BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi niềm mẹ kế

Cập nhật ngày: 27/05/2010 - 10:46
HTML clipboard

Nghe chồng thông báo việc thằng cu Tín sắp đến chơi là chị Lành “dựng tóc gáy”. Dù rất thương đứa trẻ sớm thiệt thòi ấy nhưng chị Lành không thể nào không “ngán tận cổ” đứa con chồng trời ơi đó. Mẹ cu Tín hay bài bạc, chồng nói hoài không nghe, bao của cải trong nhà sau mười năm chung sống không thèm đội nón cũng ra đi, chỉ để lại một khoảng nợ lút đầu khiến anh không thể nào chung sống với chị ta nữa. Cu Tín sống với bà nội. Ba năm sau ly hôn thì anh gặp chị. Anh là người chồng tốt, nhưng cái “giao kèo” mỗi khi cu Tín tới chơi nhà thì mẹ Lành phải lo lắng và yêu thương như con ruột khiến chị phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”.

Là đứa trẻ chưa hơn 15 tuổi nhưng Tín sành ăn chơi hơn là học tập. Chiếc xe đạp điện mới mua chưa tròn năm mà giờ đã sắp ra “nghĩa địa” kèm những dây nhợ lằng nhằng và rất nhiều decal dán đầy “tuyên ngôn” như “Yêu em bỏ mẹ”, “Tình như củ khoai”, “Yêu là máu đổ”… Quần áo của cu cậu cũng không thua kém bất kỳ cậu ấm cô chiêu nào. Vẫn biết cha mình và mẹ kế làm công ăn lương nhưng Tín vẫn đòi sắm những bộ áo quần giá chừng “hơn triệu thôi”, giày dép cũng phải là hàng gần “chai” trở lên chứ cu cậu không thèm mặc những bộ quần áo giá vài trăm ngàn vì loại đồ đó “chỉ để… milu mặc!”. Trớ trêu hơn, chỉ có chục ngày “đến thăm” cha nhưng cu Tín đã xin tiền mẹ kế mua cả chục cái card, sơ sơ mỗi cái có một “xị” thôi mà! Và sau những cuộc gọi đến nóng lỗ tai đó là hàng lô hàng lốc bạn bè của Tín rần rần kéo đến, làm sạch tất cả các thứ trong tủ lạnh mới chịu… di tản.

Chị Như vợ anh Khanh thì lại quá sợ nết lười nhác và ta đây của cô “công chúa” con chồng. Nay cô đã 16 tuổi, sống với mẹ ruột nhưng cứ hay đến thăm cha bất cứ lý do gì. Cuối tuần, lễ tết, ngày nghỉ hoặc… chán học, giận mẹ cô đều “về với cha”. Anh Khanh quý con lắm, nhà lại không nghèo khó gì nên anh vẫn dành một căn phòng cho con trong nhà. Trong phòng, anh trang bị đầy đủ mọi vật dụng. “Về thăm cha” nhưng cô gái 16 tuổi ấy chưa bao giờ trò chuyện với cha mình câu nào, những lời hỏi thăm về sức khoẻ cũng không. Cô năm ì trong phòng, hết nghe nhạc thì chơi game, chat và… ăn tất cả những gì có trong tủ lạnh rồi quăng rác bừa ra cả phòng! Sau khi “nướng” thoả thuê ở nhà cha bốn, năm ngày gì đó thì cô ta ra đi mà không có một lời chào hay cảm ơn mẹ kế. Cả ngày hôm đó người giúp việc và chị Như phải dọn dẹp. Chị Như vừa thương vừa giận chồng. Thương vì anh đã quá cực nhọc với việc kiếm tiền bên ngoài, lại đã một lần tan vỡ, giờ chẳng lẽ chị lại phàn nàn, trút mọi bực dọc vào anh. Giận vì anh làm cha nhưng không biết dạy con, lẽ nào cho nó đủ đầy vật chất là… hết bổn phận? Nhưng chị không nói được để rồi mỗi khi thấy bóng cô “công chúa” của chồng lù lù trước cổng là chị nghe bao nỗi tủi giận tràn ngập trong lòng.

Nhưng có lẽ chị Hoài là người khổ sở nhất vì phải “sống chung với giặc” khi chị mới 22 tuổi. “Giặc” là đứa con chồng 8 tuổi nhưng đã biết bày nhiều trò “hành” mẹ kế. Mẹ ruột thằng bé mất khi nó mới hai tuổi, sáu năm sau cha nó yêu và cưới Hoài, anh xin Hoài hãy thương giùm thằng bé vì nó quá bất hạnh. Ban đầu Hoài cứ nghĩ, làm thân với một đứa trẻ không khó khăn gì, mình thương nó thì nó thương lại thôi. Vậy mà…

Những ngày đầu, nó không ăn cơm Hoài nấu, không cho Hoài tắm giùm, không học bài… thế mà nó vù lên xe về ngoại mách rằng: “Bà Hoài bả không quan tâm tới con gì hết”. Một sự hiểu lầm to lớn diễn ra giữa Hoài và bên ngoại ruột thằng bé. Nhưng cũng may, nhờ Hoài biết hoá giải hết nên chuyện không đến nỗi nào. Nó đã chịu ăn cơm nhà, ăn rất ngon lành bởi Hoài cũng không phải là đầu bếp tệ. Nhưng đó là khi có mặt cha nó, khi vắng mặt nó lại “hoạnh hoẹ” bằng cách lén bỏ cát vào chén cơm, bỏ nước tương vào dĩa cá, chế nước mắm vào thau rau trộn… rồi cất vào tủ và chờ cha về mang “bằng chứng” ra mách tội mẹ kế. Mách không được, nó bèn phá hết tất cả các món đồ chơi điện tử rồi… nhờ mẹ Hoài sửa. “Làm mẹ là làm được tất cả phải không mẹ? Vậy mẹ hãy sửa mớ đồ chơi này cho con đi, sửa được mới đúng là mẹ chứ?”. Nó “thách” Hoài. Hoài… bó tay với đống đồ chơi nhưng không thể bó tay với thằng con bất kham nên… phải ra cửa hàng mua ngay vài món có hình dáng giống hệt những món có sẵn về “đổi” và bảo “Mẹ chỉ có thể sửa được bao nhiêu đây thôi. Vì là mẹ con nên mẹ có thể làm tất cả nếu có sự hợp tác của con. Nào bây giờ con hãy sửa vài món như mẹ đã sửa đi!”. Nó… mếu.

Thật tình, những đứa con chồng như cu Tín nhà chị Lành, như “công chúa” của chồng chị Như hoặc như “con ngựa bất kham” nhà chị Hoài trong cuộc sống không nhiều. Nhưng từ lâu trong dân gian đã lưu truyền câu “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” đã làm rào cản không nhỏ cho những người mẹ kế, dù có muốn thương con chồng cũng không dễ dàng gì. Chỉ mong sao những người làm chồng, làm cha hãy hết sức thông cảm cho người làm mẹ kế để cùng hướng đứa trẻ thành người tốt tương lai.

LAM PHƯƠNG