Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nơi ý Đảng hợp lòng dân
Thứ bảy: 06:50 ngày 17/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Sự bất quá tam”, lần thứ ba khởi công xây dựng “chợ Long Hoa” được Đảng bộ và nhân dân Hoà Thành ủng hộ. Đây là thành quả của “ý Đảng lòng dân” trong công cuộc đổi mới. Công trình sẽ tạo nên nội lực, sức sống mới cho người dân Hoà Thành nói riêng, người dân Tây Ninh nói chung trong việc phát triển kinh doanh.

Khởi công xây dựng chợ Long Hoa. Ảnh: Hoàng Thi

Với tôi, hình ảnh, kỷ niệm sâu sắc nhất, nơi tôi tiếp cận, giao lưu với xã hội đầu tiên trong đời là chợ Long Hoa. Khoảng không gian to lớn ấy đã in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Dẫu có thích hay không, trong khoảnh khắc bất chợt nào đó, nó thường hiện lên khiến tôi thương nhớ mông lung. Chợ là nơi ở thứ hai, nơi gắn bó cuộc đời tôi với cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh cuộc sống ở chợ- nơi tôi lớn lên trong nhọc nhằn, lo lắng, đợi chờ... nên bây giờ không thể nào quên.

Chiến tranh kéo dài, chợ đêm Suối Cụt, Suối Sâu ít họp và thưa dần, rồi tan rã. Cuối năm 1966, việc dồn dân vào ấp chiến lược của chính quyền Sài Gòn bị nhân dân phản kháng quyết liệt.

Hơn nữa, Suối Sâu thường có những trận đánh lớn xảy ra, đạn bom vãi tứ tung, mạng sống thường xuyên bị đe doạ. Mẹ tôi quyết định đưa cả gia đình về sinh sống ở Long Hoa.

Từ đó, tôi có dịp gần gũi “Long Hoa thị”. Lúc ấy ở cửa Bắc chợ, hai bên đường có nhiều gian hàng mây tre, có cả chổi làm từ cây mật cật, tàu dừa, đệm đan từ cây bàng... Bên trong cánh Bắc này bày vải các loại, sau này bán thêm quần áo may sẵn. Cánh hướng về phía Tây cho tiểu thương bán thịt, khô, bên ngoài là cá, rau cải... gọi chung hàng tươi sống. Cửa Nam bày bán các loại mỹ phẩm, hàng xi. Cửa Đông chủ yếu là gạo và các loại bánh.

Tôi nghe người lớn kể, chợ khởi công xây dựng vào ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Thìn (28 tháng 12 năm 1952 DL) để tín đồ Cao Đài có nơi buôn bán, làm ăn. Đây là chợ lớn nhất tỉnh, có nhà lồng và 4 cánh hình chữ thập, nằm trên một khu đất hình vuông, chung quanh có 8 cửa, hướng ra 8 con đường, với ý nghĩa là: Lưỡng nghi sanh Tứ tượng, tứ tượng sinh Bát quái. Từ khi thành lập, chợ Long Hoa bán buôn rất sung túc.

Hơn hai năm ở đậu nhà người quen, tôi ăn uống chủ yếu ở một sạp bán cơm cùng nước giải khát bên trong chợ.

Từ đó, tôi cảm nhận được cư dân chợ rất hiền hoà, chơn chất, họ làm ăn thật tình và quý trọng lẫn nhau. Người mua xem người bán như người ân phục vụ cho mình. Người bán xem người mua như người thân, chủ yếu lấy công làm lời.

Không có nạn nói thách, cân thiếu hoặc gian dối trong mua bán. Nhiều người nổi tiếng nhờ “nói một là một, hai là hai” như bà Sáu Tăng Thành “hàng xi”, bà út Mỹ A “hàng vải”, ông bà Năm Náo, Bảy Hoa “hàng thịt”...

Dù bây giờ những người ấy hầu hết đã không còn sống trên đời, tôi vẫn còn nhớ mãi trong ký ức của mình. Lớn lên một chút, tôi tiếp tục hiểu hơn về chợ Long Hoa khi phụ mẹ tôi dọn hàng, đẩy hàng, giao hàng... Những hình ảnh mua bán ở chợ trở thành thân thiết với tôi.

Sau giải phóng miền Nam, chợ Long Hoa đã xuống cấp- nặng nhất là đợt hoả hoạn lần thứ nhất xảy ra trước giải phóng. Do muốn phát triển ngôi chợ lên ngang tầm thời đại, phù hợp với “phương thức sản xuất mới”, huyện Hoà Thành thiết kế ngôi chợ mới, nhưng phải dừng lại vì không đủ nguồn lực đầu tư, vốn ngân sách hạn chế, không đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng.

Sau khi chợ bị cháy lần hai vào đầu thập niên 90, tỉnh, huyện lại ra sức kêu gọi đầu tư, phát triển chợ Long Hoa. Một lần nữa việc xây dựng chợ được đưa ra bàn bạc, cuối cùng thống nhất giao cho một công ty Nhà nước xây dựng vào đầu những năm 2000.

Ngôi chợ mới được thiết kế có 4 khu gồm A, B, C, D khá hiện đại, có 3 tầng, có nhà hàng tiệc cưới, khu vui chơi, giải trí hấp dẫn. Tiểu thương trong chợ được dời ra buôn bán tạm bợ.

Những tưởng chợ xây xong, các hộ được vào mua bán thoải mái, tuy nhiên  khi xây xong khu A, B, công trình dừng lại bởi đơn vị đầu tư không còn vốn. Thế là người mua bán nhỏ lẻ tiếp tục phải chịu phơi sương, phơi nắng một thời gian dài gần 20 năm. Bao nhiêu phương án được đem ra bàn thảo vẫn không có hiệu quả.

Dự án được giao lại cho một nhà đầu tư mới. Do không có năng lực, lắm chuyện sai sót xảy ra. Tất cả ý tưởng xây dựng chợ đều bế tắc. Nhà nước loay hoay tìm cách gỡ rối. Từng ấy thời gian chờ đợi, bao khát khao của cư dân chợ, sự mong mỏi của người dân huyện Hoà Thành, một lần nữa bị hụt hẫng.

Sau Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, lãnh đạo tỉnh đã xem xét lại tổng thể quá trình đầu tư, quy hoạch, mô hình, tính toán sự hợp lý, trong đó có tính truyền thống chợ Long Hoa. Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Tây Ninh- nay là thành viên của Hoàng Quân Group, đã khởi công xây dựng lại Trung tâm thương mại Long Hoa.

Dự án Trung tâm thương mại Long Hoa được xây dựng trên khu đất cũ, có diện tích 22.092m2, bao gồm 1 tầng hầm và 3 tầng nổi, với tổng số gần 1.200 sạp hàng, kiosk, được bố trí khoa học, tiện nghi.

Công trình được thiết kế mang tính truyền thống nhưng không lạc hậu, theo hình chữ thập như ngôi chợ xưa, tổng vốn đầu tư khoảng 208 tỷ đồng. Dự án còn quy hoạch một khu riêng biệt chuyên bán đặc sản vùng miền như bánh tráng phơi sương, muối tôm, bánh tráng mè, các món chay đặc trưng của vùng đất thánh Cao Đài.

“Sự bất quá tam”, lần thứ ba khởi công xây dựng “chợ Long Hoa” được Đảng bộ và nhân dân Hoà Thành ủng hộ. Đây là thành quả của “ý Đảng lòng dân” trong công cuộc đổi mới. Công trình sẽ tạo nên nội lực, sức sống mới cho người dân Hoà Thành nói riêng, người dân Tây Ninh nói chung trong việc phát triển kinh doanh.

Đồng thời “chợ” sẽ mở ra không gian văn hoá kinh doanh rộng lớn hơn, khang trang thanh lịch hơn, thoả mãn được khát vọng, ước mơ lâu dài của người dân Tây Ninh.

Nghiêm Khánh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục