Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22.9.2003 về hợp đồng lao động theo hướng nới rộng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và một số trợ cấp khác đối với người lao động.
|
Tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ |
Theo đó, người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người đang hưởng lương hưu hàng tháng và người lao động (NLĐ) có thời hạn dưới 3 tháng, thì ngoài việc trả lương theo công việc, còn phải thanh toán gộp vào tiền lương, tiền công của NLĐ khoản tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), nghỉ phép năm, tiền tàu xe đi lại.
Cụ thể, tiền BHXH từ ngày 15.7 đến tháng 12.2009 giữ nguyên mức hiện nay là 15%, nhưng từ tháng 1.2010 đến tháng 12.2011 là 16%, từ tháng 1.2012 đến tháng 12.2013 là 17% và từ tháng 1.2014 trở đi là 18%.
Tiền bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ không cố định là 2% như hiện đang áp dụng, mà khi Chính phủ quy định tăng mức đóng BHYT đối với người sử dụng lao động, thì số tiền này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tiền tàu xe đi lại khi nghỉ phép sẽ do 2 bên thoả thuận, không bị khống chế dưới 9% như hiện nay. Tiền nghỉ hàng năm vẫn giữ nguyên là 4%.
Về mức trợ cấp thôi việc, Thông tư quy định, tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo các bản HĐLĐ đã giao kết (kể cả hợp đồng giao kết bằng miệng) mà người lao động thực tế làm việc, trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
NLĐ thực hiện nhiều HĐLĐ tại 1 doanh nghiệp mà khi chấm dứt từng HĐLĐ chưa thanh toán trợ cấp thôi việc thì doanh nghiệp cộng thời gian làm việc theo các HĐLĐ để tính trợ cấp thôi việc. NLĐ làm việc cho công ty nhà nước nhưng có thời gian làm việc theo chế độ biên chế và có cả thời gian làm việc theo HĐLĐ thì cộng cả 2 loại thời gian này để tính trợ cấp thôi việc.
Theo quy định mới, NLĐ làm việc ở nhiều công ty nhà nước do chuyển công tác trước ngày 1.1.1995, thì trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc ở từng công ty nhà nước. Công ty nhà nước cuối cùng có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ.
Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc trong tất cả các trường hợp là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15.7.2009. Cách tính trợ cấp thôi việc theo quy định mới được áp dụng từ 1.1.2009. Không áp dụng cách tính này để tính lại trợ cấp thôi việc đối với những trường hợp đã chấm dứt HĐLĐ trước ngày 1.1.2009.
(Theo chinhphu.vn)