BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân mong sớm nhận được tiền hỗ trợ khắc phục thiên tai vụ Đông Xuân 2008-2009

Cập nhật ngày: 04/05/2009 - 10:57

Đầu vụ đông - xuân 2008 - 2009, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện liên tiếp những cơn mưa to trái mùa làm ngập úng và gây thiệt hại hàng ngàn ha cây trồng. Nhiều nông hộ phải thất trắng. Mới đây bà con nông dân ở các huyện phía Nam của tỉnh có hỏi chúng tôi: “Nghe nói tỉnh có chủ trương hỗ trợ nông dân khắc phục thiên tai vụ đông xuân vừa qua có phải không? Mức hỗ trợ ra sao? Hiện nay vụ đông xuân đã qua rồi, nông dân đang bắt tay vào vụ hè thu, vậy đến bao giờ tiền hỗ trợ mới đến tay nông dân?”.

* Hỗ trợ nông dân khắc phục thiên tai vụ Đông Xuân 2008-2009 hơn 1,850 tỷ đồng:

Những ngày đầu năm 2009, mưa lớn làm nhiều diện tích lúa lúc mới sạ bị chìm sâu trong nước, nông dân phải sạ lại, đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì bị mưa gió vùi dập lại bị thất thoát nặng nề

Để có câu trả lời cho nông dân, chúng tôi đã liên hệ với ngành chức năng và được biết: Sau khi tổng hợp số liệu diện tích cây trồng bị ngập úng từ các huyện gửi về, ngày 16.1.2009, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã lập Tờ trình số 06/TTr-SNN đề xuất hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả thiên tai gửi UBND tỉnh. Nội dung tờ trình cho biết, những cơn mưa trái mùa cuối năm 2008 đã làm cho hơn 10.447 ha cây trồng các loại bị ngập úng. Trong đó diện tích thiệt hại hoàn toàn trên 7.334 ha. Số diện tích nông dân phải gieo trồng lại lần thứ hai, sau khi bị ngập úng, theo kế hoạch từ các huyện là 3.954,85 ha bao gồm: Lúa 2.213,55 ha; bắp 875,8 ha; đậu phộng 67,4 ha; rau các loại 76,7 ha; đậu các loại 112,5 ha; mè 109 ha; mía 48 ha; mì 293,9 ha; thuốc lá 154 ha. Từ đó Sở NN&PTNT đề xuất phương án hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả như sau: Đối với nhóm cây trồng có giá giống tương đương 1 triệu đồng/ha, như lúa, bắp, rau các loại đề nghị hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; nhóm cây trồng có giá giống tương đương 500.000 đồng/ha, như mè, đậu các loại, mì hỗ trợ 500.000 đồng/ha; nhóm cây trồng có giá giống 2 triệu đồng/ha, như đậu phộng hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Riêng hai cây mía và thuốc lá vàng có phần hỗ trợ của nhà máy và doanh nghiệp, nên đề nghị hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Tính chung tổng mức hỗ trợ trên diện tích tái sản xuất 3.954,85 ha là hơn 3.762.550.000 đồng. Phương thức hỗ trợ ngân sách tỉnh cấp về huyện, từ nguồn phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Giao cho chính quyền cấp huyện, xã kết hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan kiểm tra thực tế và triển khai thực hiện đúng thủ tục quy định tài chính.

Sau đó hơn 2 tháng, đến ngày 19.3.2009, Sở Tài chính Tây Ninh có Công văn số 237/STC-NS về việc thông báo kinh phí khắc phục thiên tai vụ đông xuân năm 2008-2009, gửi đến UBND các huyện. Nội dung Công văn 237 của Sở Tài chính cho biết, căn cứ Quyết định số 466/QĐ ngày 18.3.2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị xã năm 2009, Sở Tài chính thông báo dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị năm 2009 để thực hiện hỗ trợ kinh phí khắc phục thiên tai vụ đông xuân 2008-2009, số tiền là 1.850.125.000 đồng (chưa được 50% mức đề xuất của Sở NN&PTNT -N.V). Trong đó chia ra các huyện như sau: Châu Thành: 114.400.000 đồng; Trảng Bàng: 592.850.000 đồng; Gò Dầu: 574.600.000 đồng; Bến Cầu: 316.275.000 đồng; Tân Biên: 252.000.000 đồng.

* Bao giờ tiền hỗ trợ mới đến tay nông dân?

Nông dân bị thiên tai thất mùa, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để khắc phục hậu quả là việc làm hết sức có ý nghĩa, đúng nguyện vọng của nhân dân. Tuy số tiền hỗ trợ không lớn lắm, nhưng cũng góp phần đáng kể giúp cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, vượt qua khó khăn, nhất là tạo được nguồn giống khác để tái sản xuất. Tuy nhiên sự hỗ trợ của Nhà nước đến với nông dân quá chậm chạp. Gọi là hỗ trợ khắc phục thiên tai tái sản xuất vụ đông xuân 2008-2009, mà đến nay hầu như nông dân đã thu hoạch xong vụ đông xuân và đang tập trung sản xuất vụ hè thu, mà nông dân vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Một cán bộ lãnh đạo Phòng NN &PTNT ở một huyện phía Nam của tỉnh cho biết, thực hiện việc hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả thiên tai vụ đông xuân vừa qua không tránh khỏi khó khăn. Để đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng diện tích, ngành chức năng phải phối hợp xã, ấp tiến hành điều tra, khảo sát lại thật chính xác. Vì trước đây, ngay sau khi bị ngập úng, do không biết có được Nhà nước hỗ trợ hay không, nên nhiều nông dân không khai báo cụ thể diện tích bị ngập úng, còn ngành chức năng và chính quyền địa phương thì chỉ có thể căn cứ theo số liệu chung trên từng cánh đồng bị ngập úng mà báo cáo về trên. Do vậy diện tích bị thiệt hại cụ thể của từng nông hộ chưa có được con số chính xác. Vị cán bộ này nhận định: Phải chi ngay sau khi bị ngập úng, cây trồng bị hư hại, tỉnh có chủ trương và có khoản kinh phí hỗ trợ cho nông dân khắc phục hậu quả kịp thời thì nông dân đỡ khổ, và ngành chức năng cũng như chính quyền cơ sở đỡ phải mất công sức, thời gian khảo sát. Lãnh đạo của một xã ở huyện Gò Dầu cho biết, để việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng diện tích, tránh trường hợp người dân thắc mắc, cán bộ chuyên môn của xã cần phối hợp với lãnh đạo các ấp khảo sát, bình xét tại ấp và lập danh sách những nông dân thật sự bị thiệt hại nặng, phải xuống giống lại đợt hai trong vụ đông xuân, niêm yết tại văn phòng ấp, để nhân dân đóng góp ý kiến, sau đó xã sẽ gửi danh sách về trên xem xét giải quyết.

Những người trồng đậu phộng cũng tích cực chống úng, cây đậu vẫn phát triển, nhưng năng suất quá kém, nên hầu hết đều bị lỗ nặng

Theo Tờ trình số 06/TTr-SNN của Sở NN&PTNT thì chỉ hỗ trợ tiền giống cho nông dân phải xuống lần hai vì bị ngập úng trong vụ đông xuân. Qua tìm hiểu ở một số cánh đồng, chúng tôi được biết, đối với cây bắp, sau khi bị ngập úng, trừ một số diện tích ở vùng quá trũng chìm sâu trong nước mới bị chết trắng, nông dân phải sản xuất lại cây trồng khác, hoặc trồng lại bắp lần hai. Phần lớn số còn lại bị ngập ít, nhờ nông dân tích cực chống úng và cố gắng chăm sóc, nên cây bắp vẫn phát triển được. Tuy năng suất có giảm hơn năm rồi, nhưng nhờ bán được giá cao gấp đôi năm rồi, nên hầu hết những người trồng bắp đều có lãi. Ngược lại đối với cây đậu phộng, ngoài những diện tích bị chết trắng ngay sau ngập úng, nhiều nông dân cũng ra sức cứu đậu, làm cho nhiều diện tích đậu phộng vẫn phát triển được. Tuy nhiên do ảnh hưởng ngập nước từ đầu vụ, nhiều ruộng đậu nông dân chỉ có thu hoạch… dây cho trâu bò ăn. Nhìn chung hầu hết những người trồng đậu phộng đều lỗ nặng. Do đó nếu có thể được, các cấp lãnh đạo và ngành chức năng cũng nên xem xét hỗ trợ cho người trồng đậu phộng, tuy không phải xuống giống lần hai, nhưng bị thất mùa rất nặng.

Vụ đông xuân 2008-2009 đã thu hoạch xong, mà tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn phải “xem xét”, “khảo sát”. Đến bao giờ nông dân mới nhận được tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai từ vụ đông xuân? Rất mong các cấp lãnh đạo và ngành chức năng có biện pháp đưa tiền hỗ trợ đến tay nông dân một cách nhanh, gọn, để những nông hộ này giảm bớt khó khăn trong việc đầu tư cho vụ… hè thu.

D.H