Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bến Cầu:
Nông dân không còn “mặn mà” với cây thuốc lá
Thứ tư: 09:32 ngày 29/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều năm qua, huyện Bến Cầu là địa phương có diện tích cây thuốc lá vàng lớn nhất tỉnh. Những năm 2000, thuốc lá vàng thực sự là cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Giai đoạn đỉnh điểm là những năm 2005 -2007, diện tích cây thuốc lá vàng của Bến Cầu đạt khoảng 4.000 ha. Thế nhưng, đến vụ mùa năm 2017, diện tích trồng thuốc lá vàng trên địa bàn huyện Bến Cầu chỉ còn hơn 400 ha...

Anh Sol trên cánh đồng thuốc lá vàng của gia đình.

CÂY BỆNH, GIÁ CẢ BẤP BÊNH

Anh Nguyễn Văn Sol, người trồng thuốc lá vàng tại ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, các năm trước đây người dân rất “háo hức” trồng cây thuốc lá vàng, nhưng hiện nay, phần lớn người dân đã chuyển sang trồng những loại cây khác như bắp, ớt, đồ hàng bông... bởi lẽ lợi nhuận từ cây thuốc lá vàng mang lại khá thấp, thậm chí có vụ mùa nông dân phải chịu trắng tay.

Tại cánh đồng ấp Tân Lập, cây thuốc lá vàng ít bị nhiễm bệnh xoăn đọt như những vùng đất khác, nhưng đã có dấu hiệu nhiễm bệnh. Thửa đất rộng 0,5 ha của anh Sol đang trồng thuốc lá vàng đã đến kỳ thu hoạch đang bị bệnh xoăn đọt “tấn công” khoảng 20% diện tích. Anh Sol cho biết, ảnh hưởng năng suất là không thể tránh do khá nhiều cây thuốc bị bệnh, không thể thu hoạch được lá.

Bên cạnh việc cây thuốc bị bệnh, giá cả cũng là một nguyên nhân khiến người nông dân không còn “mặn mà” với cây thuốc lá vàng. Hiện nay, khi bắt đầu vào vụ, các lò thuốc lá chỉ hỗ trợ bằng cách bán thiếu phân diêm cho nông dân. Còn giá cả phải đợi đến khi thu hoạch các lò sấy thuốc mới báo giá, nên người dân rất băn khoăn không biết giá sẽ như thế nào để mạnh dạn đầu tư. Mặt khác, các lò sấy thuốc cũng không có chính sách nào hỗ trợ người nông dân. Có mùa, cả cánh đồng thuốc lá bị bệnh xoăn đọt, người trồng mất trắng nhưng không được các lò sấy thuốc hỗ trợ gì.

Một lý do nữa khiến nông dân “thối chí” là tình trạng khan hiếm công chăm sóc, thu hoạch. Bởi việc trồng và chăm sóc thuốc lá vàng đòi hỏi rất nhiều công phu. Chẳng hạn như khi cây thuốc lá đến kỳ thu hoạch, nếu thu hoạch không kịp, lá thuốc chín đỏ, coi như bỏ đi vì không thể bán cho lò sấy.

Chỉ vào những lá thuốc đã chín vàng, anh Sol cho biết, trong thời gian chờ đợi nhân công đến hái thuốc, vì tiếc của, sợ những lá chín trên cây sẽ chuyển sang màu đỏ nên anh đành phải lặn lội vào ruộng thuốc để hái lá thuốc, rồi tiến hành xỏ xiên chở lại lò sấy, bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Được biết, hiện các lò sấy thu mua thuốc lá vàng với giá 40 ngàn đồng/xiên đối với lá thuốc đẹp. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư, công cán ngày càng cao nên anh tính toán cũng không còn lãi bao nhiêu. Anh Sol bộc bạch, có thể trong thời gian tới, anh sẽ chọn loại cây trồng khác.

BÓ TAY... VỚI BỆNH XOĂN ĐỌT

Ông Nguyễn Thành Lập– Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cầu, cây thuốc lá vàng xuất hiện tại huyện từ những thập niên 90, đến nay đã hơn 20 năm. Thời gian đó, người dân cùng nhau trồng thuốc lá vàng, đỉnh điểm vào khoảng những năm 2005 đến năm 2007, diện tích cây thuốc lá vàng trên địa bàn huyện Bến Cầu khoảng 4.000 ha.

Tuy nhiên, những năm sau đó, dịch bệnh xoăn đọt trên cây thuốc lá xuất hiện trên diện rộng, dẫn đến người trồng thuốc lá không có lãi, thậm chí trắng tay. Ngành Nông nghiệp, UBND huyện cũng như các doanh nghiệp đã cùng “ngồi lại” qua nhiều cuộc hội thảo để tìm giải pháp. Kết quả, bệnh xoăn đọt không thể trị hết mà chỉ có cách phòng ngừa. Trong khi đó, việc thực hiện phòng ngừa bệnh xoăn đọt đòi hỏi người trồng thuốc phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ. Vì vậy, nhiều người trồng thuốc lá vàng đành “bó tay”, chuyển sang trồng loại cây trồng khác.

Được biết, trong 3 năm gần đây, diện tích cây thuốc lá vàng trong huyện Bến Cầu có khoảng 1.375 ha, nhưng diện tích bị nhiễm bệnh đã lên đến 405 ha. Năm 2016, diện tích cây thuốc lá vàng Bến Cầu là 688 ha, và bị nhiễm bệnh 305 ha. Còn mùa vụ năm 2017, diện tích thuốc lá toàn huyện giảm sút chỉ còn 409 ha, nhưng tính thời điểm hiện nay, theo thống kê, đã có 172,8 ha bị nhiễm bệnh và 20 ha bị ngập do những cơn mưa trái mùa vừa qua.

Về tình trạng phát sinh bệnh trên diện rộng, ông Lập cho rằng do người dân chỉ canh tác cây thuốc lá vàng trên một phần đất, hàng chục năm không luân canh cây trồng khác. Ngoài ra, giá cả thu mua thuốc lá vàng thời gian qua của các doanh nghiệp không ổn định cũng là một nguyên nhân, cộng với việc khó kiếm nhân công khiến người trồng thuốc lá vàng không dám đầu tư.

Về nguồn nhân lực tại địa phương, do thanh niên Bến Cầu hiện tập trung làm việc tại Công ty Việt Nam – Mộc Bài lên đến khoảng 6.000 - 7.000 người, chưa kể số người sang các địa phương khác làm công nhân, nên tình trạng khan hiếm nhân công ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, cây thuốc lá đòi hỏi nhân công nhiều, một ha thuốc lá vàng cần khoảng 200 -250 ngày công chăm sóc trong cả vụ.

Ông Lập cho rằng, ngành Nông nghiệp chỉ khuyến cáo người dân nên trồng cây gì nhưng không thể ép người dân phải trồng loại cây nào. Việc người dân bỏ thuốc lá vàng sang đầu tư trồng các loại cây khác là do tình hình thực tế cũng như thị trường quyết định.

Diện tích thuốc lá vàng giảm mạnh còn do những năm qua, huyện Bến Cầu được đầu tư nhiều hệ thống thuỷ lợi, bảo đảm nước tưới đến các cánh đồng. Vì vậy, diện tích lúa tại huyện tăng lên hằng năm. Năm 2015, diện tích lúa là 27.700 ha, đến năm 2016, lên đến 29.300 ha. Chưa kể người dân còn ký hợp đồng trồng bắp giống, trồng bắp cung cấp cho Công ty Bò sữa.

NGHĨA NHÂN

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh