Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Nói tiếp về chuyện ngôi mộ Trương Quyền
Thứ năm: 03:44 ngày 14/05/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - “Ông là con trai của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định và bà Lê Thị Thưởng… sinh năm 1844, người làng Gia Thuận, huyện Tân Hoà, phủ Hoà Thạnh, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), đúng như những gì đã ghi trong bản tiểu sử Trương Quyền, phần đầu cuốn sách mà bà Loan gửi tặng.

 

Khu mộ Trương Công.

Lên bến Tầm Long thuộc xã Trí Bình, huyện Châu Thành, mướn một con xuồng nhỏ đi ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông khoảng 1km, sau khi cập bờ bên kia sẽ đến được khu mộ mà nhiều người cho là của dòng họ Trương Công. Phần đất mộ ấy nay thuộc ấp Bưng Rò, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành.

Các ngôi mộ ở đây, trong đó có mộ cụ Trương Công Sách (trên bia ghi tự Trương Quyền) đều được xây sửa từ năm 2008 (Mậu Tý). Thân mộ ốp gạch men hoặc tô đá rửa. Búp sen đặt trên trụ xây bốn góc, trên bia đá có một nóc ngói nhỏ. Duy nhất còn một ngôi giữ nguyên gốc cổ, xây bằng đá xanh nguyên khối, từ bờ móng chung quanh cho đến các trụ đặt búp sen, rồi bia trước, bia sau…

Trên các tấm bia sau và trụ búp sen đặt trước hãy còn lờ mờ những chữ Hán nhưng khó nhìn thấy đầy đủ đường nét nên còn chưa rõ mộ ai. Chỉ có thể đoán định người nằm dưới phải là một người rất quan trọng của dòng họ Trương Công xưa trên đất làng Hoà Hội.

Vào năm 2014, Bảo tàng Tây Ninh có nhận được cuốn: “Gia phủ kiến họ Trương Công”, do ông Trương Công Tại biên soạn vào rằm tháng bảy năm Nhâm Tuất (1982). Cuốn gia phả được phô-tô, đóng bìa cẩn thận do bà Nguyễn Thị Loan- người con thứ sáu của cụ Tại gửi tặng. Theo gia phả thì cụ Trương Công Tại là cháu nội cụ Trương Công Sách.

Trang 33 của tập gia phả có chép về cụ Tại như sau: “1- Trương Công Tại tự Nguyễn Văn Đây sinh năm 1908 (Mậu Thân). Cụ là con đầu của cụ Trương Công Lộc và bà Nguyễn Thị Thanh”. Trang 41 có chép về ngày mất của cụ Tại là ngày 1 tháng 3 năm Đinh Sửu (1997), thọ 92 tuổi.

Được biết thêm là “ông chủ Đây” Trương Công Tại từng tham gia cách mạng năm 1945, năm 1954 ông làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Châu Thành. Sau do bị địch truy sát, ông về ẩn mình tại Chợ Lớn và sau đó mất liên lạc (chuyện do bà Loan cung cấp).

Về cụ Trương Công Vạn thì ở trang 1 gia phả chỉ có mấy dòng sau: “Ông Trương Công Vạn quê quán tại xã Kiển Phước (Gò Công), “bà con” một họ với ông Trương Công Định, bà con bên ngoại với ông Lê Văn Duyệt/ Phong trào Trương Công Định kháng Pháp. Năm 1864 Pháp chiếm Kiển Phước, ông mất tích không biết chết ngày nào và mồ mả ở đâu…”. Bên dưới còn thêm một dòng ghi chú: Để tránh hệ lụy nên ghi là “bà con” thật ra là “hậu duệ”. Từ đây, có thể suy đoán ngôi mộ đá cổ trong khu mộ họ Trương Công ở Bưng Rò, đã kể trên kia chắc chắn không phải là mộ cụ Trương Công Vạn.

