Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều năm nay còn có hơn 70 cụ lớn tuổi ở nội trú trong khuôn viên điện thờ để trị bệnh. Những bệnh nhân này đều được chăm lo ăn uống và thứ 5 hằng tuần, các y, bác sĩ đến khám bệnh.
Bệnh nhân xếp hàng chờ lấy thuốc
Từ sáng sớm, trong khuôn viên điện thờ Phật mẫu Trường Tây vang lên tiếng dao vạt thuốc, tiếng máy cắt thuốc; trên sân điện thờ, phơi đầy những mâm thuốc nam đang được phơi nắng. Trong những dãy nhà dọc hai bên điện thờ, nhiều người vừa chuyện trò vui vẻ, vừa vạt thuốc nam.
Trước đây, Bà Trần Thị Đặng, 63 tuổi, ngụ ấp Trường Lộc, xã Trường Tây bán tạp hoá, hiện nay, con cái đã lớn, có công ăn việc làm ổn định nên thường xuyên đến đây làm công quả.
Gần 2 năm nay, mỗi buổi sáng vợ chồng bà Đặng đến điện thờ cùng với nhiều người khác vạt cây thuốc nam. “Đến 11 giờ, vợ chồng tôi về nhà cơm nước nghỉ ngơi. Nếu còn nhiều thuốc, 1 giờ chiều chúng tôi tiếp tục trở lại làm công quả cho đến khi nào toàn bộ số thuốc nam được xử lý hết”- bà Đặng cho hay.
Hàng chục năm qua, ở điện thờ Phật mẫu Trường Tây (thuộc họ đạo xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) duy trì hoạt động khám chữa bệnh miễn phí, giúp nhiều bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cạnh đó, ông Ngô Hoàng Minh, 64 tuổi- chồng bà Đặng điều khiển chiếc máy cắt thuốc nam. Ông lần lượt đưa từng mớ cây lá lốt vào máy cắt thành những cọng nhỏ và đem ra sân phơi nắng. Thuốc khô, họ cho vào bao ni-lông, ghi ngày tháng năm vào giấy, dán lên bao và nhập vào kho.
Ông Minh cho biết, đã có hơn 30 năm làm công quả ở đây. Hiện, ông là thành viên trong Ban sưu tầm nguồn nguyên liệu thuốc và có trách nhiệm trông coi, bảo quản kho chứa thuốc nam. Ban sưu tầm thuốc có hơn 40 người, thường xuyên đi tìm những loại thuốc nam khắp nơi.
Hơn một năm nay, các thành viên trong Ban còn đóng góp khoảng 11 triệu đồng mua một chiếc máy xắt cây thuốc về sử dụng. Chiếc máy này có công suất hoạt động tương đương 30 người vạt thuốc, giúp công việc vạt thuốc dễ dàng hơn.
Lương y Tống Viết Nhân bắt mạch chẩn bệnh cho bệnh nhân.
Lương y Tống Viết Nhân, ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây cho biết, từ năm 1997, ông đã đến đây giúp đỡ bà con. Thứ 4 hằng tuần, ông trực ở cơ sở thờ tự này, các ngày còn lại do 2 lương y khác phụ trách. B
ệnh nhân đến khám bệnh thường bị các căn bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, gai cột sống, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp, v.v… Đối với những trường hợp bệnh nặng hoặc cần phẫu thuật, lương y Tống Viết Nhân hướng dẫn bà con đến bệnh viện của tỉnh hoặc TP. Hồ Chí Minh chữa trị.
Tính đến nay, ông đã có 26 năm đóng góp công sức, chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho người dân. “Ngoài việc làm công quả ở điện thờ Phật mẫu, thứ 2 và thứ 6 hằng tuần, tôi còn khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân ở Trí Giác cung, Trí Huệ cung. Các ngày thứ 3, 5, 7 còn lại trong tuần, tôi châm cứu cho người dân tại gia đình”- ông Nhân chia sẻ.
Không có tay nghề như thầy thuốc, nhưng nhiều người vẫn có thể đóng góp công sức của mình cho việc làm thiện nguyện ở điện thờ Phật mẫu Trường Tây. Ông Nguyễn Văn Ách, 72 tuổi, cho hay, hàng chục năm trước sức khoẻ còn tốt, ông làm thợ hồ trong Ban Kiến trúc của Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, những năm gần đây, tuổi cao sức yếu, ông không còn xây cất được nữa nên chuyển sang giúp việc cho Tổ thuốc Nam của điện thờ Phật mẫu Trường Tây. Sáng nào ông cũng đạp xe từ nhà đến đây để làm công quả. Công việc của ông không cố định mà chỗ nào cần việc là ông xắn tay vào giúp.
Vạt thuốc Nam.
Ông Nguyễn Tấn Hoà, 50 tuổi, ngụ phường 6, TP. Tân An, tỉnh Long An là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đến khám bệnh tại điện thờ. Ông Hoà kể, vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông chia tay.
Những năm trước ông bị bệnh gan khá nặng, bụng phình to, ăn uống không tiêu, đi điều trị nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Một lần đi dự Đại lễ Hội yến Diêu trì cung ở Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, ông được nhiều người mách bảo ở điện thờ Phật mẫu Trường Tây có trị bệnh miễn phí nên tìm đến chữa trị.
Ông được Ban cai quản điện thờ tạo điều kiện cho ăn, ở nội trú trong điện thờ và khám, chữa bệnh miễn phí. Hơn 2 năm nay, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Ban cai quản điện thờ và thuốc men đầy đủ, bệnh tình của ông giảm khoảng 40%.
“Đáp lại ân tình của Ban cai quản điện thờ và các thầy thuốc, tôi dành hết thời gian rảnh rỗi của mình vào việc vạt thuốc, phơi thuốc nam, mong muốn góp phần cứu chữa những bệnh nhân khác”- bệnh nhân quê Long An trải lòng.
Phơi thuốc Nam
Một bệnh nhân khác tên Huỳnh Văn Lợi, 64 tuổi, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho biết, trước đây, ông bị thiếu máu tim, đau bao tử, rối loạn tiền đình. Qua thời gian chữa trị ở các bệnh viện, bệnh tình của ông có giảm, nhưng chưa khỏi hẳn.
Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, 2 tuần nay, ông tìm đến điện thờ Phật mẫu Trường Tây trị bệnh bằng thuốc nam. Qua 2 tuần chữa trị, sức khoẻ của ông đã có cải thiện. Ông Lợi phấn khởi nói: “Vừa rồi, tôi lấy 14 thang thuốc về uống, thấy đỡ bệnh. Hôm nay tôi lấy thêm 7 thang nữa. Nếu thấy bệnh tình giảm, tôi sẽ tiếp tục đến đây chữa trị bằng thuốc nam”.
Bốc thuốc Nam
Giáo hữu Võ Thị Mý, 68 tuổi, Phó Ban cai quản điện thờ Phật mẫu Trường Tây cho biết, số lượng bệnh nhân không ổn định, có ngày 70-80 người, có ngày lên đến 100-200 bệnh nhân.
Nhiều năm nay còn có hơn 70 cụ lớn tuổi ở nội trú trong khuôn viên điện thờ để trị bệnh. Những bệnh nhân này đều được chăm lo ăn uống và thứ 5 hằng tuần, các y, bác sĩ đến khám bệnh.
Đại Dương