Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nỗi niềm nhân viên y tế xã
Thứ hai: 10:24 ngày 01/11/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trạm Y tế xã Phan (huyện Dương Minh Châu) được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2004 nhưng hiện nay cơ sở vật chất của trạm đã xuống cấp và thiếu thốn, chật vật.

Cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã Phan quá chật chội

Trạm Y tế xã Phan (huyện Dương Minh Châu) được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2004 nhưng hiện nay cơ sở vật chất của trạm đã xuống cấp và thiếu thốn, chật vật.

Cả trạm có 3 cái giường phục vụ bệnh nhân và một cái dành cho nhân viên trạm. Tất cả đều đã cũ kỹ, trông rất xấu và bẩn! Hiện cả nhân viên y tế trạm, người nhà bệnh nhân và cả bệnh nhân đang phải sử dụng chung một phòng vệ sinh.

Ước muốn của cán bộ, nhân viên trạm là được cấp giường mới cho nhân viên và người bệnh, đồng thời có thêm… mấy cái ghế cho người bệnh ngồi và vài cái bàn để làm việc! Nếu được trang bị thêm cho một cái máy ô xy khí trời càng tốt.

Bên cạnh điều kiện phòng ốc chật chội ảnh hưởng không tốt tới công tác khám chữa bệnh phục vụ bệnh nhân và thân nhân người bệnh, có một thực trạng khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến xã: trang thiết bị nghèo nàn và lạc hậu. Theo các nhân viên y tế công tác ở xã thì hiện nay, họ có đủ khả năng để sử dụng máy siêu âm, máy đo điện tim nhưng cơ sở lại không được trang bị các thiết bị hiện đại này.

Về chế độ trực, theo quy định hiện nay, nếu một xã có dưới 8.000 dân thì được một suất trực. Theo mức hiện hành, mức chi cho một ca trực trong vòng 24 giờ chỉ có 10.000 đồng. Xã nào có số dân trên 8.000 thì được hai người trực. Tuy nhiên, có không ít trường hợp xã dưới 8.000 dân nhưng cán bộ nhân viên vẫn thống nhất: mỗi ca trực phải có hai người. Lý do: khi có trường hợp cấp cứu thì một người rất khó xoay xở. Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Văn hoá Xã hội – HĐND tỉnh, một cán bộ y tế ở huyện Dương Minh Châu đã trình bày một ý khá hài hước nhưng rất thực tế rằng: ở xã nọ chỉ có dưới 8.000 dân nhưng vẫn phải cần đến hai người trực trạm vì một người thì… sợ ma! Thế là 10.000 đồng phải “cưa đôi”!

Chế độ tiền trực mà nhân viên y tế các tuyến đang được hưởng quá thấp: tuyến xã 10.000 đồng, tuyến huyện 25.000 đồng và tuyến tỉnh 35.000 đồng (cho 24 giờ trực). Điều này, theo bình luận của các cán bộ ngành y thì “vô lý đến mức không biện minh được”.

Theo phản ánh của một số nhân viên y tế tuyến xã thì hiện nay kinh phí hoạt động của trạm y tế xã quá eo hẹp. Nguồn thu thì ít (vì phần lớn bệnh nhân đến điều trị ở trạm đã có BHYT) trong khi chi phí lặt vặt lại nhiều: tiền photo, tiền điện, nước, điện thoại… Cứ mỗi toa khám bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT, nhân viên y tế được trả… 1.000 đồng tiền công! Nhưng để lĩnh được 1.000 đồng này cũng… “trần ai”!

Hiện nay, nhân viên y tế tuyến xã đang phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc: khám bệnh, điều trị, thực hiện chương trình y tế quốc gia, thủ quỹ, kế toán… kể cả làm tạp vụ. Muốn thuê người ngoài cũng không có tiền. Một cán bộ y tế tuyến xã nói vui: “Với tính chất công việc và thu nhập như vậy không ai can đảm và giỏi bằng nhân viên y tế xã, phường”!

Luật BHYT khuyến khích người dân khi có bệnh thì trước hết phải khám ở tuyến xã. Đó cũng là một cách để từng bước nâng cao năng lực y tế tuyến xã để phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, muốn đạt được mục đích ấy thì y tế cơ sở cần phải được đầu tư mạnh hơn nữa.

Đ.V.T

 

Từ khóa:
Tin liên quan