Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân Long Vĩnh phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất 

Cập nhật ngày: 15/05/2022 - 15:51

BTNO - Những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Phong cho dế ăn đọt mì.

Trong đó phải kể đến hai mô hình sản xuất được bà con nông dân xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành nhân rộng, phát triển trong thời gian qua. Đó là mô hình nuôi dế và mô hình trồng tre lấy măng.

Mô hình nuôi dế chủ yếu tập trung ở ấp Long Đại, xã Long Vĩnh với khoảng hơn 40 hộ nuôi. Ông Phạm Thanh Phong, ngụ ấp Long Đại, người đã gắn bó với nghề nuôi dế được 18 năm cho biết, trước kia gia đình ông chuyên làm ruộng trồng lúa. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục xuống thấp làm cho kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Từ đó, ông Phong luôn tìm kiếm, hướng đến mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, ông Phong quyết định chuyển sang nuôi dế.

Ban đầu chưa có kinh nghiệm, ông chỉ làm vài chuồng nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian, thấy dế phát triển tốt, giá bán cũng ổn định, ông đầu tư mở rộng lên 16 chuồng.

Theo ông Phong, kỹ thuật chăm sóc nuôi dế đơn giản, dễ làm, chi phí thức ăn cũng ít hơn các con vật nuôi khác, ông tận dụng vớt lục bình và đọt cây mì để làm thức ăn cho dế. Ngoài ra, thời gian nuôi cũng ngắn, khoảng 30 ngày là có thể xuất bán, giúp gia đình ông thu về hơn chục triệu đồng mỗi tháng.

Mô hình nuôi dế giúp gia đình ông Phong khấm khá hơn, con cái ăn học đầy đủ, nhà cửa khang trang. Dự định trong thời gian tới ông Phong sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô.

Trại dế của một hộ dân ở ấp Long Đại, xã Long Vĩnh.

Ông Nguyễn Thành Tài, ngụ ấp Long Phú, xã Long Vĩnh nhiều năm trồng hoa màu nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2019, khi giá rau "lao dốc không phanh", gia đình ông thua lỗ phải bán đi một phần đất để trả nợ. Trên 2 công đất còn lại, ông Tài chuyển sang trồng tre bát độ lấy măng. Năm đầu, tre cho măng với năng suất cao, bán 30.000 đồng/kg, thu lợi nhuận 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán tre giống để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện gia đình ông mở rộng diện tích trồng tre lên 5 công đất.

Ông Tài cho biết, mô hình trồng tre lấy măng ít rủi ro về thời vụ như các cây ngắn ngày khác, nhẹ công chăm sóc, lại ít sâu bệnh. Giá cả ổn định, cho dù giá măng có xuống thấp hơn, thu nhập cũng ổn định.

Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này. Hiện có hơn 30 hộ nông dân ở xã thực hiện mô hình trồng tre lấy măng.

Ông Nguyễn Văn Chí– Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh cho biết, nuôi dế và trồng tre lấy măng là hai mô hình sản xuất phát triển mạnh trong thời gian qua của địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Nông dân cho dế ăn lục bình.

Để giúp cho bà con nông dân duy trì, phát triển các mô hình sản xuất, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho các hộ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống kinh tế, qua đó góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nhật Quang