Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân lại phản ánh phân bón khó tan  

Cập nhật ngày: 05/10/2018 - 19:29

BTNO - Vừa qua, Báo Tây Ninh liên tục nhận được sự phản ánh của nông dân về tình trạng phân bón chậm tan, khó tan, thậm chí là không tan. Mới đây, nông dân lại tiếp tục “kêu trời” vì những loại phân bón tương tự.

Người bức xúc phản ánh vụ việc là ông Đinh Văn Hải, ngụ tổ 2, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu. Ông Hải đã mua 40 bao phân bón nhãn hiệu hữu cơ sinh học B.M (loại hữu cơ tổng hợp 50kg/bao) và 10 bao phân bón hỗn hợp cao cấp NPK 20-20-15+ TE (loại 50kg/bao).

Theo nhãn mác được in trên bao bì, cả hai loại phân bón này đều do Công ty TNHH SX TM DV B.M sản xuất (tạm gọi là Công ty B.M). Công ty B.M đóng tại địa bàn huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Phân bón hữu cơ sinh học B.M sau khi được ông Hải bón lót xuống đất hơn 8 tháng.

Ông Hải mua số phân trên về bón lót cho khoảng 7.000m² đất trồng cây ớt, bón theo hình thức đào lỗ lấp phân xen kẽ tại các gốc cây trồng. “Thông thường, mỗi vụ chỉ cần canh tác khoảng 4.000m² đất trồng cây ớt sẽ cho thu hoạch hơn 5 tấn trái. Tuy nhiên, trong vụ ớt vừa qua, gia đình tôi canh tác đến 7.000 m² đất nhưng chỉ thu hoạch được khoảng 400 kg trái ớt, lỗ nặng.

Tôi không hoàn toàn đỗ lỗi cho việc bị thất mùa là do phân bón, nhưng rõ ràng đã có sự bất thường xảy ra. Đáng lưu ý, sau hơn 8 tháng bón loại phân hữu cơ sinh học B.M, lúc đào lên hầu như hạt phân vẫn còn nguyên hình dạng ban đầu. Riêng loại phân bón hỗn hợp cao cấp NPK 20-20-15+ TE có tan nhưng vẫn còn thấy trong đất”, ông Hải cho biết.

Ngày 4.10, để minh chứng cho việc phân bón khó tan, ông Hải đã dùng cuốc đào bất kỳ vị trí nào trên luống đã trồng cây ớt (chỗ từng bón phân). Quả nhiên, hạt phân hữu cơ sinh học B.M hầu như vẫn còn nguyên hình dạng, mặc dù lúc đào phân bón đang nằm dưới một lớp đất khá ẩm ướt. Loại phân bón hỗn hợp cao cấp NPK 20-20-15+ TE vẫn còn nhưng không nhiều, đa số bị biến dạng, tất nhiên vẫn có thể nhận ra hạt phân.

Ông A, một nông dân khác ngụ tại tổ 2, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên cũng phản ánh về loại phân hỗn hợp cao cấp NPK 20-20-15+ TE có dấu hiệu khó tan. Nông dân này dẫn phóng viên ra vườn cao su để đào và xem thử số phân đã bón lót xuống đất khoảng 1 tháng trước đó. Kết quả, vẫn còn nhiều hạt phân bón màu trắng nằm dưới lớp đất ẩm, đào thêm nhiều chỗ khác cũng phát hiện tình trạng tương tự.

Phân bón hỗn hợp cao cấp NPK 20-20-15+ TE sau khi được ông A. bón lót xuống đất khoảng 1 tháng.

Theo ông Hải, sau khi phát hiện hai loại phân bón khó tan nêu trên, nhất là loại phân hữu cơ sinh học B.M, ông đã báo lại với đại lý bán lẻ. Chủ đại lý có vào tận ruộng ớt xem xét và bảo do cây trồng bị bệnh chứ không phải tại phân bón. Ông Hải quả quyết, nếu bên bán phân nói vậy thì sự việc cần phải nhờ đến cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.

Qua ngày hôm sau, chủ đại lý gọi điện thoại nói với ông Hải không nên làm lớn chuyện, có làm cũng không được gì đâu, đồng thời đưa ra đề nghị sẽ hỗ trợ ông Hải 10 triệu đồng theo hình thức trừ vào số tiền mua thiếu phân bón trước đó.

“Thật ra, số tiền hỗ trợ không thấm vào đâu so với số tiền vốn đã đầu tư vào gần 1 ha ớt. Nhưng vì là chỗ làm ăn quen biết, nên tôi đã chấp nhận đề nghị này. Thế nhưng, mới đây, ông A. lại gặp phải tình trạng phân bón khó tan khi mua cùng đại lý. Thiết nghĩ, đại lý cũng chỉ lấy sỉ phân bón lại từ nhà sản xuất, đã đến lúc cần làm rõ chất lượng một số loại phân bón từ Công ty B.M để bảo vệ quyền lợi người nông dân”, ông Hải nêu ý kiến.

Ông Châu Thanh Long- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho biết sẽ sớm vào cuộc xác minh và có hướng xử lý thông tin phản ánh của người dân.

Minh Quốc