Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Non xanh Tây Ninh
Thứ hai: 09:53 ngày 15/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Núi Bà Đen cách trung tâm thành phố Tây Ninh 11km với chiều cao 986m đã trở thành ngọn núi cao nhất Nam bộ, xứng danh "Đệ nhất thiên sơn" có diện tích 24 km², gồm Núi Heo (335 m), Núi Phụng (372 m), Núi Bà nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử gắn với truyền thuyết huyền bí về người con gái trung trinh, tiết liệt được xem là vùng đất tâm linh bậc nhất Nam Bộ với nhiều hang động, đền, chùa, miếu thờ thần, tiên, thánh, phật.

Trong đó, vị nữ thần chính là Bà Đen được sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu. Theo “Gia Định thành thông chí”, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc của núi là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen, hay còn gọi là núi Điện Bà.

Theo truyền thuyết dân gian, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, cha là Lý Thiên - một vị quan trấn nhậm huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh dưới triều nhà Nguyễn và mẹ là Đặng Ngọc Phụng - một người con gái gốc Bình Định.

Vốn xinh đẹp, con nhà gia giáo, Thiên Hương được nhiều người để ý. Thuở ấy, trên núi Một có ngôi chùa thờ pho tượng Phật bằng đá rất linh thiêng, ngày Rằm, mùng Một, nàng Thiên Hương thường lên lễ chùa. Thạch Bích - con trai một vị quan địa phương người Miên muốn bắt ép Thiên Hương về làm vợ, nên nhân một lần nàng lên núi lễ Phật đã cho gia nhân vây bắt.

Giữa lúc nguy khốn, chàng trai Lê Sỹ Triệt văn võ song toàn dũng cảm xông ra bảo vệ nàng. Cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp của chàng, Thiên Hương nguyện gá nghĩa cùng chàng và được cha mẹ đồng ý. Hai người chưa kịp thành hôn thì Lê Sỹ Triệt phải lên đường tòng quân. Thiên Hương ở nhà nguyện giữ trọn danh tiết chờ chồng.

Vào một ngày như thường lệ, nàng lên núi lễ Phật và thăm dưỡng phụ của chồng là nhà sư Trí Tân thì bị bọn Thạch Bích vây bắt. Thiên Hương chạy cùng đường, nên nhảy xuống khe núi tử tiết. Ba ngày sau, sư trụ trì chùa trên núi nằm mộng thấy nàng xuất hiện trong hình dáng một người con gái đen đúa kể chuyện oan khuất. Nhà sư đi tìm thi thể nàng đã bị nắng thiêu đốt đem về mai táng và gọi là nàng Đen. Người đời sau, để tỏ lòng tôn kính, gọi là Bà Đen.

Còn theo "Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh", thuở mới khai hoang vùng đất này, viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có người con gái là Thạch Nương, tên thường gọi là Đênh. Khi nàng Đênh 13 tuổi, nhà sư Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh dựng chùa thờ Phật lưng chừng núi Một.

Nàng Đênh xin theo nhà sư Trừng Thanh học đạo. Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng xin cưới cho con trai. Khi hai gia đình chuẩn bị lễ cưới thì nàng mất tích. Gia đình cho người tìm kiếm khắp nơi, phát hiện một khúc chân nghi là của nàng. Mọi người đồn đoán nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi. Từ đó núi có tên là núi Bà Đênh, về sau phát âm trại đi thành Bà Đen.

Nhìn từ xa, núi Bà Ðen trông như một chiếc nón khổng lồ nằm úp giữa vùng đồng bằng phì nhiêu. Ðỉnh núi gần như quanh năm bao phủ bởi những cụm mây trắng mà dân chúng thường nói là Bà đội nón.

Núi có nhiều loài cây cỏ, nhiều loại gỗ quý hiếm cùng các động vật như: cheo, nai, thằn lằn, dơi và các loại chim. Nước suối quanh năm chảy róc rách và hàng trăm hang, động đã được xây dựng, cải biến thành những nơi linh thiêng thờ thần, thờ Phật như: hang Gió, chùa Hang, động Thanh Long, động Ông Hổ, Ông Tà, Ba Cô, Thiên Thai.

Lên lưng chừng núi khoảng 350m, du khách có thể vào viếng và tham quan Linh Sơn Thiên Thạch động (Ðiện Bà), được xây dựng dựa vào thế núi từ một mái đá tự nhiên nhô ra thành am động. Bên trong có bàn thờ đặt hình tượng Bà Ðen khoác áo đỏ.

Ðiện Bà là nơi thờ phượng chính gắn liền với lễ hội núi Bà Ðen cùng các chùa Hạ và chùa Trung. Gần đó, ở độ cao hơn về phía đỉnh núi là miếu Sơn Thần, từ đây, du khách được ngắm nhìn toàn cảnh hồ nước Dầu Tiếng, một công trình thuỷ lợi đẹp và lớn ở nước ta hiện nay. Nơi đây còn có suối Vàng, có "Ma Thiên Lãnh" nằm phía tây núi Phụng với hồ Chằm, đền thờ Ông Lớn Trà Vông và sân Quần Ngựa tạo thành khu di tích mang đậm nét tâm linh.

Núi Bà Ðen còn là biểu tượng của mảnh đất và con người Tây Ninh trong công cuộc khai hoang, mở cõi và kháng chiến chống thực dân Pháp với tên tuổi của Quan lớn Trà Vông Huỳnh Công Giản, Tướng quân Võ Văn Oai, Trương Quyền, v.v. Nơi đây cũng từng là căn cứ địa của Huyện ủy Tòa Thánh (nay là Hòa Thành) thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chùa Bà Đen được xây dựng vào năm 1996 và hoàn thành vào năm 1997 với kiến trúc mang nét kết hợp hài hòa giữa nhiều chùa cổ trong nước. Hiện tại, hai cột đá xanh từ thời Tổ Lâm Hòa (khoảng năm 1919) cao 4,5 m, đường kính 0,45m vẫn được giữ lại.

Hội Vía Bà Đen được khởi đầu bằng lễ tắm tượng (mộc dục) tổ chức lúc 0 giờ ngày mùng 4 tháng 5 ân lịch, tại điện thờ Bà. Lúc này cửa điện sẽ được đóng kín, tắt hết đèn và nến. Sáu người phụ nữ (trong đó có 3 ni sư) tiến hành nghi lễ tắm Bà bằng nước thơm nấu các loại hoa sen, lài, sứ, quế... do các lễ sĩ trong các bộ xiêm y đẹp lộng lẫy như công chúa thuở xưa, chân bước nhẹ, nhịp nhàng "đăng đài" theo bộ "chữ Tâm" trong tiếng nhạc lễ qua các làn điệu Xuân, Đảo Nam Bộ dâng lên và sau đó lau 3 lần khăn được xông hương.

Đến khi tắm xong, vái lạy Bà, nhang đèn thắp lên thì cửa điện mới mở và khách hành hương bắt đầu vào bái lễ. Trong hai ngày tiếp theo, nhiều nghi thức dân gian đặc sắc khác như hát bóng rối, múa “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…), tiếp tục diễn ra tại Điện Bà.

Ngày mồng 5 là ngày lễ vía chính thức của Bà cũng là ngày hội thu hút đông du khách thập phương tìm về nhất. Trong ngày lễ chính này, có một nghi lễ rất quan trọng là lễ trình thập cúng dâng lên Bà 10 món gồm hương, đèn, quả, bánh…. Trong ngày này, các vị sư ở đây sẽ liên tục tụng kinh trước bàn thờ Bà.

Ngày Mùng 6 dành cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Trong ngày này các sư sãi tham dự sẽ đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ là lễ thí thực. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh.

Ngày 14.8.2019, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ công bố Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nhận “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những nghi thức trong lễ hội núi Bà vừa có tính chất của lễ hội Phật giáo, vừa mang sắc thái tươi vui rộn ràng của tín ngưỡng dân gian, thể hiện rõ nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian Nam Bộ với những ước mong của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Vào dịp Tết Nguyên đán, tiết Xuân mát mẻ, du khách từ bốn phương đến núi Bà lễ Phật, lễ Bà cầu bình an. Suốt tháng Giêng, núi Bà đông vui tấp nập và có nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hoạt động sôi nổi, vui nhộn của các lễ hội, cũng như cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và uy nghiêm của núi Bà Đen.

TS. Đào Thị Bạch Tuyết

 

Tin cùng chuyên mục