Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
"Muốn ăn cơm trắng cá trê. Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông". Câu ca này đã được truyền tụng từ bao đời không còn ai nhớ nữa, chỉ biết rằng nó là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi.
"Muốn ăn cơm trắng cá trê. Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông". Câu ca này đã được truyền tụng từ bao đời không còn ai nhớ nữa, chỉ biết rằng nó là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm và biến động cùng lịch sử đất nước, nghề làm nón làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ) vẫn tồn tại và phát triển.
Từ lâu nay hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống với chiếc nón lá hoặc áo tứ thân, nón quai thao đã in đậm trong tâm thức người Việt. Chiếc nón lá theo người phụ nữ trên mọi nẻo đường.
Chợ nón lá làng Chuông họp cạnh giếng làng. |
Người ta khâu nón ngay ở chợ. |
Chỗ nào cũng thấy nón. |
Ai nón đê! |
Nón làng Chuông vốn rất đẹp lại bền, làm tăng thêm vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng loá. Màu trắng của nón lấp loá khắp nơi xen lẫn sắc hồng trên má các cô thôn nữ, cùng những tiếng cười giòn tan làm cho không khí trong chợ càng thêm đậm đà bản sắc quê hương.
Xa xưa nón làng Chuông là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng được làm nên bởi những bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân lành nghề. Ngày nay, nón làng Chuông có mặt khắp nơi, cả trên thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Ngôi làng nghề nhỏ bé này luôn tấp nập khách ra vào không chỉ để đặt hàng, mà còn để tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón.
Nhìn những chiếc nón xinh xinh, chắc ít ai biết được rằng để làm nên nó, những người thợ đã phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian. Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không ròn, không rách. Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn.
Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Tiếp theo người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá ngay. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt mềm mại từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc.
Làm nón cũng là một cách làm kinh tế. Người dân làng Chuông từ người già đến em nhỏ đều biết làm nón. Nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp và gìn giữ một nghề truyền thống có giá trị.
K.D (st)