BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân cánh Tây Trảng Bàng mong sớm được nạo vét khai thông kênh Biên Giới

Cập nhật ngày: 19/09/2010 - 06:12

Anh Nguyễn Thành Được, một nông dân đang đi thăm ruộng trên cánh đồng ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh (Trảng Bàng) chỉ những đám ruộng ngập nước cặp kênh Biên Giới cho chúng tôi biết, năm nay mặc dù mưa không nhiều như những năm trước, nhưng nhiều đám ruộng cặp bờ kênh vẫn bị ngập úng. Nguyên nhân ngập úng là do nước từ bên kia biên giới đổ sang, trong khi kênh Biên Giới vừa hẹp, vừa cạn lại bị lục bình, cỏ dại cản trở làm cho nước thoát ra sông không kịp.

Anh Được cho biết thêm, nhà anh ở ấp Bình Hoà (trung tâm xã Bình Thạnh), có ruộng ở ấp Bình Phú (ấp biên giới). Ruộng của anh nằm cặp hai bên kênh Biên Giới. Trước đây khi chưa có con kênh đi qua, ruộng nhà anh chỉ làm được có một vụ lúa vào mùa mưa, năng suất rất thấp, xong việc vận chuyển lúa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi Nhà nước đầu tư nạo vét tuyến kênh Biên Giới, ruộng nhà anh làm được 3 vụ mỗi năm. Việc vận chuyển lúa bằng đường kênh cũng rất thuận tiện. Nhưng khoảng hai năm nay, việc sản xuất của anh Được cũng như nhiều nông dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Do con kênh bị sạt lở, đáy kênh bị bồi lắng cạn dần. Mùa nắng nước từ sông Vàm Cỏ Đông chảy vào không đủ tưới lúa. Còn vào mùa mưa, nước trên các cánh đồng thoát không kịp, gây ngập úng, nhiều nông dân không sản xuất được vụ lúa mùa (vụ 3 trong năm). Anh Được cũng như nhiều nông dân khác mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng sớm cho nạo vét khai thông dòng kênh Biên Giới.

Kênh Biên Giới đã cạn, hẹp lại bị lục bình, cỏ dại cây cối cản trở dòng chảy

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, trước năm 1995 ở vùng biên giới xã Bình Thạnh có một cánh đồng rộng khoảng 400 ha bỏ hoang hoá từ lâu đời, dân gian gọi là bưng hoang. Để khai thác vùng bưng hoang, đồng thời phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các cánh đồng cặp biên giới thuộc hai xã Bình Thạnh và Phước Chỉ, Nhà nước đã đầu tư làm một con kênh dài 8 km, ngang 10 mét và sâu 4 mét, đưa nước từ sông Vàm Cỏ Đông vào các cánh đồng. Do kênh làm trên cánh đồng gần biên giới nên gọi kênh Biên Giới. Ngoài kênh chính, còn có 7 nhánh kênh phụ vào khắp các cánh đồng, tác dụng, hiệu quả của hệ thống kênh này rất cao. Dòng kênh Biên Giới vừa đưa nước từ sông Vàm Cỏ Đông vào các cánh đồng lúa trong mùa nắng, vừa tiêu thoát nước, chống ngập úng trong mùa mưa, đồng thời rửa phèn cho cánh đồng hoang. Nhờ hệ thống kênh Biên Giới mà cánh đồng bưng hoang từ chỗ bỏ hoang hoá, nông dân đã khai khẩn, sản xuất được 3 vụ lúa mỗi năm. Bên cạnh đó, cũng nhờ có con kênh này mà khoảng 1.500 ha ruộng lúa ở hai xã Bình Thạnh và Phước Chỉ trước đây chỉ làm được một vụ nay cũng đã nâng lên được 3 vụ/năm. Dòng kênh này cũng là đường giao thông thuỷ nội đồng rất thuận tiện cho nông dân vận chuyển phân bón đến ruộng lúa, vận chuyển lúa về nhà. Tuy nhiên, do nạo vét đã khá lâu nên đến nay kênh bị sạt lở, lòng kênh bị bồi lắng và cạn dần. Vài năm gần đây do đáy kênh bị cạn, lượng nước từ sông Vàm Cỏ Đông chảy vào không đủ tưới cho các cánh đồng, nông dân sản xuất lúa gặp khó khăn do thiếu nước. Ngược lại vào mùa mưa lũ, lượng nước từ bên kia biên giới chảy tràn qua rất nhiều, kênh Biên Giới không thoát nước kịp làm cho nhiều cánh đồng bị ngập úng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng cho biết, ngành Nông nghiệp đã xây dựng dự án nạo vét dòng kênh Biên Giới, với tổng dự toán gần một tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa khởi công vì chưa được phân khai vốn.

Nguyện vọng của nông dân vùng biên giới cánh Tây Trảng Bàng và chính quyền địa phương mong các cấp lãnh đạo sớm phân khai vốn và tiến hành khởi công nạo vét kênh Biên Giới để tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

D.H