Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Nơi sông Vàm chảy vào Tây Ninh
2024-08-19 07:58:03

Bắt nguồn từ vùng đồng bằng trũng thấp ở nước bạn Campuchia, sông Vàm Cỏ Đông chảy vào Tây Ninh theo hai nhánh, gặp nhau ở Vàm Trảng Trâu, thuộc xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Hai bên bờ sông Vàm, cây rừng bắt đầu đâm chồi nảy lộc, xanh mướt trở lại sau những tháng dài nắng nóng.

Đầu nguồn con sông

Một trong hai nhánh sông Vàm bắt đầu đổ vào Tây Ninh ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên). Sau những cơn mưa đầu mùa, nước ở thượng nguồn sông Vàm dâng lên và đổ mạnh về phía hạ lưu. Trên mặt nước, nhiều đám mã đề, súng ma đua nhau nở. Khi chiếc vỏ lãi chở chúng tôi đi qua, những loại rau sông này ngả nghiêng theo sóng nước.

Tiếng động cơ chiếc vỏ lãi khiến những chú cồng cộc đen trũi, to tướng lặn dưới nước vỗ cánh phành phạch bay lên. Hai bên bờ, cây rừng bắt đầu đâm chồi nảy lộc, xanh mướt trở lại sau những tháng dài nắng nóng. Thỉnh thoảng, một vài chú chim chích choè đuôi dài như mũi tên, bìm bịp, gà rừng… từ bên nước bạn Campuchia bay lượn qua Vườn quốc gia hoặc ngược lại.   

Đây là đoạn sông ranh giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nên thỉnh thoảng, đoàn chúng tôi gặp một vài người dân bên nước bạn đi làm rẫy hoặc một tốp nhân viên bảo vệ Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát tuần tra bảo vệ rừng. Gần đến thượng nguồn, lòng sông càng hẹp lại. Rải rác ven bờ phía bên nước bạn hai chiếc thuyền độc mộc của người dân Campuchia để dọc trên sông.

Thuyền được làm từ thân cây thốt nốt, dài khoảng 3m. Kích thước và tải trọng của thuyền tuy hơi nhỏ nhưng rất phù hợp cho việc luồn lách ở thượng nguồn sông Vàm- nơi có nhiều cọc, chà, do cây rừng ngã xuống và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình khó khăn của người dân bản địa.

Chiếc vó cá của người dân ở thượng nguồn sông Vàm.

Trên đoạn sông này có nhiều đáy cá khổng lồ của người người dân Campuchia. Những chiếc đáy trên đoạn sông ven rừng này được dựng lên bằng hàng chục cây gỗ. Phía trước hàng rào gỗ, có một lớp đăng dày, được bện từ nhiều nan tre. Lớp đăng có tác dụng buộc cá tôm phải bơi ra khoảng trống ở giữa lòng sông- nơi có miệng lưới đang chờ.

Bên trên những hàng cọc này, người dân nước bạn bắc ngang hai thân cây khác tạo thành một chiếc cầu gỗ để qua lại đôi bờ. Khi nước từ thượng nguồn chảy mạnh, người dân Campuchia sẽ trải lưới ngang sông để bắt cá. Lãnh đạo Vườn quốc gia và lực lượng Bộ đội Biên phòng ở đây thường xuyên vận động người dân Campuchia tháo dỡ những đáy cá này, nhưng vào mùa nước đổ, một số đáy cá vẫn… lén lút “mọc lên”.

Đáy cá ở thượng nguồn sông Vàm.

Càng về thượng nguồn, lòng sông càng hẹp lại, chỉ còn khoảng 4 mét, nơi sâu nhất chỉ hơn 1 mét. Một bên vẫn là nước bạn Campuchia, bên bờ còn lại là cù lao Đá Hàng rộng hàng chục héc-ta, nằm giữa dòng sông Vàm Cỏ Đông. Sau khi thống nhất ranh giới giữa hai nước Việt Nam, Campuchia, cù lao Đá Hàng thuộc địa phận tiểu khu 27, xã Tân Bình, huyện Tân Biên. Trên cù lao này có hai hố đất rộng khoảng 32m2, sâu khoảng 2,5m. Dưới hố có nhiều khối bê tông xi măng dày từ 10cm - 30cm, đã bị bể, nằm nghiêng ngửa.

Ở miệng hố có dấu vết của đường giao thông hào dẫn xuống bến sông Vàm. Nhiều người dân địa phương cho rằng đây là căn cứ kháng chiến của bà Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đến nay, cù lao Đá Hàng vẫn được nhiều người gọi là “Căn cứ bà Định”.

Nơi một tiếng gà gáy, hai nước cùng nghe

Từ Vườn quốc gia, xuôi dòng về phía hạ lưu, nhánh sông này tiếp giáp với một nhánh sông khác tại ngã ba Vàm Trảng Trâu, thuộc địa phận xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Ở khúc sông này bắt đầu thấy lác đác bóng dáng vài người dân địa phương làm ăn sinh sống. Gần cầu Phước Trung (xã Biên Giới) có một căn chòi với chiếc vó cá của đôi vợ chồng anh Nguyễn Văn Dân- ngụ xã Phước Vinh. Chiếc vó cá có chiều dài 40m, chiều ngang 30m, được đầu tư 70 triệu đồng. Mỗi lần cất vó, vợ chồng ngư dân này thu hoạch được khoảng 3- 5kg cá các loại. Trong đó có nhiều cá cầy, cá cóc- những loài cá có thịt thơm, ngon, được xem là đặc sản của sông nước.

Ngư dân chỉ lấy những chú cá đã lớn.

Điều đặc biệt khiến chúng tôi chú ý là vợ chồng ngư dân chỉ lấy những con cá có kích thước to, nặng khoảng nửa ký trở lên, những chú cá nhỏ hơn đều được thả lại dòng sông. Anh Dân giải thích: “Chừa lại cho chúng lớn, sinh sản cho những mùa sau”. Ngư dân này cho biết thêm, vào mùa nắng, dòng sông ít cá, vợ chồng anh chỉ cất vó ban ngày. Mùa nước đổ như lúc này, cá nhiều phải đánh vó suốt ngày đêm. Nguồn cá trên thượng nguồn sông Vàm còn khá dồi dào nên thời điểm này, có ngày vợ chồng anh kiếm được cả triệu đồng. Được biết, anh Dân là người Việt, vợ anh, chị Sara Phíp- dân tộc Khmer. Có thể nói, đôi vợ chồng Việt - Khmer này là điển hình cho sự cộng đồng, chung sống hoà hợp của hai dân tộc trên vùng đất một tiếng gà gáy, hai nước cùng nghe.

Ông Việt kiếm sống bằng nghề cắt cọng lục bình trên sông bán cho thương lái miền Tây.

Ngoài nghề vó cá, ở thượng nguồn sông Vàm còn có nhiều nghề khác theo sông nước kiếm sống, như chài lưới, giăng lưới, hái lục bình, v.v…  Ông Phan Văn Việt, ngụ xã Biên Giới, sinh ra và lớn lên trên vùng đất này. Trước đây, gia đình ông cũng có ruộng, nhưng do bị bệnh, phải sang nhượng đất đai lấy tiền chữa trị. 6- 7 năm nay, ông kiếm sống bằng cách đặt bẫy bắt chuột đồng đem ra chợ bán. Những lúc rảnh rỗi, ông bơi xuồng trên sông cắt cọng lục bình đem bán cho những người ở miền Tây lên đây thu mua để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. “Mỗi ngày cắt được 300- 400kg lục bình tươi. Đem về nhà phơi khô.

Thương lái ở tỉnh Long An lên thu múa. Kiếm được từ 180-200 ngàn đồng/ngày, cũng trang trải được trong cuộc sống”. Nghề cắt lục bình này rất có ích cho sông Vàm, vì bao năm qua loại bèo tây này luôn là vấn nạn rất khó giải quyết của dòng sông. Việc có những người cần mẫn dù nắng hay mưa vẫn đi cắt từng cọng lục bình để sản xuất ra những mặt hàng mỹ nghệ có thể trở thành mô hình phát triển  kinh tế, cần nhân rộng.

Ông Đỗ Văn Giao chia sẻ về đời sống người dân nơi đây.

Tuy nhiên, nghề nghiệp chính của người dân vùng thượng nguồn sông Vàm vẫn là sản xuất nông nghiệp. Nơi đây có những cánh đồng lúa bạt ngàn; những chủ đất có hàng chục héc-ta ruộng. Ông Đỗ Văn Giao- Trưởng ấp Tân Định, xã Biên Giới là một trong nhiều cư dân cả đời gắn bó với dòng sông. Ông Giao nói, cư dân ở đây không có nguồn nước nào khác để sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ việc bơm nước tưới ruộng đồng, vận chuyển lúa thóc, vật tư nông nghiệp đều nhờ vào dòng sông Vàm Cỏ Đông.

“Sau này nhờ có giếng khoan nên không còn sử dụng nước sông để sinh hoạt. Hồi xưa, bà con dùng nước sông để nấu thức ăn, nước uống” - ông Giao nhớ lại. Lão nông này còn cho biết thêm, dòng sông Vàm còn chứa đựng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên khác như tôm, cá. “Đối với chúng tôi, dòng sông này rất quý. Vì vừa có nước để sản xuất nông nghiệp, vừa có cá mắm để cải thiện cuộc sống. Nếu không có sông này, người dân ở đây sống không nổi đâu”- ông tâm sự. 

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan