Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân bỏ mía, nguy cơ thiếu nguyên liệu cho vụ tới 

Cập nhật ngày: 30/12/2017 - 09:06

BTNO - Do giá cả xuống thấp, trồng mía không có lãi như những năm trước, nhiều nông dân trong tỉnh Tây Ninh hiện thu hoạch tới đâu cho phá bỏ mía gốc (vụ ba) tới đó để chuyển sang trồng mì, hoặc các loại cây trồng khác có lợi hơn, tạo nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu chế biến mía đường trong những năm tới.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (53 tuổi, ở ấp A2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) có 23 ha mía trồng tại địa phương, đã thu hoạch được 6 ha, năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, nhưng với giá thu mua của nhà máy (thuộc Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa) năm nay chỉ 900.000 đồng/tấn (10CCS), nên sau khi tính toán trừ chi phí, ông Tuấn không còn khoản thu nhập nào, thậm chí bị lỗ.

Sau khi hoàn tất vụ thu hoạch, ông sẽ chuyển toàn bộ diện tích mía vụ ba (13 ha) sang trồng mì, bắp và cây trồng khác để có thu nhập cao hơn.

Thu hoạch mía bằng cơ giới- Ảnh minh hoạ.

Tương tự, bà Đặng Thị Ngọc Diễm ở ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu vừa thu hoạch xong 10 ha mía. Với năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha, chữ đường đạt 8,5 CCS, nhưng giá mía của nhà máy như hiện nay, số tiền thu được không đủ để trang trải cho chi phí đầu tư và công thu hoạch.

Do trồng mía không còn có lãi, rủi ro cao (mía cháy), nên vụ này bà Diễm dự định sẽ cày bỏ toàn bộ diện tích mía gốc để chuyển sang trồng mì...

Một cánh đồng mía trên vùng nguyên liệu ở Tây Ninh- Ảnh minh hoạ.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cũng thừa nhận, diện tích trồng mía năm nay trên địa bàn tỉnh có thể giảm mạnh do giá thu mua nguyên liệu thấp, nông dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà máy đường cũng gặp không ít khó khăn do giá đường xuống thấp.

Ông Trong cho biết, sắp tới (kể từ 1.1.2018) thuế nhập khẩu đường sẽ xuống còn 0% do Việt Nam thực hiện cam kết theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, giá đường sẽ còn giảm sâu, ngành chế biến mía đường buộc giảm giá thành sản xuất bằng cách giảm giá mua nguyên liệu đầu vào, đòi hỏi người trồng mía phải tính toán lại chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Dựa vào giá thu mua nguyên liệu hiện tại, năng suất mía phải đạt từ 80 tấn/ha trở lên, đồng thời năng suất đường phải đạt 80 tấn/ha trở lên (chữ đường đạt từ 10 - 11 CCS), chi phí trồng mía giảm từ 500.000 đồng/tấn mía cây so với hiện nay, người trồng mía mới có lời.

Lê Đức Hoảnh