Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông dân duy trì sản xuất nông nghiệp chờ "bình thường mới"
Thứ bảy: 20:40 ngày 11/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều mặt hàng nông sản bị rớt giá, không có nơi tiêu thụ, phải kêu gọi giải cứu.

Tuy nhiên, để bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm tại chỗ và cung cấp nông sản ra thị trường trong thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều khó khăn, nhiều nông dân trong tỉnh vẫn cố gắng duy trì sản xuất với kỳ vọng giá cả nông sản ổn định khi dịch bệnh được kiểm soát.

Mong chờ những điều tốt đẹp.

Được thành lập từ năm 2012, Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau sạch tại ấp Bình Long, xã Thái Bình là một trong những địa chỉ cung cấp rau ăn lá lớn nhất của huyện Châu Thành, mỗi ngày THT cung cấp hàng tấn rau sạch cho các chợ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm khu vực thị trấn Châu Thành và thành phố Tây Ninh. Tuy nhiên, trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) vừa qua, các sản phẩm của Tổ gặp nhiều khó khăn, không có nơi tiêu thụ.

Ông Lương Quang Mai, Tổ trưởng THT trồng rau ăn lá đang thu hoạch rau của gia đình.

Ông Lương Quang Mai, Tổ trưởng THT cho biết, từ lúc địa phương áp dụng giãn cách xã hội đến nay, để tiêu thụ hết lượng rau của Tổ, ông đã liên hệ với tổ giải cứu nông sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhờ thu mua, giải cứu hàng chục tấn rau của các tổ viên và một số hộ sản xuất rau trên địa bàn xã Thái Bình, tuy giá bán khá thấp, trung bình khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg (cùng thời điểm này năm 2020, giá rau có giá từ 10.000 đồng đến hơn 20.000 đồng/kg) dù lỗ vốn nhưng ít nhất người trồng cũng còn vớt vát chút vốn tái sản xuất.

Theo ông Mai, tình hình sản xuất rau của Tổ hiện khá khó khăn, ngoài việc giá phân bón tăng cao từ đầu năm, hiện giá hạt giống rau cũng tăng gấp ba lần so với trước đây. Tuy nhiên, ông vẫn vận động các thành viên trong Tổ cố gắng tái sản xuất, không để đất trống, không bỏ vụ.

“Tôi hy vọng trong thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát, người dân sớm được quay lại cuộc sống bình thường, tiếp tục lao động sản xuất, phát triển kinh tế ổn định như trước khi có dịch”, ông Mai chia sẻ thêm.

Ông Phan Văn Hùng, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa huệ tại ấp Trường, xã Hảo Đước cho biết, hiện gia đình ông và một số hộ khác trong tổ trang chuẩn bị xuống giống cho kịp đón năm mới. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến diện tích trồng huệ của tổ sẽ giảm khoảng 50%. Cũng theo ông Hùng, từ đầu năm đến nay giá hoa huệ liên tục xuống thấp, khó tiêu thụ, trong khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát khiến nhiều nông dân chưa dám mạnh dạn tái sản xuất, riêng ông vẫn cố gắng đầu tư trồng gần 1ha huệ, hy vọng trong thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát, giá hoa huệ sẽ tăng trở lại, nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp đến.

Ông Trần Văn Vui, ngụ ấp Long An, xã Long Thuận (huyện Bến Cầu), hiện đang canh tác hơn 1,2 ha lúa vụ Thu Đông nhận định, dù tình hình dịch bệnh kéo dài, khó khăn nhưng nông dân vẫn tiếp tục tái sản xuất để cung cấp lương thực cho thị trường.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản xuống thấp, khó tiêu thụ làm cho người nông dân không yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, lo ngại không có đầu ra cho nông sản trong thời gian tới.

Tính đến ngày 8.9, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 26.796 ha lúa, 302 ha đậu phộng, 571 ha bắp (bao gồm bắp sinh khối cho bò và bắp hạt), 580 ha đậu các loại, 2.484,5 ha mì và 3.644 ha rau, củ quả các loại. Trong 9 tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 194.434 ha, bằng 76,1% so KH năm và bằng 91,3% so cùng kỳ.

Vườn Thanh Long của một hộ nông dân tại ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận huyện Bến Cầu đang cho trái.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có Tây Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản của người dân. Một số mặt hàng nông sản bị ách tắc, ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng gây khó khăn trong tiêu thụ, giá thành sản phẩm giảm sâu, Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, dẫn đến thua lỗ cho người sản xuất.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, Sở đã thành lập các Ban chỉ đạo hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; vận động mạnh thường quân tham gia giải cứu nông sản để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, qua đó, đã giúp tiêu thụ hơn 700.000 con gà (tương đương 20.000 tấn thịt gà), hàng trăm tấn lúa, rau, củ, quả…

Tạo điều kiện cho cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, giết mổ; các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân đi lại, hoạt động nhất là các phương tiện vận chuyển vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng ảnh hưởng đến sinh kế người dân, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly.

Sở cũng khuyến khích người dân duy trì và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhất là khi trạng thái “bình thường mới được thiết lập nhằm bảo đảm diện tích, năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi ổn định so với cùng kỳ, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân sau dịch. Trừ trường hợp bị cách ly, tạo điều kiện cho người nông dân các xã liền kề được qua lại sản xuất, thu hoạch nông sản sau khi khai báo y tế đầy đủ.

Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp tại nước ta, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư, từ cuối tháng 4.2021 đến nay đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội của người dân và tình hình phát triển kinh tế của 20 tỉnh thành khu vực Nam bộ- khu vực đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội được nối lại, dự báo nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tăng đột biến, do đó, người dân cần cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt, duy trì sản xuất sẽ bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm, trong điều kiện bình thường mới.

Nguyên An

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục