BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân Gò Dầu cần cù và năng động trong kinh tế thị trường

Cập nhật ngày: 06/03/2011 - 10:42

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Bàu Đồn đem lại hiệu quả kinh tế cao

Theo nhận định của Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Gò Dầu, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nông dân. Nhất là Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tác động tích cực cho kinh tế nông nghiệp và nông thôn của huyện Gò Dầu tiếp tục phát triển. Trong sản xuất kinh doanh đại bộ phận nông dân rất cần cù, nhạy bén, sáng tạo và năng động với nền kinh tế thị trường, kịp thời thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, vòng quây của đất được nâng lên. Nhiều nông dân tích cực đăng ký và ra sức thi đua để đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở các cấp.

Trong năm 2010, toàn huyện Gò Dầu có 16.510 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi, đạt 76,54% so với số hộ nông dân trong huyện. Kết quả đến cuối năm 2010, có 9.282 hộ được công nhận nông dân SXKD giỏi 3 cấp (đạt trên 58% so với số hộ đăng ký). Trong đó 153 hộ đạt nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh; 1.751 hộ SXKD giỏi cấp huyện, số còn lại SXKD giỏi cấp cơ sở. Ngoài ra cũng có một bộ phận nông dân do điều kiện sản xuất không thuận lợi như: ít ruộng đất, thiếu vốn, thiếu công lao động, vị trí đất không thuận tiện…, nhưng cũng tự phấn đấu vươn lên vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Trong SXKD ở huyện Gò Dầu đã có những mô hình mới có hiệu quả. Đáng lưu ý như: Mô hình liên kết 4 nhà, mô hình lúa cá trong vùng đê bao tiểu vùng ở xã Cẩm Giang; mô hình sản xuất rau an toàn ở ấp Rỗng Tượng, xã Thanh Phước; mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Bàu Đồn; mô hình trồng bắp giống ở các xã Thanh Phước, Hiệp Thạnh…

Trong số nông dân SXKD giỏi ở Gò Dầu có những cá nhân điển hình như: Anh Trần Văn Nhu (sinh năm 1973) chủ cơ sở nhựa tái chế ở ấp Phước Đức B, xã Phước Đông. Trước kia, gia đình anh rất nghèo. Anh phải đi làm thuê làm mướn đủ việc ở nhiều nơi để kiếm sống. Trong quá trình đi làm thuê, anh Nhu biết được một số nơi người ta có lập cơ sở sản xuất nhựa tái chế và có thu nhập khá. Từ đó anh quyết định chuyển sang lập cơ sở sơ chế hạt nhựa tái chế. Lúc đầu cơ sở anh chỉ có một máy với 4-5 công nhân. Nhờ biết tính toán trong công việc và siêng năng lao động, cơ sở sản xuất nhựa tái chế của vợ chồng anh Nhu từng bước ổn định và phát truển. Hiện cơ sở của anh Nhu đã giải quyết được hơn 20 lao động thường xuyên, với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ hết các chi phí, gia đình anh Nhu có thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.

 Ông Nguyễn Văn Lấn, một nông dân ngoài 60 tuổi nhà ở ấp 3, xã Bàu Đồn có gần 40 cao đất đồng. Trước đây ông lập vườn trồng nhãn, nhưng giá nhãn rất bấp bênh, nên thu nhập từ vườn nhãn rất thấp. Qua theo dõi trên báo, đài, ông Lấn biết có người trồng thanh long ruột đỏ có thu nhập rất cao. Ông quyết định phá bỏ vườn nhãn và trồng thanh long. Vốn đầu tư ban đầu cho gần 40 cao thanh long ruột đỏ của ông Lấn trên 110 triệu đồng. Trong năm 2010, gia đình ông Lấn thu hoạch được 8 tấn trái thanh long. Tùy theo loại trái lớn nhỏ, từ khi có trái thu hoạch đến nay, gia đình ông Lấn san cho lái tại vườn với giá bình quân từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Tính ra giá 1kg thanh long ruột đỏ cao hơn gấp 3 lần giá 1kg thanh long ruột trắng. Ngoài việc bán trái thanh long, gia đình ông Lấn còn bán hom giống. Chỉ hơn hai năm đầu tư trồng thanh long ruột đỏ, gia đình ông Lấn không chỉ thu hồi vốn, mà còn thu lãi được trên 100 triệu đồng.

Không chỉ có anh Nhu, ông Lấn, trong năm 2010, ở Gò Dầu còn có nhiều hộ nông dân khác SXKD rất có hiệu quả và có thu nhập rất cao, đáng kể như: Hộ ông Nguyễn Văn Đạt ở ấp 3, xã Bàu Đồn trồng 6 ha mì, thu lãi 240 triệu đồng/năm. Hộ ông Võ Công Minh, ở ấp Trà Võ, xã Thạnh Đức nuôi rắn long thừa sinh sản bán con giống thu lãi trên 80 triệu đồng/năm. Hộ ông Lê Văn Re cũng ở ấp Trà Võ, xã Thạnh Đức nuôi ếch kết hợp với nuôi rắn cũng có lãi trên 80 triệu đồng/ năm. Hộ ông Trần Văn Vọng, ở ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Nhờ siêng lao động ra sức thi đua sản xuất, gia đình ông Vọng nuôi trâu và làm bánh tráng đa xuất khẩu. Nay gia đình ông Vọng đã thoát nghèo và có thu nhập 60 triệu đồng/năm. Hộ ông Phạm Tuấn Kiệt, ở ấp Xóm Bố, xã Hiệp Thạnh trồng 2 ha bắp giống, đạt năng suất 10 tấn/ha và thu lãi được trên 90 triệu/năm. Hộ ông Võ Văn Đức ở ấp Xóm Mới, xã Thanh Phước, trồng 70 cao nhãn và làm 2 ha lúa thu lãi được 95 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có rất nhiều nông hộ ở các xã Thanh Phước, Phước Thạnh nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lúa sang cây ớt, mà có thu nhập khá cao. Nhiều hộ nhờ trồng ớt mà trả được hết nợ nần trước đây. Có người mua được xe gắn máy, mua được máy móc phục vụ nông nghiệp nhờ trồng ớt…

Từ một nông dân nghèo, không ruộng đất, sống bằng nghề làm thuê, anh Trần Văn Nhu (người đứng phía bên trái) đã vươn lên làm chủ cơ sở sản xuất nhựa tái chế và đã giải quyết được việc làm cho 20 lao động ở nông thôn

Để đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi, mỗi cá nhân có những kinh nghiệm khác nhau, nhưng tựu trung đều có kinh nghiệm chung: Trước hết, người nông dân phải có trình độ học vấn nhất định mới có thể tiếp thu được kiến thức khoa học kỹ thuật, cập nhật thông tin nhanh nhạy để biết cách tính toán khi quyết định đầu tư sản xuất; phải năng động với kinh tế thị trường, kịp thời nắm bắt thời cơ và nhu cầu của thị trường; phải mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào SXKD; có tính cần cù sáng tạo tận dụng hết khả năng cũng như điều kiện gia đình có sẵn; và cuối cùng là phải tự lực phấn đấu vươn lên là chính…

D.H