Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ Đông Xuân 2017-2018:
Nông dân lại đối mặt với bệnh khảm lá mì
Thứ tư: 05:30 ngày 27/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chỉ trong ngày 25.12, đã phát hiện mới 125 ha mì vụ Đông Xuân 2017-2018 tại Tân Biên bị bệnh khảm lá với tỷ lệ từ 15-30%. Hiện bệnh khảm lá đang tiếp tục phát sinh hằng ngày.

Một rẫy mì mới trồng bị nhiễm bệnh khảm lá mì nặng ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Trước đây, Báo Tây Ninh đã có bài viết “Nguy cơ mất vùng nguyên liệu khoai mì” phản ánh việc nông dân các huyện Tân Châu, Tân Biên “không ngần ngại” xuống giống trồng mì vụ Đông Xuân 2017-2018 trên vùng đất đã từng nhiễm bệnh khảm lá cây mì. Mặc dù ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp đã có những khuyến cáo cần cắt vụ, chuyển đổi cây trồng, thế nhưng nhiều nông dân đã không coi trọng, thậm chí “phớt lờ” khuyến cáo của ngành chức năng.

GẦN 1.000 HA MÌ ĐÔNG XUÂN NHIỄM BỆNH KHẢM LÁ

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chỉ trong ngày 25.12, đã phát hiện mới 125 ha mì vụ Đông Xuân 2017-2018 tại Tân Biên bị bệnh khảm lá với tỷ lệ từ 15-30%. Hiện bệnh khảm lá đang tiếp tục phát sinh hằng ngày. Nâng tổng diện tích mì trong tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá lên đến 928 ha.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, số liệu này chưa phản ánh sát tình hình thực tế, nguyên nhân là đa số diện tích mì mới trồng chưa xuất hiện triệu chứng bệnh, trong khi phần lớn các hộ dân sử dụng nguồn cây giống bị bệnh từ các vùng có dịch, thậm chí cây giống bị lây nhiễm từ diện tích mì bị bệnh vẫn còn trên đồng. Bệnh khảm lá mì xuất hiện hầu hết tại các huyện có công bố dịch như Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu.

Có thể thấy, bệnh khảm lá mì đang bùng phát trở lại tại các vùng công bố dịch. Hơn ai hết, chính người trồng mì hiểu rõ nhất những nguy hại của căn bệnh khảm lá mì. Bản thân người trồng mì đã “nếm mùi” mất mùa, thua lỗ, thậm chí phải cày bỏ diện tích cây trồng do nhiễm bệnh nặng trong vụ mùa vừa qua.

Thế nhưng, do chủ quan, liều lĩnh, và tâm lí “hên, xui”, nhiều người trồng mì lại tiếp tục cày đất xuống giống ngay trên vùng đất từng bị nhiễm bệnh, để rồi, khi cây mì xuống giống được khoảng 1 tháng, người trồng mì phát hoảng, thậm chí phải khóc ròng vì cây bị bệnh, nguy cơ thua lỗ trắng tay đã hiển hiện trước mắt, do đến giờ, bệnh khảm lá mì vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Bà Lê Thị Hồng, nông dân trồng mì tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên vừa xuống giống 3 ha mì vụ Đông Xuân được khoảng 1 tháng. Mấy ngày qua, bà Hồng “mất ăn, mất ngủ” vì diện tích mì trồng đã bị nhiễm bệnh khảm lá.

Bà Hồng cho biết, vụ mì vừa qua, cũng trên phần đất này, rẫy mì của gia đình bà bị nhiễm bệnh khoảng 30% diện tích. Sau khi thu hoạch xong, bà đã đốt cây mì, rắc vôi khử trùng cho đất và cày xới để tiếp tục… trồng vụ mì Đông Xuân, vừa trồng bà vừa “cầu mong” cây mì không nhiễm bệnh. Bà Hồng không phủ nhận thời gian qua, ngành chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo bà nên cắt vụ chuyển sang trồng loại cây trồng khác ít nhất 1 vụ.

Tuy nhiên, do thấy trồng mì cho lợi nhuận ổn định, hơn nữa, bà cho rằng, đã rất cẩn thận cải tạo, khử trùng đất và tìm mua cho được cây mì giống được giới thiệu là giống lấy ở tỉnh Bình Dương, địa phương không bị nhiễm bệnh khảm lá mì. Bà Hồng chua xót cho biết, mỗi ha mì trồng mới, bà đã đầu tư chi phí gần 20 triệu đồng. Nhưng với tình hình cây mì bị nhiễm bệnh thế này, bà lo rằng khó tránh khỏi trắng tay.

Cũng như bà Hồng, ông Khắc- một người trồng mì ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho rằng, bản thân ông cũng đã lường trước sự rủi ro từ căn bệnh khảm lá mì. Thế nhưng, ông lại nghĩ đơn giản chỉ cần cải tạo đất kỹ lưỡng, khử trùng đất “đàng hoàng” và tìm giống mì mới không có mầm bệnh là có thể an tâm canh tác. Chỉ có điều, là nghe người bán giống nói sao hay vậy, ông làm sao có thể biết giống mì nào bị nhiễm bệnh, giống nào không nhiễm, hậu quả là 5 ha mì mới trồng đã không tránh khỏi bệnh khảm lá, coi như vụ mì Đông Xuân này ông Khắc cầm chắc… lỗ nặng.

QUAN TRỌNG NHẤT LÀ NHẬN THỨC CỦA NÔNG DÂN

Qua ghi nhận thực tế tại một số địa phương công bố dịch bệnh khảm lá mì như huyện Tân Châu và Tân Biên, hiện nay, vẫn còn nhiều diện tích mì vụ bị nhiễm bệnh nặng nề nhưng người trồng mì không tiêu huỷ theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Hoàng, từng có diện tích mì bị nhiễm bệnh nặng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên nhưng chưa tiêu huỷ cho biết, lý do khiến ông không tiêu huỷ diện tích mì của mình vì… “quá buồn” trước việc mì bị bệnh. Hơn nữa, ông tính toán, nếu thuê công thu hoạch mì thì số tiền thu được không đủ trả tiền công, chưa kể khoản tiền thuê máy cày thực hiện việc tiêu huỷ. Khi chúng tôi đặt vấn đề, việc ông không tiêu huỷ diện tích mì bị nhiễm bệnh sẽ để mầm bệnh phát tán, gây ảnh hưởng đến diện tích mì mới trồng của người khác, thì ông Hoàng… im lặng.

Trong khi đó, trên các tuyến đường chính ở huyện Tân Châu và huyện Tân Biên có nhiều điểm bán cây mì giống phục vụ cho người trồng mì vụ Đông Xuân 2017-2018. Mặc dù chính quyền tỉnh và ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác kiểm tra các điểm kinh doanh mì giống, nhưng… dường như vẫn không mấy hiệu quả.

Theo một cán bộ ngành Nông nghiệp, qua kiểm tra các điểm bán mì giống, khó khăn nhất là kiểm tra nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc của cây mì giống. Nếu kiểm tra thấy cây giống mì có dấu hiệu nhiễm bệnh chỉ có thể yêu cầu người dân tiêu huỷ. Mặt khác, người bán, khi có cán bộ ngành chức năng đến kiểm tra, lại “đối phó” rằng, đây là số cây mì giống được trữ lại để trồng, chứ không kinh doanh nên không thể xử lý.

Đối với hành vi không tiến hành tiêu huỷ, cày bỏ diện tích mì đã bị nhiễm bệnh theo quy định về kiểm dịch thực vật lẽ ra phải bị xử phạt hành chính và cưỡng chế tiêu huỷ. Tuy nhiên, do địa phương còn nhiều lý do “tế nhị” nên chưa thể xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, xử lý dứt điểm dịch bệnh là cần phải cắt vụ diện rộng trên vùng dịch, tuy nhiên, hiện nay, người nông dân trồng mới cây mì không đồng loạt, người đang thu hoạch, người đã tiến hành trồng mới, bởi lẽ cây mì được nông dân trồng quanh năm. Từ đó dẫn đến việc xử lý triệt để mầm bệnh gặp không ít khó khăn.

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước tình hình dịch bệnh khảm lá mì có dấu hiệu gia tăng mạnh trong vụ mì Đông Xuân 2017-2018, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức họp khẩn với các huyện, thành phố để đề ra những giải pháp xử lý hữu hiệu, quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh khảm lá trên cây mì.

Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là ý thức của người nông dân, bởi thời gian qua, chính quyền và ngành Nông nghiệp đã cảnh báo nhiều lần, nhưng nhiều người không nghe, vẫn cứ xuống giống trồng mì trên vùng đất có dịch, bằng giống cây mì có mầm bệnh. Hậu quả “nhãn tiền” là diện tích mì mới trồng bị nhiễm bệnh ngày càng tăng.

THIÊN TÂM 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh