Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 31.8.2022, diện tích sản xuất khoai mì trên địa bàn tỉnh là 53.169 ha, đạt 87,9% so kế hoạch năm 2022 (60.500 ha); trong đó vụ Đông Xuân 2021-2022 là 38.900 ha, vụ Hè Thu 2022 là 11.850 ha và vụ Mùa 2022 xuống giống 2.419 ha.
Mua nhầm giống mì trôi nỗi trên thị trường, một rẫy mì khi cây vừa lớn đã xuất hiện bệnh khảm lá.
Đến ngày 31.8.2022, diện tích mì vụ Đông Xuân 2021-2022 đã thu hoạch 22.980 ha, trong đó diện tích nhiễm bệnh khảm lá đã thu hoạch là 19.628 ha; diện tích còn lại trên đồng là 15.920 ha, diện tích nhiễm bệnh khảm lá là 11.005 ha. Năng suất bình quân đạt khoảng 34 - 35 tấn/ha. Hiện giá thu mua củ mì dao động từ 2.900 - 3.200 đồng/kg (tuỳ khu vực) khi hàm lượng bột của củ mì đạt 30%.
Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ và chưa phát sinh diện tích nhiễm nặng nhờ người sản xuất tìm mua các loại giống khoai mì không bị nhiễm bệnh ở các tỉnh khác về trồng và hạn chế sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh để sản xuất vụ tiếp theo.
Dù ngành Nông nghiệp cùng các đơn vị, cá nhân hợp tác nhân giống mì kháng bệnh khảm lá đạt năng suất khá, nhưng vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu cây giống cho nông dân. “Cung không đủ cầu”, một số nông dân tìm mua mì giống của thương lái không kháng được bệnh khảm lá. Một nông dân trồng mì tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết, vì lo không xuống giống kịp thời vụ nên qua lời giới thiệu của một số người, anh tìm mua giống mì của thương lái với “quảng cáo” là giống mì không bị nhiễm bệnh khảm lá với giá 40.000 đồng/bó.
Thế nhưng xuống giống chưa bao lâu đã xuất hiện bệnh khảm lá, khiến anh hụt hẫng. Nhiều người khác cũng rơi vào cảnh tương tự nên mong muốn tỉnh có giải pháp sớm có đủ giống mì kháng bệnh khảm lá cung cấp cho nông dân.
Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, do mới tìm ra một số ít giống mì kháng bệnh khảm lá nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân. Trước mắt, bà con có thể tìm mua lại những giống mì kháng bệnh khảm lá nông dân trong tỉnh trồng; tìm hiểu kỹ về nguồn gốc để không mua nhầm giống mì nhiễm bệnh khảm lá.
Ngành nông nghiệp Tây Ninh đã tìm ra một số giống mì kháng bệnh khảm lá tốt, và đang tích cực nhân giống để đáp ứng nhu cầu của người trồng mì trong tỉnh.
Sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập huấn cho nông dân nhận biết một số giống mì kháng bệnh khảm lá để phân biệt, tránh mua nhầm. Bên cạnh đó, khi có nhu cầu về giống mì kháng bệnh khảm lá, nông dân có thể đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật để được cán bộ hướng dẫn.
Thế Nhân