Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi niềm giáo viên: Mỏi mắt chờ… chế độ

Cập nhật ngày: 06/01/2012 - 11:28

Ngày 4.7.2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2011/ NĐ- CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên là những giáo viên, giảng viên đang công tác ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Để được hưởng phụ cấp thâm niên, giáo viên phải có đủ thời gian 5 năm công tác. Theo quy định của Nghị định 54, giáo viên công tác đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Nghị định 54 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.9.2011, tuy nhiên, chế độ phụ cấp thâm niên theo quy định này được tính từ ngày 1.5.2011, nghĩa là giáo viên sẽ được truy ngược lại 4 tháng.

Thầy và trò Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành

Thông thường, kể từ khi nghị định ra đời cho đến khi có thông tư hướng dẫn chi tiết phải tính thời gian bằng tháng, có khi nhiều tháng! Ví dụ: ngày 24.12.2010, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chính sách  đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng, người thử việc và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 3.2011 nhưng phải đến ngày 31.8.2011, liên bộ Nội vụ và Tài chính mới ban hành Thông tư 08/2011/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn chi tiết cách thức thi hành Nghị định 116 của Chính phủ. Mặc dù đã có thông tư nhưng tiền thì vẫn chưa đến tay các đối tượng được hưởng, trong đó có giáo viên. Lý do: sau khi đã có thông tư, các cơ quan quản lý giáo dục mới tiến hành họp xét để phân loại đối tượng thuộc diện được hưởng. Quy trình cứ thế kéo dài…

Trở lại chuyện phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54, theo giải thích của vị cán bộ phụ trách công tác tài chính ngành giáo dục thì nguyên nhân cơ bản khiến đến nay, giáo viên vẫn chưa nhận được phụ cấp là vì chưa có thông tư (liên bộ) hướng dẫn. Vậy là kể từ khi Nghị định 54 ra đời, hàng nghìn giáo viên ở Tây Ninh vẫn dài cổ trông chờ phụ cấp như nắng hạn chờ mưa! Nhiều khả năng phải khá lâu nữa chế độ này mới được thực hiện.

Cũng liên quan đến chế độ của giáo viên, cho đến nay, rất nhiều giáo viên của Tây Ninh vẫn chưa nhận được số tiền 5 triệu đồng theo quy định tại Nghị quyết số 27/2009/NQ - HĐND tỉnh về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài (Nghị quyết 27). Nghị quyết này sau đó được cụ thể hoá bởi Quyết định số 01/2010/ QĐ – UBND ngày 15.1.2010 của UBND tỉnh (Quyết định 01). Theo đó, những người chưa có bằng đại học (trong đó có giáo viên) nếu tự đi học để lấy bằng đại học, nâng cao trình độ thì sau khi tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Kể từ khi Nghị quyết 27 và Quyết định 01 có hiệu lực, đến cuối tháng 11.2011 mới chỉ có 149 người được nhận chế độ này. Rất nhiều giáo viên khác (phần lớn là giáo viên dạy trung học cơ sở) đã tốt nghiệp đại học vẫn… hãy đợi đấy! Trong khi đó, theo thông tin mà người viết có được, trong thời gian tới, chính sách đào tạo và thu hút nhân tài hiện nay sẽ được thay thế bằng một chính sách khác hấp dẫn hơn, và chế độ hỗ trợ 5 triệu đồng hiện hành sẽ bị bãi bỏ!

 Một giáo viên sắp nghỉ hưu bày tỏ, vẻ ngậm ngùi: “Cuối năm, ai cũng nói, cũng hỏi chuyện thưởng tết. Riêng giáo viên, nhất là giáo viên phổ thông thì khái niệm thưởng tết là một cái gì đó rất xa xôi. Chế độ được hưởng theo quy định chờ đỏ mắt chưa thấy, nói gì đến thưởng tết”.

VIỆT ĐÔNG