảng Bàng, giúp họ có cơ hội được trở về sum họp với gia đình, thoả niềm khát khao mong nhớ bấy lâu. Với những người ở lại, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã tổ chức một buổi họp mặt, giao lưu văn nghệ và tặng 150 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng cho các công nhân khu công nghiệp Trảng Bàng và khu chế xuất Linh Trung 3. Theo chỉ đạo của tỉnh, Công đoàn các cấp cùng quan tâm chăm lo Tết cho công nhân nghèo, khó khăn ở từng địa phương, nhất là đối với công nhân xa nhà không có điều kiện về quê ăn Tết. Sự chia sẻ ấy phần nào làm ấm lòng những người lao động nghèo, giúp họ giảm bớt nỗi buồn tủi, cô đơn trong những ngày năm cùng tháng tận.

MINH NGUYỆT

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục