Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh:
Nơi thầy thuốc như người nhà của bệnh nhân
Thứ tư: 05:57 ngày 27/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hằng ngày, các bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh nỗ lực tập luyện các bài vận động, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên môn. Những thầy thuốc này còn đóng vai trò như người nhà của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị tại đây.

Description: Bui Thi Bich Huong.jpg

Chị Bích Hương- kỹ thuật viên tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh hỗ trợ bệnh nhân các bài tập trị liệu.

Nhiều năm qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh được nhiều người tìm đến để điều trị vật lý trị liệu và phục hồi sức khoẻ sau phẫu thuật. Hằng ngày, các bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh nỗ lực tập luyện các bài vận động, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên môn. Những thầy thuốc này còn đóng vai trò như người nhà của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị tại đây.

Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh là đơn vị sự nghiệp y tế, trực thuộc Sở Y tế, là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến tỉnh thực hiện khám, điều trị phục hồi chức năng bằng các phương pháp điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Số giường bệnh theo quy mô, kế hoạch là 50 giường, nhưng để đáp ứng nhu cầu nằm viện của bệnh nhân, số giường bệnh thực kê tăng lên đến 92 giường. Tiền thân của bệnh viện là Làng Hoà Bình Tây Ninh, thành lập năm 1994, sau đó đổi tên là Bệnh viện Điều dưỡng- Phục hồi chức năng tỉnh. Đến năm 2015, bệnh viện chính thức mang tên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Bệnh viện có chức năng khám, điều trị nội, ngoại trú, phục hồi chức năng cho người lớn và trẻ em trong tỉnh, kể cả người dân ở nước bạn Campuchia. Bên cạnh đó, bệnh viện còn thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Chương trình do Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng vào năm 1978, và lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam vào năm 1987.

Lúc đầu, chương trình được thử nghiệm tại tỉnh Tiền Giang đã đem lại thành công và ý nghĩa xã hội lớn lao. Nhờ đó, chương trình nhanh chóng được mở rộng sang các tỉnh khác, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được ngành Y tế xác định là chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật với chi phí thấp, đem lại nhiều cơ hội hoà nhập cho người khuyết tật.

Toàn tỉnh có khoảng 16.000 người khuyết tật. Đến nay, tuyến tỉnh đã thành lập Ban điều hành quản lý chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 100% các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn thành lập ban điều hành chương trình. Mỗi xã, phường, thị trấn ở Tây Ninh đều có các cán bộ chuyên trách và cộng tác viên về phục hồi chức năng, với tổng số trên 500 người.

Chữa bệnh bằng vật lý trị liệu là phương pháp ưu việt trong y học hiện đại. Có nhiều bệnh chữa bằng thuốc Tây hay thuốc Nam không có tác dụng nhưng điều trị bằng vật lý trị liệu lại cho kết quả cao như: cứng khớp vai, thoát vị đĩa đệm. Riêng bệnh tai biến mạch máu não chỉ điều trị có hiệu quả khi bệnh khởi phát trong vài ba tháng đầu; những trường hợp từ 6 tháng trở lên ít có hiệu quả, điều trị là nhằm ngăn ngừa khởi phát các bệnh khác như teo cơ, cứng khớp.

Người công tác lâu năm nhất tại bệnh viện hiện nay là bà Đặng Thị Nguyệt, kỹ thuật viên trưởng Khoa vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tính đến nay, bà Nguyệt đã có 16 năm gắn bó với bệnh viện. Suốt những năm qua, bà Nguyệt cùng với các đồng nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ vật lý trị liệu, giúp bệnh nhân phục hồi các chức năng vận động của cơ thể. Có người hồi phục được 30%, có người hồi phục đến 70% chức năng vận động…

Dù hồi phục với tỷ lệ nào, hầu hết bệnh nhân đều biết ơn đội ngũ thầy thuốc ở đây, những người đã đồng hành cùng họ trong từng bài tập vật lý trị liệu, vận động cơ thể, dìu từng bước chân đi, từng cử động nhỏ nhất, với một tâm thái ân cần, hết lòng phục vụ bệnh nhân như chính người thân trong gia đình.

Theo kỹ thuật viên trưởng Đặng Thị Nguyệt, người làm công tác vật lý trị liệu, phục hồi chức năng bên cạnh chuyên môn tốt, còn phải có cái tâm và thật sự yêu nghề, thương người, biết cảm nhận nỗi đau của bệnh nhân, mới có thể vượt qua khó khăn để trợ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khoẻ. Kỹ thuật viên phải luôn bền lòng, vững chí, tự động viên mình và động viên bệnh nhân cố gắng tập luyện, không được nản chí, phải lạc quan, tin tưởng sẽ hồi phục. Trong điều trị bệnh lý, tinh thần đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sức khoẻ của bệnh nhân.

Ông Nguyễn Văn Nhơn, một bệnh nhân đến từ thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành cảm kích nói: “Bác sĩ ở đây rất tốt, nhiệt tình, chu đáo. Tôi đã điều trị được nửa năm, thấy hồi phục gần 70%. Các bác sĩ, kỹ thuật viên đã hướng dẫn trị liệu và động viên tôi cố gắng tập luyện, với tinh thần lạc quan nhất, nhờ đó tôi đã đi lại được bình thường”.

Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh hiện có 67 viên chức, người lao động. Trong đó có 6 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa 1, trình độ sau đại học; 19 người trình độ đại học, số còn lại trình độ trung cấp và cao đẳng. Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên nơi đây đều đặt sự hài lòng của bệnh nhân làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động. 3 tháng 1 lần, bệnh viện khảo sát đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề mà bệnh nhân phàn nàn để có giải pháp xử lý kịp thời. Tại nhiều khu vực ở bệnh viện có dán số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bệnh viện và Sở Y tế, Bộ Y tế cho bệnh nhân và người nhà thuận tiện phản ánh.

Bác sĩ Tô Thị Thái Sương- Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Bệnh nhân đến bệnh viện phần lớn bị khuyết tật vận động, hạn chế khâu tự chăm sóc, lệ thuộc vào bệnh viện, người nhà. Vì vậy, đội ngũ kỹ thuật viên ở các khoa, phòng luôn tận tình hướng dẫn cho người bệnh cách tập luyện để họ sớm phục hồi sức khoẻ, có thể tự chăm sóc cá nhân”.

Với những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ thầy thuốc nơi đây, thời gian qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Y tế. Đây là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những người ngày đêm đồng hành với người bệnh, để sau khi ra viện người bệnh trở về gia đình, hoà nhập cộng đồng với thể trạng tốt nhất.

Nguyên Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục