Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nếu như trước tết, giá lúa dao động trên 9.000 đồng/kg thì trong những ngày gần đây, giá bán lúa sau thu hoạch đang đi xuống từng ngày, hiện một số loại chỉ còn khoảng 6.500 đồng/kg.
Hiện nay, nhiều diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sớm với năng suất đạt khá cao. Tuy nhiên, nếu như trước tết, giá lúa dao động trên 9.000 đồng/kg thì trong những ngày gần đây, giá bán lúa sau thu hoạch đang đi xuống từng ngày, hiện một số loại chỉ còn khoảng 6.500 đồng/kg, khiến nhiều nông dân cảm thấy lo lắng.
Nông dân bán lúa tại ruộng sau thu hoạch.
Giá giảm từng ngày
Theo nhiều hộ canh tác lúa tại hai xã Phước Bình và Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, cách nay hơn một tháng, khi các trà lúa Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn bước vào giai đoạn trổ, thương lái đã đến đặt cọc tiền mua lúa tươi với giá lên đến hơn 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, giá lúa liên tục rớt giá. Một số hộ mới thu hoạch trong vài ngày gần đây chỉ bán được khoảng 6.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Vui, ngụ ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng cho biết, vụ này, gia đình ông canh tác hơn 2,7 ha lúa, giống OM 5451, vừa mới thu hoạch khoảng 3 ngày trước, giá bán lúa tại ruộng chỉ 6.600 đồng/kg. Theo ông Vui, năm nay, thời tiết thuận lợi, nên lúa đạt năng suất khá cao, khoảng 7-8 tấn/ha. Nhưng do lúa bán không được giá cao nên sau khi trừ hết chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được không được như kỳ vọng.
“Trước tết, có thương lái đến đặt tiền cọc 5 triệu đồng/ha để thoả thuận thu mua với giá 8.000 đồng/kg vào thời điểm thu hoạch nhưng tôi không nhận vì giá lúa lúc đó còn lên đến hơn 9.000 đồng, thà giờ bán rẻ chứ lúc đó ai biết giá lúa nó xuống nhanh như vậy đâu”- ông Vui nói thêm.
Vụ Đông Xuân 2023-2024, ông Nguyễn Văn Luỹ, ngụ ấp Long An, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu có hơn 1 ha gieo trồng giống lúa Ðài Thơm 8. Lúa đã chín và đang chuẩn bị thu hoạch. Ông đang liên hệ với một thương lái tại địa phương để lấy bao về đựng lúa.
Ông Luỹ cho biết, cách nay khoảng một tuần, một số hộ gần nhà ông thu hoạch lúa, cùng giống Đài Thơm 8, bán được giá khoảng 8.200 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay giá lúa rớt không phanh, thương lái cũng không còn ngó ngàng gì, khó khăn lắm mới có một mối quen đến xem lúa nhưng đưa ra mức giá chỉ 7.100 đồng/kg lúa, vì lúa chín tới ngày thu hoạch, không thể chờ được nữa nên ông đành chấp nhận bán.
Theo một thương lái tại huyện Bến Cầu, từ sau đợt nghỉ tết, giá lúa liên tục giảm nhanh, có khi buổi sáng một giá, chiều lại là giá khác, giá mới lúc nào cũng thấp hơn từ 200-300 đồng/kg. Với việc giá lúa trên thị trường liên tục giảm mạnh khiến nông dân rất lo lắng. Những người đã đặt cọc từ trước phải đi năn nỉ nông dân giảm giá bán, còn không thì đành chịu bỏ cọc, chịu lỗ.
Nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân bắt đầu bước vào thu hoạch.
Nông dân lo
Ông Bùi Văn Dũng, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết, vụ lúa Đông Xuân này, gia đình ông canh tác 3,2 ha, gieo hai loại giống là OM 5451 và OM 18. Lúa đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ bông, dự kiến còn khoảng 1 tháng nữa mới đến đợt thu hoạch. Tuy nhiên, với thông tin giá lúa giảm nhanh từ sau đợt nghỉ tết đến giờ và chưa thấy điểm dừng, khiến ông và nhiều nông dân cảm thấy hoang mang, lo lắng. Nếu như giá lúa giảm xuống dưới 5.000 đồng/kg, lợi nhuận từ sản xuất lúa của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Giá lúa giảm nhanh quá, sau tết tôi nghe nói giá còn trên 8.000 đồng/kg mà nay còn có hơn 6.500 đồng, như vậy mỗi giạ lúa (22kg/giạ) thì nông dân sẽ mất gần 30.000 đồng, mỗi héc-ta thu hoạch gần cả chục tấn, vậy thì con số lợi nhuận giảm rất nhiều”- ông Dũng chia sẻ thêm.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Đông, canh tác gần 6 ha tại hai xã An Bình và Ninh Điền, vụ Đông Xuân, gia đình ông phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng tiền mua lúa giống vì phải gieo sạ lại hai lần do ảnh hưởng của đợt triều cường giữa tháng 11.2023 âm lịch. Bên cạnh đó, chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tiêu tốn của gia đình ông gần 90 triệu đồng. Nếu giá lúa giảm xuống dưới 5.000 đồng, người sản xuất lúa sẽ khó có lợi nhuận.
Tình trạng lúa rớt giá liên tục không chỉ khiến nông dân canh tác lúa lo lắng mà còn khiến một số “cò lúa” rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi trót đặt cọc mua lúa giá cao.
Anh Q.H, một "cò lúa" tại xã Phước Bình cho biết, trước tết, anh được một số lái tại các tỉnh miền Tây đặt hàng đi xem và đặt cọc mua lúa của nông dân trên địa bàn. Mỗi héc-ta, anh đặt cọc trước từ 2-5 triệu đồng, giá bán được chốt với nông dân từ 7.500 - 8.500 đồng/kg, tuỳ giống lúa.
Tính đến hiện tại, số tiền anh bỏ ra đã gần 100 triệu đồng. Theo anh H, giá lúa trong năm 2023 duy trì khá cao, có lúc lên đến hơn 10.000 đồng/kg, trong khi thời điểm trước Tết Nguyên đán 2024, giá lúa vẫn còn trên 9.300 đồng/kg. Do đó, anh dự đoán, giá lúa vào đợt thu hoạch rộ cũng không giảm nhiều và nhanh đến gần 2.000 đồng/kg như hiện nay.
Theo một "cò lúa" tại huyện Bến Cầu, họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp với nông dân và hưởng hoa hồng, nên khi doanh nghiệp không mua họ phải bỏ cọc. Đây là số tiền vốn của gia đình tự bỏ ra, “lời ăn lỗ chịu” nên cũng không thể than trách gì.
Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 mới bước vào vụ thu hoạch, dù trúng mùa nhưng nông dân đang kém vui bởi lúa không bán được giá cao như đầu vụ. Trong khi đó, đa phần nông dân không có điều kiện phơi sấy lúa để trữ lại chờ giá. Giá lúa giảm quá nhanh cũng khiến nhiều nông dân lo lắng, bởi lúa tới thu hoạch cần phải bán ngay.
Dù vậy, theo tính toán của một số nông dân, với giá lúa như hiện nay, nông dân vẫn đang có lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/hec-ta.
Nguyên An