Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Làm gì để nông dân nước ta, trong đó có nông dân Tây Ninh thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn, loay hoay: “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng, trồng rồi lại chặt…” theo kiểu phong trào?
Trong chương trình thời sự tối 19.2 trên VTV1 có phát tin nông dân trồng rau ở ngoại thành Hà Nội đang điêu đứng vì giá rau xanh rẻ hơn bèo. Rẻ đến mức không bán được cho ai nên người trồng rau phải chở đi đổ hoặc chất đống lại rồi chôn xuống hầm chờ cho rau phân huỷ để làm phân bón ruộng! Nhìn những củ su hào, những cây rau cải, xà lách tươi non mơn mởn mà phải đem đi đổ không ai là không xót xa. Với người trong cuộc, mùa rau này họ coi như mất trắng. Bao nhiêu công sức, thời gian và cả niềm hy vọng đều tan thành mây khói. Cách nay chỉ chưa đến hai tuần, Báo Tây Ninh đã đăng bài phản ánh thị trường rau quả ảm đạm, giá các loại rau gần như bằng không khiến nông dân héo cả ruột gan. Có người đang nợ ngập đầu vì những khoản vay đầu tư để trồng rau. Tại sao điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ lặp lại nhiều lần? Theo quy luật của thị trường, bất kỳ mặt hàng nào mà lượng cung vượt cầu thì giá cả sẽ giảm. Chỉ có điều khác nhau là với những sản phẩm của ngành công nghiệp thì độ rủi ro thấp hơn bởi vì nếu sản xuất ra mà chưa bán hết ngay thì cũng còn cơ hội để tiêu thụ vào dịp khác, loại hàng hoá này có thể bán quanh năm. Nhưng sản phẩm của ngành nông nghiệp thì không như vậy. Đến mùa vụ, dù giá cả thấp hay cao thì người nông dân vẫn phải thu hoạch để còn lo cho vụ sau. Mặt khác, rau quả nếu để già quá thì không bán được. Sản phẩm do người nông dân làm ra nếu không nhanh chóng được tiêu thụ thì sẽ có nguy cơ trở thành phế phẩm, mặt hàng rau xanh là một ví dụ sinh động nhất.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho giá rau xanh và một số sản phẩm nông nghiệp mất giá, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do cung vượt quá cầu. Nhưng do đâu cung vượt cầu nhiều như thế trong khi nhu cầu rau xanh vẫn không giảm, thậm chí còn tăng? Bởi vì người nông dân ta thường có khuynh hướng làm ăn theo… phong trào. Thấy bất cứ mặt hàng nào năm trước được giá là năm sau đua nhau trồng. Điều này khiến cho tổng diện tích đất dùng để trồng rau tăng đột biến. Tâm lý “dại bầy hơn khôn một” và “lụt thì lút cả làng” đã ăn sâu vào cách nghĩ của người nông dân nên cứ thấy ai trồng cây gì, nuôi con gì “có ăn” là lập tức làm theo mà ít khi cân nhắc. Mô hình sản xuất mang tính tự phát quá rõ. Chính vì thế nên mới có tình trạng giá nhiều loại rau quả rẻ tới mức gần như cho không, thậm chí cho cũng không ai thèm lấy! Nhìn rộng ra, chuyện trồng theo phong trào không chỉ diễn ở mặt hàng rau xanh mà còn nhiều loại cây khác nữa: cao su chẳng hạn. Khi thấy giá mủ cao su lên như diều gặp gió, người người, nhà nhà đua nhau lập vườn trồng loại cây này với mong muốn đổi đời. Có không ít hộ nông dân đã bất chấp đặc điểm sinh học của cây cao su nên cứ chỗ nào còn đất là trồng mà chưa tính tới năng suất và hiệu quả. Vì thế mới có chuyện trồng cao su trên đất lúa! Và khi rơi vào cảnh “được mùa nhưng rớt giá” thì người người lại đua nhau chặt bỏ để chuyển sang loại cây trồng khác đang “được thời” hơn.. Không chỉ ở lĩnh vực trồng trọt, người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã không biết bao nhiêu lần “thoi thóp” vì con cá da trơn trong khi nông dân phía Bắc và miền Đông Nam bộ lại “xanh mặt” vì bò sữa, vì tiêu, điều mà vấn đề chính không phải năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng mà là do giá rẻ.
Có thể nói nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn nặng tính chất nhỏ lẻ, cách làm ăn còn nặng tính tự phát, chạy theo phong trào, chưa được quy hoạch hoặc quy hoạch không khoa học, thiếu đồng bộ. Gần đây, trên các phương tiện truyền thông ta thường nghe nói đến việc liên kết “ba nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) cho phát triển nông nghiệp. Hiệu quả của mô hình này hình như còn mờ nhạt, chưa đem lại lợi ích gì nhiều cho nông dân. Về cơ bản, người nông dân vẫn đang phải tự bơi, tự mò mẫm tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, trong tình cảnh thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về thị trường. “Trồng cây gì, nuôi con gì; phải làm sao để người nông dân chẳng những sống được mà còn làm giàu trên chính mảnh đất của họ, phải làm sao để người dân áp dụng khoa học vào sản xuất thật hiệu quả; phải làm sao cho người dân gắn bó với nông nghiệp…”. Có vị cán bộ ngành liên quan đã nói như vậy. Điều đó không sai nhưng từ lý luận đến thực tiễn còn cả một khoảng cách rất dài.
Câu hỏi làm gì để nông dân nước ta, trong đó có nông dân Tây Ninh thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn, loay hoay: “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng, trồng rồi lại chặt…” theo kiểu phong trào, xem ra vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục.
VIỆT ĐÔNG
Giá rau xanh hiện rất thấp.