Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nông dân An Thạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Thứ hai: 15:35 ngày 21/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm qua, Hội Nông dân xã An Thạnh, huyện Bến Cầu vận động hội viên nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Vườn dưa lưới nhà ông Do tới kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Do (sinh năm 1970), hội viên nông dân ấp Chánh, xã An Thạnh cho biết, gia đình trước đây có nhiều năm trồng sầu riêng và chanh dây nhưng không hiệu quả, đầu ra không ổn định. Được Hội Nông dân xã tuyên truyền, định hướng sản xuất, năm 2018 ông đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà màng diện tích hơn 1.100 mét vuông để chuyển sang trồng dưa lưới.

Theo ông Do, trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm do áp dụng phương pháp kỹ thuật tiên tiến vào quy trình canh tác, giảm chi phí nhân công, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất cao, chất lượng và an toàn.

Ông Do chia sẻ: “Tôi trồng 4 vụ trong một năm, mỗi vụ thu hoạch trung bình từ 3,5- 4 tấn, thương lái đến mua 30.000đồng/1kg, mỗi vụ doanh thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận từ 60-80 triệu đồng”. Với đầu ra ổn định, ông Do dự định đầu tư thêm một nhà màng để trồng dưa lưới.

Ông Lê Hoàng Nam, ấp Chánh, xã An Thạnh cho biết, thời gian trước gia đình trồng lúa chủ yếu theo kinh nghiệm, sử dụng giống lúa không rõ nguồn ngốc, nên sau khi xạ tỷ lệ nảy mầm thấp, cây lúa èo uột, đẻ nhánh yếu, dễ sâu bệnh, năng suất thấp.

Được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa do Hội Nông dân xã tổ chức, anh Nam có thêm kiến thức về canh tác lúa, nhất là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Áp dụng quy trình thâm canh lúa theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái và thiên địch có ích. Hay như quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”. Một phải: phải dùng giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, đạt từ cấp xác nhận trở lên. Năm giảm: giảm lúa giống; giảm phân bón; giảm thuốc trừ sâu; giảm nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch.

Cánh đồng lúa của anh Lê Hoàng Nam luôn đạt năng suất ổn định.

Ông Nam cho biết: “Từ khi thực hiện quy trình kỹ thuật mới, tôi đều sử dụng giống lúa xác nhận, nên tỷ lệ nảy mầm cao, giảm lượng giống, từ đó giảm được phân bón, thuốc BVTV, cây lúa khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Chú trọng việc bón phân, thuốc BVTV cân đối, hợp lý, bảo đảm an toàn. 5ha lúa của gia đình, hằng năm đều cho năng suất ổn định so với trước đây. Vụ Đông Xuân vừa qua tôi thu hoạch đạt 8,2 tấn/ha, vụ Hè Thu đạt 5-6 tấn/ha”.

Ông Trương Thanh Đạm- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh cho biết, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội phối hợp các ngành liên quan, công ty phân bón, thuốc BVTV tổ chức 20 buổi hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên như: kỹ thuật trồng ớt, bầu, khổ qua, dưa leo, cách sử dụng phân bón, phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm với trên 630 lượt hội viên, nông dân tham dự. Hội phối hợp UBND xã và các ngành mở 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn: kỹ thuật trồng gừng, kỹ thuật trồng lúa, trồng rau an toàn có 120 hội viên tham gia, giúp cho hội viên, nông dân kịp thời nắm bắt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả.

Trong thời gian tới, Hội Nông xã An Thạnh chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề cho nông dân. Tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả. Hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhật Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục