BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đánh giá tỷ lệ tạp chất củ mì bằng mắt thường:

Nông dân kêu thiệt, nhà máy bảo tại thương lái 

Cập nhật ngày: 29/10/2018 - 06:17

BTN - Thời gian qua, nhiều nông dân trồng mì phàn nàn về tình trạng các nhà máy chế biến mì đánh tạp chất củ mì với tỷ lệ khá cao, gây thiệt hại cho họ. Ðiều đáng quan tâm là, nhà máy chỉ đánh giá tạp chất củ mì bằng… mắt thường, mà chưa có một quy chuẩn hay quy định về vấn đề này.

Một điểm thu mua củ mì tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (ảnh minh hoạ).

Cắn răng chấp nhận

Anh A- một nông dân trồng mì kiêm thương lái thu mua tại ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành cho rằng, những năm qua, việc đánh giá tỷ lệ tạp chất củ mì là vấn đề gây tranh cãi giữa nông dân và các nhà máy chế biến. Khi nông dân đem củ mì đến bán, nhà máy đánh giá tạp chất bằng cách “nhìn qua” xe vận chuyển rồi ấn định. Nếu thu hoạch vào những ngày khô ráo, tỷ lệ thường dao động từ 8-10%. Nhằm lúc mưa, tỷ lệ này có khi lên đến 20%. Ðiều đó có nghĩa: 1 tấn củ mì, sau khi nhà máy trừ tỷ lệ tạp chất, chỉ còn 800kg.

Theo anh A, việc đánh giá tỷ lệ tạp chất như vậy là quá cao, gây thiệt hại cho người nông dân. Thế nhưng hầu hết đều phải cắn răng chấp nhận, vì chẳng lẽ lại phải đưa đến nhà máy khác bán, chi phí vận chuyển tăng, mà chưa chắc được đánh giá tỷ lệ tạp chất thấp hơn.

Anh M, một nông dân tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên cho rằng, do anh trồng mì diện tích lớn nên thường bán củ mì trực tiếp cho nhà máy. Trong quá trình thu hoạch, anh thường xuyên nhắc nhở nhân công gom củ mì hạn chế việc dính nhiều bùn đất. Cho nên những năm qua, khi đưa củ mì đến nhà máy, tỷ lệ tạp chất chỉ dao động khoảng 7-10%. Theo anh M, đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được vì trong quá trình thu hoạch, đưa lên xe vận chuyển, chuyện củ mì còn dính cát đất là điều không thể tránh được.

Tuy nhiên, cả anh A và anh M đều mong muốn các ngành chức năng sớm ban hành quy chuẩn, quy định về đánh giá tạp chất củ mì. Có như vậy mới bảo đảm việc đánh giá tỷ lệ của các nhà máy minh bạch, khách quan.

“Cái lý” của nhà máy

Một chủ nhà máy mì tại huyện Châu Thành cho biết, nếu nói tất cả nông dân trồng mì đều vận chuyển củ mì đến bán trực tiếp cho nhà máy là chưa chính xác. Vì hiện nay, tỷ lệ nông dân trồng mì có diện tích lớn, tự thu hoạch và vận chuyển củ mì đến bán cho nhà máy chỉ khoảng 15%, còn lại là thương lái thu mua mì của nông dân, đem bán lại. Những người trồng mì có diện tích vài ha thường bán củ mì cho thương lái khi thu hoạch, thậm chí có người còn bán ngay khi trồng được vài ba tháng (thường gọi là bán mì non).

Chủ nhà máy mì này cho rằng, những người làm nghề “lò mì” không ai không ngán ngẩm với “chiêu trò” của giới thương lái. Trong đó việc củ mì dính nhiều đất khi được chở đến nhà máy cũng là “trò” quen thuộc. Nhiều thương lái đổ thừa, khi thu hoạch do đất ướt nên đất dính, bám vào củ. Thực tế, khi thu hoạch, sau khi nhổ lên, nhân công gom củ mì lại để dễ dàng vận chuyển. Khi nhân công gom củ vào cần xé để vác, lái mì kêu nhân công hốt luôn cả lớp đất nằm phía bên dưới để đổ lên xe với mục đích tăng khối lượng, vì nhà máy cân cả xe lẫn mì.

Chưa hết, trước đây còn có việc thương lái trộn đất trực tiếp lên củ mì trên xe. Khi đổ một lớp củ trên thùng xe, lái mì cho đổ mới lớp đất mỏng phía trên rồi mới đổ tiếp lớp củ mì lên. Ngoài ra, thương lái còn trộn lẫn củ mì có hàm lượng chữ bột cao với củ mì có hàm lượng thấp. Do đó, khi củ mì được đưa đến, nhà máy phải nhìn vào số lượng đất cát dính trên củ, dưới đáy thùng xe nhiều hay ít để đánh giá tỷ lệ tạp chất. Có trường hợp xe củ mì quá nhiều tạp chất, nhà máy không thu mua. Ðiều đó lý giải vì sao, củ mì do nông dân thu hoạch và trực tiếp vận chuyển đến nhà máy để bán, tỷ lệ tạp chất chỉ từ 5-7%.

Việc thương lái đưa củ mì có nhiều tạp chất đến bán, đối với nhà máy, ngoài việc tăng chi phí khi chế biến, chất lượng đầu ra của bột mì cũng không cao. Những năm gần đây, nhà máy thường cho người đi tìm và trực tiếp thu mua mì trồng của nông dân đưa về chế biến, nhằm hạn chế tỷ lệ tạp chất cao.

Một chủ nhà máy mì ở xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh cho biết, khi củ mì được thương lái đưa đến bán lẫn nhiều đất, nhà máy đánh giá tỷ lệ tạp chất cao, khiến họ phản ứng. Ðể xử lý vấn đề này, nhà máy cho áp dụng phương pháp: chọn 10kg có dính đất trên xe đem cân, sau đó đem 10kg củ mì trên đi rửa sạch đất, cân lại. Kết quả sau cùng sẽ được dùng để tính tỷ lệ tạp chất trên xe mì. Thế nhưng khi nhà máy áp dụng cách này, không ít thương lái yêu cầu đánh giá bằng mắt thường như ban đầu.

Cũng theo chủ nhà máy này, củ mì thu hoạch những ngày mưa có tỷ lệ tạp chất cao là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, củ mì được thu hoạch những ngày bình thường lại lẫn nhiều đất, cát, rõ ràng là bất thường. “Do đó, việc kêu ca nhà máy đánh giá tỷ lệ tạp chất củ mì cao, hơn ai hết, giới thương lái đều hiểu vì sao có tình trạng như vậy, đừng đổ lỗi cho nhà máy”, chủ nhà máy này nói.

Vẫn phải chờ

Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp, cử tri nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành cần xem xét quy định về quy chuẩn đánh giá tỷ lệ tạp chất củ mì. Tại Công văn số 6920/BNN-TT ngày 15.8.2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng của nguyên liệu củ mì đầu vào cho các nhà máy chế biến… Tuỳ theo mục đích sử dụng và công suất chế biến nhà máy được trang bị, nhà sản xuất sẽ đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể để có được nguồn nguyên liệu đạt chất lượng tốt nhất cho công nghiệp chế biến.

Tại Công văn số 2431/BKHCN-TÐC ngày 6.8.2018, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời: “Trong hệ thống TCVN hiện hành chưa có TCVN quy định về phương pháp lấy mẫu, phương pháp xác định hàm lượng tinh bột và phương pháp xác định tạp chất củ mì tươi…”. Bộ này cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương có liên quan để rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan đến phương pháp lấy mẫu, phương pháp xác định tinh bột và phương pháp xác định tạp chất củ mì tươi.

THIÊN TÂM


 
Liên kết hữu ích