Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nói tiếp chuyện cái sổ liên lạc điện tử
Thứ tư: 01:58 ngày 15/01/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Sau khi bài “Mặt trái của sổ liên lạc điện tử” đăng trên báo Tây Ninh ra ngày 1.1.2014, rất nhiều giáo viên ở các huyện, thành phố đã gọi điện cho người viết thông tin về những thay đổi ở đơn vị họ đang công tác.

Một trong những “mặt trái” được nêu ở phần cuối bài viết nói trên là chế độ hoa hồng. Như đã nói, giáo viên chủ nhiệm là một trong những thành phần được hưởng khoản tiền hoa hồng mà nhà mạng để lại cho nhà trường. Tuy nhiên, ở rất nhiều trường, giáo viên chủ nhiệm, thậm chí cả người quản trị mạng chỉ được hưởng một tỷ lệ rất nhỏ, thậm chí có người không được hưởng một đồng nào. Báo ra ngày 1.1 thì đến ngày 3 và 4.1 (thời điểm sơ kết học kỳ I) giáo viên chủ nhiệm một số trường được hiệu trưởng thông báo đến gặp kế toán, thủ quỹ để lãnh tiền hoa hồng sổ liên lạc điện tử! Chuyện phát tiền cũng không giống nhau: có nơi từng giáo viên được nhận đúng, đủ theo số lượng học sinh tham gia mua sổ nhưng cũng có nơi phát tiền theo hình thức… tập thể. Cụ thể, hiệu trưởng tập hợp những giáo viên chủ nhiệm lại và thống nhất phương án xử lý như sau: Nhóm giáo viên nam 1,5 triệu đồng, nhóm giáo viên nữ 1,5 triệu đồng.

Thật ra, số tiền hoa hồng mà giáo viên chủ nhiệm được trích lại không nhiều, nó chỉ như một lời cảm ơn của nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng điều khiến cho nhiều giáo viên không vui là do cảm giác bị xúc phạm, bị coi thường. Tình trạng “con khóc mẹ mới cho bú” dường như đã thành một cái lệ. Những chuyện như thế cần phải được dẹp bỏ trước khi nói đến những điều to tát, lớn lao như chấn hưng giáo dục!

Liên quan đến cái sổ liên lạc điện tử có một số vấn đề nảy sinh khiến cho nhiều giáo viên ở Tân Châu và Châu Thành lấy làm bức xúc. Theo phản ánh của nhiều người, cuối tháng 10.2013, có trường nhận được công văn của cấp trên yêu cầu triển khai phần mềm có tên gọi “Hệ thống quản lý nhà trường với phần mềm SMAS2.0” của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Viettel; trong phần mềm quản lý này có sổ liên lạc điện tử. Sau khi triển khai, giáo viên ở nhiều trường phổ thông được yêu cầu cập nhật điểm bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra học kỳ I và những thông tin khác vào mạng của Viettel. Thế nhưng, do chưa được tập huấn kỹ năng cập nhật nên nhiều thầy cô phải tự mày mò để làm việc, do đó tốc độ rất chậm chạp. Mấy năm qua, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông VNPT cũng đã khiển khai sổ liên lạc điện tử đến nhiều trường và đã liên tục tổ chức tập huấn cách sử dụng sổ liên lạc điện tử cho cả giáo viên và cán bộ quản lý. Chính vì thế, giáo viên đã sử dụng thành thạo phần mềm của VNPT.

Hiệu phó của một trường THCS cho biết: phần mềm của Viettel thỉnh thoảng vẫn xảy ra lỗi trong quá trình cập nhật điểm, ví dụ như có lúc không làm tròn được điểm số. Nhưng nguyên nhân cơ bản khiến giáo viên bức xúc không phải ở vấn đề kỹ thuật. Vấn đề mà họ thắc mắc là đã có sổ điểm của VNPT, tại sao lại còn bắt giáo viên cập nhật vào mạng của Viettel để làm gì? Vẫn theo ý kiến của các giáo viên, việc cập nhật hai lần điểm số của học sinh vào hệ thống của hai nhà mạng là rất… không cần thiết, chỉ làm khổ thầy cô giáo. Theo lời của một giáo viên chủ nhiệm, trong lớp của thầy gần như 100% học sinh đăng ký mua sổ của VNPT. Thế nhưng ngoài việc cập nhật điểm vào mạng VNPT thầy còn phải cập nhật vào mạng của Viettel. “Chúng tôi không rảnh để làm một việc thừa thãi như thế”- thầy giáo này bực bội nói. Tại một hội nghị do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức vào cuối tháng 12.2013, nhiều cán bộ quản lý cấp trường và phòng giáo dục đã thẳng thắn nêu: không nên bắt giáo viên phải cập nhật thông tin vào hai mạng viễn thông, vì điều này không cần thiết.

Cũng liên quan đến sổ liên lạc điện tử, theo phản ánh của một số phụ huynh thì thời gian qua thông tin về kết quả học tập của con em họ thường được cập nhật rất chậm. Tìm hiểu mới biết, sự chậm trễ này không thuộc về lỗi của nhà mạng mà do nhà trường. Trong số các tiêu chí để công nhận trường chuẩn quốc gia, có tiêu chí về kết quả học lực của học sinh. Theo đó, để được công nhận đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh yếu không được vượt quá 5%. Chính vì điều này, nhiều nơi ban giám hiệu phải “câu giờ”, không cho giáo viên cập nhật điểm ngay khi có kết quả mà chờ đến cuối học kỳ I hoặc kết thúc năm học, sau khi đã “xử lý” xong số liệu mới cập nhật điểm lên mạng.

Đ.V.T

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục