Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông dân bỏ vụ vì sản xuất không có lãi
Thứ sáu: 12:20 ngày 24/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh liên tục gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, trong khi giá bán các mặt hàng nông sản ở mức thấp khiến nhiều nông dân không mặn mà với việc xuống giống vụ Hè Thu năm 2022. Tại nhiều nơi, xuất hiện tình trạng bỏ ruộng không sản xuất.

Ruộng của ông Tiến nuôi cỏ cho bò ăn.

Nông dân bỏ vụ vì sản xuất không có lãi

Hiện nay, vụ lúa Hè Thu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã được xuống giống dứt điểm, nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Tuy nhiên, tại một số nơi, nông dân không mặn mà nên nhiều diện tích đất bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Trung- ngụ ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, ông bàn với vợ quyết định không xuống giống lúa hơn 1 ha vụ Hè Thu vì giá phân bón, vật tư nông nghiệp, lúa giống đều đồng loạt tăng, chi phí thuê mướn khác cũng tăng theo, càng làm càng lo bị lỗ.

Theo ông Trung, từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu liên tục tăng cao, kéo theo chi phí đầu vào cho cây lúa cứ liên tục tăng, đặc biệt là giá phân bón hiện đã ở mức 1-1,5 triệu đồng/bao. Trong khi thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn liên tục khiến cho việc xuống giống gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích phải gieo sạ lại hai, ba lần. Với giá lúa như hiện nay, nông dân sản xuất sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Do đó, ông quyết định bỏ vụ, không sản xuất để đất phục hồi.

Gần 1,5 ha ruộng đang bỏ vụ, ông Lê Văn Tiến, ngụ ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, vụ lúa Đông Xuân vừa qua, mưa kèm theo giông làm ruộng lúa nhà ông ngã rạp toàn bộ. Sau khi thu hoạch, năng suất lúa bị giảm mạnh, giá bán thấp, lỗ nặng nên đến vụ Hè Thu ông quyết định không xuống giống mà để bảng “nuôi cỏ” để làm thức ăn cho bò.

Ông Tiến cho biết, từ trước đến nay, việc sản xuất lúa tuy không có lãi nhiều nhưng với hơn 1,5 ha đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, gia đình ông cũng đủ chi phí trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, giá cả các mặt hàng vật tư đầu vào cho sản xuất tăng gấp hai, ba lần nên gần như việc sản xuất lúa không có lãi. “Nếu tình hình thời tiết thuận lợi thì hơn 3 tháng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", số tiền nông dân có được gần như chẳng còn bao nhiêu, nông dân vừa làm vừa lo vì không biết giá lúa sẽ ra sao”- ông Tiến chia sẻ.

Phân bón "ăn" hết lợi nhuận

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại phân bón liên tục “nhảy múa”, trong đó, các loại thường được sử dụng nhiều như NPK, Urê... có mức tăng cao nhất. Theo một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá phân bón NPK các loại như 20-20-15, 16-16-8 khoảng 1,1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng/bao (loại 50kg), Urê và Kali có giá trên 950 ngàn đồng/bao, tăng từ 2-2,5 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Không chỉ phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 50% - 80% so với trước đây. Việc tăng giá vật tư nông nghiệp làm chi phí sản xuất bị đội lên cao, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân.

Theo chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Bến Cầu, giá phân bón hiện tại vẫn ở mức cao nên sức mua tại cửa hàng bị giảm mạnh, lượng tiêu thụ phân bón trong tháng 4 và tháng 5 giảm từ 30% đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đang trong giai đoạn chăm bón cho vụ lúa Hè Thu 2022 nhưng nhu cầu tiêu thụ phân bón của nông dân không nhiều, trong khi giá nhiều loại nông sản trồi sụt thất thường, làm cho nhiều nông dân thua lỗ nặng. Điều này dẫn tới việc cửa hàng khó thu hồi các khoản tiền nông dân mua nợ phân bón từ đầu vụ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, với 3 lần giá phân bón được điều chỉnh tăng, đẩy giá phân bón lên mức cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, làm hàng triệu nông dân trên cả nước đối mặt với khó khăn. Không chỉ giảm lợi nhuận hay thua lỗ, nhiều nông dân phải bỏ ruộng vườn. Nhất là khi chi phí phân bón chiếm tới 50% chi phí đầu vào trong sản xuất nhiều loại cây trồng. Nếu giá phân bón tiếp tục bị đẩy lên cao, việc nông dân bỏ ruộng là không tránh khỏi.

Nhiều diện tích bị bỏ vụ vì "càng làm càng lỗ".

Liên kết sản xuất, giảm bớt rủi ro

Trong tình hình nhiều loại chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng giá, đẩy nông dân vào thế khó, “càng làm càng lỗ” thì với mô hình liên kết sản xuất, nông dân được hỗ trợ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình canh tác, đến lúc thu hoạch, toàn bộ lúa được doanh nghiệp thu mua với mức giá cam kết từ đầu vụ.

Anh Trần Văn Thanh- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng) cho biết, HTX được thành lập từ năm 2019, hiện có 30 thành viên với tổng diện tích 249 ha, chuyên trồng lúa giống ST25 liên kết với hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Đức Thành và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Long.

Trong đó, HTX đứng ra ký hợp đồng mô hình liên kết với Công ty thương mại dịch vụ Hoàng Long, các thành viên tham gia sản xuất sẽ được doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ toàn bộ chi phí từ giống đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến khi thu hoạch, toàn bộ lúa được bao tiêu với giá 6.900 đồng/kg. Người nông dân chỉ việc bỏ công chăm sóc, không phải lo đội vốn đầu tư do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay. Còn với mô hình liên kết với Công ty TNHH Đức Thành, HTX sẽ là đầu mối mua phân bón của doanh nghiệp để phân phối lại cho nông dân, đến cuối vụ doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ lúa của các thành viên tham gia với giá cao nhất là 8.000 đồng/kg.

Theo ông Thanh, vụ lúa này (vụ Hè Thu năm 2022), HTX hợp tác với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Long sản xuất lúa chất lượng cao, với 80% diện tích của HTX đang ký hợp đồng với doanh nghiệp này. Sau 4 vụ lúa thực hiện liên kết, lợi nhuận bình quân của nông dân tham gia mô hình đạt gần 40 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tính đến ngày 3.6, toàn tỉnh đã xuống giống 55.405 ha cây trồng, bằng 76,5% so kế hoạch. Trong đó, cây lúa: 43.097 ha, cây bắp: 789 ha, mì: 3.773 ha, rau các loại: 5.268 ha.

Trước tình hình giá cả nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, để hỗ trợ nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật trong canh tác từ việc giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn 40 ngày sau sạ... Đồng thời, khuyến cáo nông dân chuyển từ bón phân vô cơ sang hữu cơ hoặc vi sinh để cải tạo đất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, HTX, canh tác theo hướng an toàn và bền vững nhằm tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí đầu tư.

Nguyên An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục