Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã Truông Mít (Dương Minh Châu):
Nông dân khẩn thiết yêu cầu phục hồi kênh tiêu N4-7
Thứ sáu: 06:05 ngày 15/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách nay khoảng 2 năm, nhiều nông dân làm ruộng cặp hai bên kênh tưới N4-7 (ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) đã kiến nghị đến cơ quan chức năng về việc phục hồi kênh tiêu N4-7 để hoạt động song song với kênh tưới nhưng nguyện vọng chưa thực hiện được. Mới đây, các nông dân này lại tiếp tục bày tỏ mong muốn được làm “sống lại” dòng kênh tiêu thoát nước.

Mương đào cặp công trình đang thi công bê tông hoá kênh tưới N4-7 có thể tận dụng làm mương thoát nước khá tốt.

Kênh tưới và tiêu N4-7 là một nhánh của kênh N4 (bắt nguồn từ kênh chính Đông, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng), được đào từ thập niên 1980. Thời điểm đó, hệ thống kênh dẫn nước tưới thường được kết hợp theo kiểu 2 kênh- 3 bờ, tức là đào đất đắp thành một kênh tưới, hầm đào sẽ được tận dụng đắp thêm bờ thứ 3 để làm kênh tiêu.

Qua thời gian, kênh tiêu N4-7 ngày càng bị bồi lắng, cỏ dại mọc dày, không còn phát huy tác dụng; mặt khác, còn là nơi trú ẩn cho chuột bọ phá hoại mùa màng. Thế nên, người dân cứ dần san lấp con kênh tiêu dài hơn 1km để lấy đất canh tác nông nghiệp. Việc này, vô hình trung, bà con đã tự “làm khó” mình khi tình trạng ngập úng ngày càng diễn ra theo chiều hướng xấu.

Nhận thấy rõ tác hại của việc tự ý san lấp kênh tiêu thoát nước, cách nay khoảng 2 năm, có một nông dân tên Đặng Văn Đức xin ý kiến chính quyền địa phương về việc cho phép ông nạo vét lại kênh tiêu thoát nước.

Mặc dù không có văn bản đồng ý chính thức, nhưng do nhu cầu cấp thiết của người dân nên nguyện vọng của ông Đức cũng đã được chấp thuận.

Tuy nhiên, ông Đức chỉ đủ khả năng thuê máy đào mương nhỏ thoát nước (kênh tiêu trước đó khá rộng) với chiều ngang khoảng 1,5m, dài hơn 500m, xuất phát từ kênh N4 đến phần đất ruộng của ông. Cách làm của ông Đức chỉ là giải pháp tạm thời, vì phải đào mương sao cho nước thoát “ngược” về lại hệ thống hầm vật liệu cặp kênh N4.

Hơn nữa, trong khi mương thoát nước cần phải có chiều dài hơn 1km, thì cố gắng của ông Đức mới chỉ cứu được một phần nhỏ, phần còn lại vẫn cần phải có kênh tiêu. Nhưng, trước mắt, mương “nửa vời” này ít nhiều cũng có công dụng tiêu nước rõ rệt, được nhiều nông dân ủng hộ.

Giải pháp hiệu quả nhất mà trước đây nông dân đã thấy là nhờ có kênh tiêu N4-7, nước thoát được xuống kênh T12-15 hướng hạ lưu (đổ về Suối Nhánh tiêu luồn qua kênh Đông). Do vậy, nhiều nông dân làm ruộng cặp hai bên kênh tưới N4-7 đã kiến nghị cơ quan chức năng được “phục hồi” kênh tiêu này.

Sau khi nhận được kiến nghị, cơ quan chức năng đã khảo sát, lấy ý kiến người dân. Hầu hết nông dân trong khu vực có đất liên quan đều nhất trí đào lại kênh tiêu.

Tuy nhiên, một hộ dân tên Nguyễn Văn Đẩu có phần đất nằm giáp giữa đầu cuối kênh tiêu N4-7 và kênh T12-15 yêu cầu phải được đền bù thoả đáng mới cho đào kênh qua đất. Sự việc “nhùng nhằng”, khiến việc khôi phục kênh tiêu bị ngưng lại từ đó cho đến nay.

Hiện tại, đơn vị thi công đang cho máy móc lại một phần kênh tiêu đã bị người dân san lấp trước đó để lấy đất thực hiện công trình bê tông hoá kênh tưới N4-7. Mặc dù kênh tiêu cũ được móc lại không rộng như trước đó, nhưng với độ sâu và chiều ngang như vậy vẫn có thể tận dụng để làm mương thoát nước tốt.

Nhân dịp này, một lần nữa bà con mong muốn có kênh tiêu thoát nước song hành cùng kênh tưới. “Đây là nguyện vọng khẩn thiết của nhiều nông dân, thậm chí, nếu phải đền bù đất cho ông Đẩu thì bà con chúng tôi sẵn sàng hùn tiền lại để cùng Nhà nước giải quyết khúc mắc này. Lợi ích kinh tế từ việc có mương thoát nước hiệu quả là không nhỏ, liên quan đến hàng chục hộ dân và hàng trăm ha đất nông nghiệp, trong đó có ông Đẩu”, ông Đức nêu ý kiến.

Ông Lại Đình Đồn- Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Dương Minh Châu cho hay: “Có thể dùng mương đào (để lấy đất làm công trình bê tông hoá kênh tưới N4-7) làm mương thoát nước khá tốt, chỉ cần bà con có đơn đồng thuận chừa mương tiêu thoát nước, chúng tôi sẽ có hướng hỗ trợ về vấn đề này”.

Được biết, ông Đức cùng ông Hồ Văn Giang đang làm đơn đi vận động bà con cùng thống nhất ý kiến. Riêng khâu hùn tiền, do chưa biết mức giá đền bù là bao nhiêu nên hai nông dân này có ý định nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp.

Ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết sẽ tiến hành làm việc cụ thể với ông Đẩu về vấn đề đền bù. Hy vọng, với sự chung tay đồng thuận của người dân và chính quyền, nguyện vọng chính đáng về việc phục hồi kênh tiêu N4-7 sẽ sớm được thực hiện.

Quốc Sơn

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục