Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông dân đang bỏ cây mía: Nguy cơ diện tích năm sau sẽ tiếp tục giảm
Chủ nhật: 11:13 ngày 05/12/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đã xuất hiện tình trạng đáng lo ngại là sau khi thu hoạch mía, nông dân phá bỏ hàng trăm ha gốc mía để chuyển sang trồng các loại cây khác, trong đó chủ yếu là chuyển sang trồng khoai mì.

Vụ chế biến mía đường 2010-2011 ở Tây Ninh mới bắt đầu vận hành chưa đến 1 tháng. Thế nhưng hiện nay đã xuất hiện tình trạng đáng lo ngại là sau khi thu hoạch mía, nông dân phá bỏ hàng trăm ha gốc mía để chuyển sang trồng các loại cây khác, trong đó chủ yếu là chuyển sang trồng khoai mì. Thực trạng này khiến cho các nhà máy đường hết sức lo lắng, bởi vì nguy cơ diện tích mía năm sau tiếp tục giảm đã thấy trước mắt, mặc dù giá thu mua mía vụ chế biến này là cao nhất từ trước đến nay.

Trồng mía quá nhiều rủi ro - lo nhất là mía cháy

Theo thống kê của Nhà máy đường Biên Hoà -Tây Ninh, sau gần 1 tháng vào vụ chế biến 2010-2011, nhà máy đã thu mua được hơn 86.000 tấn mía cây trên diện tích gần 1.400 ha trong vùng nguyên liệu mía do nhà máy đầu tư. Tuy nhiên, trong gần 1.400 ha mía đã thu hoạch thì có đến 238 ha mía “được” nông dân đề nghị phá bỏ mía gốc để chuyển sang trồng cây khác- trong đó không chỉ có mía vụ 3, vụ 4 mà còn có cả vụ 1, vụ 2. Qua khảo sát của các Trạm Nông vụ thuộc Nhà máy đường Biên Hoà -Tây Ninh, trong tổng diện tích vùng nguyên liệu 5.700 ha do Nhà máy đầu tư năm nay, đến năm sau có khả năng sẽ giảm ít nhất là 400 ha. Đó chỉ mới là con số dự báo ở vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Biên Hoà -Tây Ninh, nếu tính luôn cả vùng nguyên liệu của Công ty SBT đầu tư thì năm sau diện tích mía ở Tây Ninh có khả năng giảm đến cả ngàn ha. Đây là con số mất đi không nhỏ, bởi vì trong năm vừa qua, với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và sự nỗ lực hết mình của các nhà máy nhưng diện tích mía chỉ tăng thêm được có vài trăm ha.

Có nhiều nguyên nhân tác động khiến cho nhiều nông dân bỏ cây mía, cho dù lợi nhuận từ cây mía trong vài năm gần đây liên tục tăng do giá thu mua tăng. Thế nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất khiến cho nhiều nông dân quay lưng với cây mía là do tốc độ tăng lợi nhuận từ cây mía không bằng một số loại cây trồng khác. Một số nông dân có nhiều năm gắn bó với cây mía so sánh: trồng mía với năng suất bình quân khoảng 60 tấn/ha, trừ hết các khoản chi phí thì lãi cao lắm là 30 triệu đồng/ha. Trong khi đó trồng mì đạt năng suất 30 tấn/ha, trừ các khoản chi phí có lãi đến 50 triệu đồng/ha. Ngoài vấn đề lợi nhuận, nhiều nông dân trồng mía chuyển sang trồng cây khác do quá ngán ngẫm với những rủi ro xảy ra khi trồng mía. So với trồng mì thì trồng mía vốn đầu tư cao hơn nhiều, lúc xuống giống thì sợ sâu bệnh, quá trình chăm sóc phức tạp hơn, luôn luôn sợ mía bị cháy và khi thu hoạch thường gặp rất nhiều khó khăn về nhân công.

Chuyện nông dân bỏ mía chuyển sang cây trồng khác để có hiệu quả kinh tế cho mình hơn không phải là điều bất thường. Vấn đề là làm thế nào nâng cao hiệu quả từ cây mía để thu hút nông dân tiếp tục trồng mía. Trong thời gian gần đây, các nhà máy đang dần thực hiện mục tiêu này. Ngoài việc điều chỉnh giá thu mua theo hướng ngày càng tăng, các nhà máy còn tăng cường chính sách đầu tư, đặc biệt là tăng mức hỗ trợ- trong đó có khoản hỗ trợ không hoàn lại. Cụ thể như ở Nhà máy đường Biên Hoà -Tây Ninh, trong tháng 10.2010 Nhà máy công bố giá thu mua mía là 930.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng và trên phương tiện vận chuyển. Đầu tháng 11, nhà máy tiếp tục điều chỉnh tăng lên 950.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng. Về chính sách đầu tư, vụ trồng mía năm nay Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh nâng mức đầu tư lên 17 triệu đồng/ha mía trồng mới và 10 triệu đồng/ha mía chăm sóc. Ngoài ra, Nhà máy còn nhiều khoản thưởng và hỗ trợ khác. Riêng khoản hỗ trợ không hoàn lại, từ đầu vụ Nhà máy đã công bố định mức 5 triệu đồng/ha mía trồng mới và cuối tháng 11 vừa qua mức hỗ trợ không hoàn lại được tăng lên là 9 triệu đồng/ha mía trồng mới. Đối với mía gốc, trước đây Nhà máy hỗ trợ không hoàn lại 1,5 triệu đồng/ha và hiện nay được nâng lên là 3 triệu đồng/ha. Đây là những nỗ lực của Nhà máy nhằm khuyến khích nông dân tiếp tục giữ mía. Tuy nhiên, chỉ bản thân Nhà máy nỗ lực “cứu vãn” cây mía là chưa đủ mà phải cần có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt hơn nữa của Nhà nước. Trong những năm qua, Nhà nước cũng đã đầu tư nguồn vốn rất lớn để xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu mía. Đồng thời tỉnh đã trích ngân sách khuyến khích nông dân trồng mía bằng cách hỗ trợ thêm 500.000 đồng/ha mía trồng mới. Thế nhưng với mức hỗ trợ này của cả Nhà nước cùng với Nhà máy thì hiện tại cũng vẫn chưa đủ nâng lợi nhuận từ cây mía lên cao bằng một số loại cây khác.

Sau khi thu hoạch mía, nhiều nông dân có ý định chuyển sang cây trồng khác

Có ý kiến cho rằng khi đã xác định cây mía là cây thế mạnh và ngành công nghiệp chế biến mía đường có sự đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thì nhất thiết phải tạo mọi điều kiện duy trì và phát triển cả về diện tích lẫn năng suất mía. Ngành chức năng cần sớm có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn đà sụt giảm của cây mía đang xảy ra. Nếu để diện tích mía tiếp tục giảm thì muốn phục hồi không phải là chuyện đơn giản, bởi vì diện tích mía ở Tây Ninh mấy năm trước đây đã từng sụt giảm mạnh và cho đến nay vẫn chưa phục hồi được.

Sơn TrẦn

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục