Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Dự án mới của Phi Long ở ngay sau cái từng là siêu thị Thế Kỷ Vàng mà vào các tháng cuối năm 2016 là cửa khẩu tạm thời trong khi cửa khẩu chính đang được xây sửa lại. Đấy là một khối nhà vuông như một khối bánh chưng. Biết là vuông, bởi mỗi bề đều có 9 gian, mỗi gian 6m, vị chi mỗi bề dài, rộng đều bằng 54 mét (có phải là 54 dân tộc Việt Nam không?). Nhà có 2 tầng, lắp kính phủ kín trên toàn bộ bề mặt, để từ bên ngoài ta đã nhìn thấu vào trong với lớp lớp kệ giá cùng hiện vật.

|
Mặt trước của bảo tàng.
Vâng, nơi tôi đang đứng và sắp mô tả đây, trước kia là trung tâm đô thị Mặt Trời, hay còn gọi là thành phố Mặt Trời. Tên tiếng Anh là Sun City! Nhớ. Có một lần được theo Báo Tây Ninh đến tham quan- độ hơn 10 năm trước. Các anh chị em ngồi xúm xít trong một quán cà phê giữa trung tâm, nơi có một chiếc hồ đào xoay tròn quanh một gò đất được để lại làm hòn đảo. Tha hồ ngắm và thích thú! Nơi thì bầy chim cánh cụt chen chúc nhau lúp nhúp ven bờ. Chỗ lại có bệ tượng, đỡ một pho đá trắng tạc một dáng hình thiếu nữ. Nàng đang rướn người như sắp bay lên những tầng cao.
Tấm biển đồng ghi nàng là nữ thần Mặt Trời. Còn một tượng nữa dễ hiểu và gần gũi hơn là tượng Quán Thế Âm bồ tát cũng tạc bằng đá trắng nguyên khối cao chừng 5 mét… Quy hoạch mà biết đưa yếu tố tâm linh tín ngưỡng vào đây hẳn là thu hút. Lại còn vách ta-luy hồ lúc ấy đang xây đắp dở dang nhưng đã có ý đồ đắp phù điêu theo các truyền thuyết dân gian. Tâm linh và văn hoá được chú trọng vậy, chắc hẳn chẳng bao lâu nữa thành phố Mặt Trời sẽ phát triển rực rỡ hơn là mong ước.
Ấy thế mà! Thành phố Mặt Trời sau chỉ mấy năm mà tàn lụi. Dăm năm sau trở lại, chỉ thấy trên các con đường “nội đô” bà con nông dân Lợi Thuận đem thóc ra phơi. Các toà nhà 4- 5 tầng của đô thị ấy chẳng thấy ai mua và đến ở. Nên tường long mái lở, rêu phong nham nhở trên các mảng tường. Sân sướng, công viên chỉ để lũ bò thản nhiên gặm cỏ. Thấy mà thương cho ông chủ đầu tư có tên là Công ty Phi Long quá! Điều an ủi cho ông này là chẳng riêng gì ông, mà các dự án đầu tư bất động sản và các siêu thị miễn thuế ở khu đô thị Mộc Bài sau này đều thất bại. Thắng, có lẽ chỉ còn Khu công nghiệp Việt Nam- Mộc Bài. Thì đấy, giờ tan tầm cả hàng chục ngàn công nhân đổ ra, làm sôi động cả mấy tuyến đường đi về các ngả; ngả Gò Dầu 9km; ngả thị trấn Bến Cầu gần hơn chỉ 3km, lại thênh thang như đại lộ. Giờ đã có thêm cầu Bến Đình nối Bến Cầu với các xã phía Hoà Thành, Gò Dầu. Hẳn là đông vui và thuận tiện hơn cho công nhân Khu công nghiệp Mộc Bài.
Tưởng thế đã an bài. Nhưng không! Như cụ Nguyễn Du đã viết trong Kiều ấy. Rằng: xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều. Phi Long lại bắt đầu đứng dậy. Đứng ngay trên phần đất xưa là trung tâm đô thị Mặt Trời.
Vâng! Dự án mới của Phi Long ở ngay sau cái từng là siêu thị Thế Kỷ Vàng mà vào các tháng cuối năm 2016 là cửa khẩu tạm thời trong khi cửa khẩu chính đang được xây sửa lại. Đấy là một khối nhà vuông như một khối bánh chưng.
Biết là vuông, bởi mỗi bề đều có 9 gian, mỗi gian 6m, vị chi mỗi bề dài, rộng đều bằng 54 mét (có phải là 54 dân tộc Việt Nam không?). Nhà có 2 tầng, lắp kính phủ kín trên toàn bộ bề mặt, để từ bên ngoài ta đã nhìn thấu vào trong với lớp lớp kệ giá cùng hiện vật.
Phía trước nhìn ra cửa khẩu Mộc Bài, là sân gạch với hai bên, hai dãy súng thần công. Nhìn là thấy nhiều khẩu đã hoen rỉ hoặc sạm đen bởi thời gian đằng đẵng. Tiền sảnh của nhà là những cột vuông đỏ, nâng đỡ một mái vòm màu trắng suốt ở trên. Có thể hình dung ra đấy là một chiếc bánh dày thường thấy trên các bàn thờ cúng Hùng Vương ngày giỗ tổ. Ở đầu con đường chạy trước mặt tiền, nổi bật một khối đá đen, khảm khắc chữ Việt và Anh: Mặt Trời Đỏ và Red Sun Park. Như vậy là, sân vườn bao quanh cái khối nhà bánh chưng, bánh dày ấy là khu vườn mang tên Mặt Trời Đỏ, như nhắc cho ta nhớ, xưa đây từng là đô thị Mặt Trời. Một tảng đá nữa cũng không kém phần nổi bật nhưng có màu vàng sa khoáng, lại khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà”, bản phiên âm ra tiếng Việt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Không thấy nữ thần Mặt Trời đâu nữa! Nhưng Phật Bà vẫn kia, trên một gò cao xanh rờn cây lá. Cái hòn đảo cũ cũng đã bứng đi đâu, để lại một hồ nước miên man soi bóng cây rừng ở phía sau ngôi nhà vuông. Từ góc hồ đối diện nhà, còn thấy vài ba khối nhà, cũng vuông nhưng nhỏ hơn ở phía bên hông nhà lớn. Một kỹ sư phụ trách công việc đang triển khai tại đấy cho hay: đấy là những khối nhà trưng bày các bảo tàng chuyên đề, như đồ đồng hay tượng dân gian cổ. Công việc của cán bộ và nhân viên Phi Long lúc này là tiếp tục trưng bày hiện vật.
Cả một vấn đề cần đến sự chặt chẽ, khoa học và nghệ thuật; điều mà nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh chưa đủ điều kiện để làm. Nhưng chỉ mới lướt qua thôi, đã thấy được Phi Long có nhiều bộ sưu tập quý giá và đồ sộ, sưu tầm từ văn hoá Việt mấy ngàn năm trên cả nước. Như bộ trống đồng hàng chục chiếc. Rồi đồ đá, đồ sắt hay thuyền độc mộc… Nhiều nhất có lẽ là đồ gốm, đủ các thời kỳ. Từ Lý, Trần, Lê cho đến văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Chăm Pa. Thú vị nhất là ở khu di tích hoàng thành- một khu di chỉ mới phát hiện gần đây và đã được công nhận là di sản thế giới. Đấy là những đầu đao đất nung chạm rồng thời Lý, có kích thước dài hơn 1 mét.
Sẽ là cả một bài báo dài, nếu đề cập đến nội dung của bảo tàng văn hoá Việt vừa mới kể ra đây- nằm ở Khu cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu. Nhưng trước hết, chỉ riêng cái sân vườn rộng vài hecta mang tên Mặt Trời Đỏ này thôi cũng đáng để cho ta mê mẩn ngắm nhìn. Đó đây trên sân là những trụ đá, cái trơ vơ trên cỏ, cái sững lặng dưới bóng cây đơn độc. Ngay cả hàng rào bao quanh cũng lạ. Toàn là cây xương rồng trồng trong những bình cao bằng gốm sứ các màu xanh, đen, trắng, nâu, vàng xếp sát nhau. Chi tiết nào cũng thấm đẫm tinh thần Việt. Và bao trùm lên là một tình yêu sâu xa với bản sắc văn hoá Việt. Đó là cuộc đứng lên đầy dũng khí của Phi Long- chủ nhân xưa của đô thị Mặt Trời.
TRẦN VŨ