Ngay bên trái ngôi mộ cổ này, là mộ cụ Trương Công Sách đã được xây lại năm Mậu Tý 2008. Trên tấm bia đá có ghi ở giữa là: “Phần mộ/ ông Trương Công Sách/ tự Trương Quyền/ Sinh năm 1816, làng Kiển Phước, Gò Công/ chống Pháp năm 1864/ Qua đời 20.8.1871 tại Bến Kéo Tây Ninh/ Cải táng về Hoà Hội thanh minh 1955/ Hưởng dương 55 tuổi/ Cháu lập mộ thanh minh 2008”. Ở hai bên tấm đá bia còn có đôi câu đối, viết chữ Việt như sau: Tiên tổ phương danh lưu quốc sử/ Tử tôn Trương tộc kế gia phong.

Cần lưu ý rằng trước năm 2008, khi đoàn cán bộ Bảo tàng lên Bưng Rò tìm hiểu khu mộ để lập hồ sơ di tích thì bia mộ còn chưa có các hàng chữ kể trên, sau khi Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ di tích để trình cấp có thẩm quyền ký công nhận di tích thì bia mộ mới được sửa lại và ghi như vậy. Trong đó xác định cụ Trương Công Sách chính là Trương Quyền dù gia phả hoàn toàn không ghi như thế.

Ở trang 3 của gia phả có ghi về cụ Trương Công Sách như sau: “Thứ sáu Trương Công Sách là con út- chạy giặc Pháp lên Tây Ninh- cải lại họ Nguyễn lập nghiệp tại làng Hòa Hội, chạy giặc Tầm Bô chết tại Bến Kéo ngày 20 tháng 8- âm lịch năm 1871 thọ 51 tuổi- di táng về Hoà Hội (thanh minh năm 1951)…”.

Đối chiếu bản trên bia và gia phả, có thể nhận ra những chỗ khác nhau, kể cả năm di táng (1955 và 1951). Sự khác biệt trên là do Bảo tàng tỉnh đã hơi vội vàng khi xác lập hồ sơ di tích mà chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, để rồi cho đó là di tích ngôi mộ ông Trương Quyền.

Chỗ sai ấy đã được chỉnh sửa qua cuốn sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”. Đây cũng là yêu cầu tha thiết của bà Loan, cháu gọi cụ Trương Công Sách là cụ cố khi gửi tặng cuốn gia phả kiến họ Trương Công cho Bảo tàng tỉnh. Bà cũng có lời đề nghị chân thành là nên sửa lại trong các tài liệu đã có sự nhầm lẫn giữa người anh hùng trẻ tuổi Trương Quyền và cụ cố của bà. Để có thêm cơ sở cho ý định tốt đẹp này, bà Loan cũng in kèm vào phần đầu cuốn gia phả hai bản tiểu sử Trương Định và Trương Quyền với 7 nguồn tài liệu tham khảo.

Vậy cách sửa của ban biên tập cuốn sách đã dẫn là như thế nào?

Đó là việc trả lại phần thân thế và các chiến công xuất sắc của Trương Quyền với lời khẳng định: “Ông là con trai của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định và bà Lê Thị Thưởng… sinh năm 1844, người làng Gia Thuận, huyện Tân Hoà, phủ Hoà Thạnh, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), đúng như những gì đã ghi trong bản tiểu sử Trương Quyền, phần đầu cuốn sách mà bà Loan gửi tặng. Thế nhưng ở phần sau của bài viết (trang 125), đoạn nói về ngày mất lại vẫn là của… cụ Trương Công Sách: “ngày 20.8.1871 Trương Quyền mất, thọ 55 tuổi được an tán tại Bến Kéo…

Ngay một câu này cũng đã có hai chỗ sai; một là lỗi chính tả khi viết an tán (đúng ra là an táng); hai là cách ghi ngày 20.8.1871 cũng không đúng (thực ra đó ngày 20 tháng 8 âm lịch nhằm vào năm 1871 dương lịch).

Nhưng điều sai cơ bản nhất là nếu đã thừa nhận Trương Quyền sinh năm 1844 là con ruột Trương Định (1820 - 1864) thì Trương Quyền không thể là Trương Công Sách (sinh năm 1816), vì như thế chẳng khác nào  con lại… lớn tuổi hơn cha.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục