Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhân ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng:
Nói về tích Thần Tài và ông Địa ngồi chung
Chủ nhật: 14:49 ngày 21/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thần Tài và ông Địa là hai vị phúc thần được rất nhiều người dân Nam bộ tín ngưỡng. Bất kỳ gia đình nào, giàu hay nghèo, dù làm nông hay mua bán, hoặc làm nghề gì đi nữa thì trong nhà đều thường có gian thờ hai ông. Thần Tài và ông Địa là hai vị thần có gốc tích rất khác nhau, nhưng bao giờ cũng được thờ cúng chung, thụ hưởng chung lễ vật của gia chủ cúng bái.

Có nhiều người thắc mắc, tại sao hai vị “người Nam kẻ Bắc” mà lại dung hòa đến thế? Xung quanh vấn đề này, không chỉ là chuyện dân gian, mà còn có ý nghĩa triết học. Đó là ước vọng mong cầu của người Nam bộ trong quá trình dung hợp tín ngưỡng và cũng như tục lệ được lưu truyền từ bao đời nay.

Đầu tiên xin nói, Thần Tài là vị thần có nguồn gốc từ phương Bắc. Người Trung Hoa đa phần rất tín ngưỡng Thần Tài. Họ cho rằng đây là vị thần may mắn, giúp gia chủ mua may bán đắt, tiền bạc đầy nhà. Lâu dần hình ảnh Thần Tài trở thành niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Về sự tích Thần Tài thì người Hoa có nhiều câu chuyện kể khác nhau xung quanh một số nhân vật thời xa xưa như Thần Tài Phạm Lãi, Thần Tài Triệu Công, Thần Tài Như Nguyện…Các vị này được dân gian sùng bái, thần hóa và trở thành đối tượng tín ngưỡng, thậm chí có phần dị đoan.

Phạm Lãi là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông hết lòng giúp vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn và phò tá Việt Vương Câu Tiễn để báo thù Ngô Phù Sai. Nhưng Phạm Lãi là người hiểu rõ tính cách, con người của vua Việt Vương Câu Tiễn có thể chia hoạn nạn mà không thể chia giàu sang.

Phạm Lãi sau khi giúp cho Câu Tiễn phục hồi đất nước thì bỏ trốn đi. Ông đổi thành họ Đào. Từ đó mọi người gọi ông là Đào Châu Công, làm nghề buôn bán. Ông buôn bán mấy năm thì phát tài, tiền của rất nhiều. Nhưng ông không tích của, làm được nhiều tiền liền đem số tiền này bố thí cho những người nghèo khó. Chính nhờ đức hạnh bố thí của ông mà người đời tôn sùng ông là một vị thần mang đến tài lộc cho mọi người, gọi đó là Thần Tài.

Bên cạnh Thần Tài Phạm Lãi còn có Thần Tài Triệu Công Minh. Tương truyền ông là người núi Chung Nam ở Thiểm Tây, Trung Quốc. Cuối đời Tần, chạy loạn vào núi Nga Mi tu luyện, đắc đạo thành tiên. Sau, ông được phong làm Long Hổ Huyền Đàn Châu Quân, chủ quản việc vàng bạc, tiền tài, ban phúc lành.

Hình tượng của ông trong tín ngưỡng Trung Hoa là một người cao to, mặt đen, mình mặc giáp trụ, tay cầm roi sắt, râu rậm xung quanh có tụ bảo, đĩnh vàng lớn lộ rõ vẻ uy nghi, nghiêm nghị. Triệu Công Minh được xem là Thần Tài nổi tiếng nhất nhưng không phải là thần tài duy nhất.

Ngoài ra, người Hoa còn có Thần Tài Như Nguyện. Chuyện kể rằng xưa có một người lái buôn tên là Âu Minh, khi qua hồ Thành Thảo, Thủy Thần cho một cô nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà nên làm ăn ngày càng phát đạt. Sau đó, vào một ngày tết, vì lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện.

Như Nguyện quá sợ hãi chui vào đống rác và biến mất. Kể từ đó, Âu Minh làm ăn luôn thua lỗ, sa sút, chẳng mấy chốc trở nên phá sản, nghèo xác nghèo xơ. Hóa ra Như Nguyện chính là hóa thân của Thần Tài. Từ đó người ta thưởng lập bàn thờ để thờ vị thần này dưới góc nhà, hướng nhìn ra ngoài.

Dù là thần tích nào đi nữa, nhưng hễ Thần Tài là được kê thờ sát đất. Tại sao lại có tục này, dân gian lại giải thích theo tích Triệu Khuông Dẫn. Chuyện kể rằng, cuối đời Ngũ Bá, đất nước Trung Hoa rất lầm than loạn lạc.

Trên bước đường lánh nạn, có lần Triệu mẫu cho hai anh em Triệu Khuông Dẫn và Triệu Khuông Nghĩa ngủ qua đêm ở miếu Thần Tài. Vì ông có chỗ ngủ, nên cậu bé Triệu Khuông Dẫn mới ôm tượng Thần Tài đặt xuống đất để lấy giường thờ làm chỗ ngủ.

Qua hôm sau, mọi người bỏ đi cả thì ông từ giữ miếu mới vô, thấy vậy nên ôm tượng Thần Tài đặt lên chỗ cũ. Kỳ lạ thay hôm sau ông vào miếu cũng lại thấy pho tượng tiếp tục ngồi dưới đất. Ông mới xây đồng thỉnh ý. Thần Tài mới báo cho biết là “Thiên Tử bảo ta ngồi dưới đất, ta không dám cải lệnh”. Quả là sau đó Triệu Khuông Dẫn khởi nghĩa, dẹp loạn và trở thành Tống Thái Tổ. Từ đó về sau dân gian luôn thờ Thần Tài dưới đất.

Trở lại tín ngưỡng của người dân Nam Bộ. Đầu tiên xin nói rằng, ông Địa của người Việt hoàn toàn khác Thổ Địa Công của người Hoa. Thổ Địa Công của người Hoa thường với bộ dạng của một ông già râu tóc xồm xoàm khắc khổ, vừa ốm vừa lùn, có vai trò cai quản một vùng đất nào đó cho có lệ chứ chẳng có quyền năng gì cao siêu cả.

Còn ông Địa của người dân Nam bộ lại là một người đàn ông trung niên mập mạp, ngực to, bụng bự, đầu trọc vấn khăn, ngồi trên ngai hoặc cưỡi trên lưng cọp. Đối với người Việt, ông Địa là vạn năng, nên bất cứ chuyện gì họ cũng vái cầu ông Địa giúp đỡ.

Nhưng tại sao người dân Nam bộ lại thờ Thần Tài và ông Địa chung một gian thờ dưới đất? Đầu tiên xin nói, việc thờ Thần Tài dưới đất là theo nguyên lý của ngũ hành. Còn câu chuyện tích Triệu Khuông Dẫn chỉ là câu chuyện dân gian nhằm giải thích cho một hiện tượng mà thôi.

Ngũ hành là năm yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ cấu tạo lên vạn vật, có tương sinh mà cũng có tương khắc. Cụ thể: Tương khắc là Hỏa khắc Kim: Lửa mạnh sẽ nung chảy kim loại. Kim khắc Mộc: Kim loại được rèn thành dao, kéo để chặt đổ cây.

Mộc khắc Thổ: Cây hút hết chất dinh dưỡng khiến đất trở nên khô cằn. Thổ khắc Thủy: Đất hút nước, có thể ngăn chặn được dòng chảy của nước; Tương sinh là Mộc sinh Hỏa: Cây khô sinh ra lửa. Hỏa lấy Mộc làm nguyên liệu đốt. Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt cháy mọi thứ thành tro bụi, tro bụi vun đắp thành đất. Thổ sinh Kim: Kim loại, quặng hình thành từ trong đất. Kim sinh Thủy: Kim loại nếu bị nung chảy ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra dung dịch ở thể lỏng. Thủy sinh Mộc: Nước duy trì sự sống của cây.

Vậy Thần Tài ngồi dưới đất là Thổ sinh Kim, ông Địa cũng là đất, ông Địa ngồi chung Thần Tài cũng là Thổ sinh Kim. Tức là đất sinh ra vàng bạc. Có vàng bạc tức là có giàu sang, sung túc. Ông Địa hút thuốc là Hỏa sinh Thổ rồi Thổ sinh Kim, rồi Kim sinh Thủy và cuối cùng là Thủy sinh Mộc. Chung quy mà mong cầu giàu sang, đất tốt, nước đầy đủ để cây trái ruộng vườn được tốt tươi.

Ngày nay, tuy xã hội phát triển hiện đại, nhưng cuộc sống muôn màu bao giờ cũng có những khúc quanh ẩn ức của nó. Chính vì vậy mà con người ngoài nhờ vào năng lực của chính mình vẫn còn gửi sự mong cầu vào tha lực của đấng siêu nhiên nào đó.

Bỏ lại sau những hủ tục mê tín, thì việc thờ Thần Tài – Ông Địa vẫn là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng dân gian. Phần nào đó nó vẫn là niềm tin để con người yên tâm làm ăn sinh sống để thoát ra khỏi đói nghèo lạc hậu.

Đào Thái Sơn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục