Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Châu Thành:
Nông dân nghi ngờ mua phải phân bón kém chất lượng
Thứ hai: 05:52 ngày 01/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðược giới thiệu là phân bón sinh học, chỉ cần bón một lượng nhỏ cũng sẽ làm cây trồng phát triển nhanh, cho năng suất cao, cùng với sự đứng ra “bảo đảm” của Chi hội Nông dân ấp, một số nông dân hai xã Phước Vinh và An Cơ (huyện Châu Thành) tin tưởng mua phân bón về sử dụng. Ðể rồi sau đó họ mới tá hoả, tác dụng của phân bón không như quảng cáo.

Bà Ðinh Thị Lệ với vườn cao su được bón hơn 1 tháng nhưng không có kết quả như quảng cáo.

Nông dân hoang mang

Sử dụng hơn 100kg phân bón “sinh học” cho 1 ha cao su đang thu hoạch đã hơn hai tuần, nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy năng suất mủ tăng như quảng cáo, bà Ðinh Thị Lệ (ngụ tổ 5, ấp Phước Thạnh, xã Phước Vinh) cảm thấy hết sức hoang mang, nghi ngờ mình mua phải phân bón kém chất lượng.

Bà Lệ kể, vào khoảng cuối tháng 7.2018, bà nhận được thư mời tham dự hội thảo giới thiệu về phân bón sinh học chất lượng cao của Công ty TNHH thương mại - dịch vụ và sản xuất chế phẩm sinh học N.L.P (gọi tắt là Công ty N.L.P) do Chi hội Nông dân ấp Phước Thạnh tổ chức tại văn phòng ấp.

Họ giới thiệu đây là sản phẩm phân bón sinh học đậm đặc, chỉ cần bón một lượng nhỏ cũng sẽ làm cho năng suất cây trồng tăng gấp rưỡi (1,5 lần), thậm chí gấp đôi. Nếu nông dân đăng ký mua tại hội thảo này sẽ được giảm giá đến 50%.

“Thấy giảm giá nhiều nên tôi cũng nghi ngờ. Hàng chất lượng mà giảm giá đến một nửa thì lạ lắm! Nhưng vì có ông Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp đứng ra bảo đảm nên tôi cũng đăng ký mua dùng thử cho khoảng 1 ha cao su. Tuy nhiên, đã sử dụng hơn 1 tháng mà trữ lượng và độ mủ cao su chẳng những không tăng mà còn bị giảm hơn trước”, bà Lệ phản ánh.

Nghi ngờ mình mua nhầm phân bón kém chất lượng nên cuối tháng 8 vừa qua, bà Lệ gửi đơn đến Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành nhờ can thiệp, lấy mẫu đi xét nghiệm. Theo bà Lệ, đầu tháng 9 vừa qua có đoàn công tác của Phòng Nông nghiệp về địa phương xác minh vụ việc nhưng đến nay chưa thấy thông báo kết quả.

Qua thực tế, hiện chưa thể khẳng định phân bón người dân mua của Công ty N.L.P là giả hay thật và chất lượng có bảo đảm như thông tin ghi trên bao bì hay không. Đoàn thanh tra đã lấy mẫu tại nhà các hộ dân để gửi đi kiểm định. Khi có kết quả, Chi cục sẽ thông tin đến bà con nông dân. Trong trường hợp có sự vi phạm về chất lượng sản phẩm phân bón của nhà sản xuất, Chi cục sẽ chuyển hồ sơ cho cơ chức năng làm rõ, xử lý.

Tương tự bà Lệ, gia đình chị Phạm Thị Duyên (ngụ cùng địa phương) cũng  mua phân bón trên nhưng chưa dám bón cây do mưa liên tục, gia đình chị sợ phân bị rửa trôi hết. “Khi đoàn kiểm tra của huyện xuống địa phương, có đến nhà tôi lấy mẫu vì phân bón tại nhà tôi vẫn còn nguyên trong bao, chưa khui. Tuy nhiên, trong buổi làm việc đó, có người là thành viên trong đoàn động viên cứ yên tâm sử dụng.

Vì chưa biết chất lượng phân này thế nào thôi chứ đây không phải là phân giả. Nghe cán bộ nói vậy nên sau khi đoàn kiểm tra về, gia đình tôi đã bón hết cho cây cao su. Mặc dù đã bón gần 2 tuần nhưng cây vẫn không có dấu hiệu của việc hấp thụ phân, số lượng và chất lượng mủ cũng không tăng thêm”, chị Duyên kể.

Cùng tham dự hội thảo và mua phân bón trên, ông Phạm Văn Ðạt (ngụ tổ 9, ấp Vịnh, xã An Cơ) bón phân cho vườn cao su với hy vọng sẽ tăng được năng suất như quảng cáo. Nhưng sau hơn nửa tháng bón phân, gần 1,5 ha cao su của ông vẫn không thêm được tí mủ nào. Thấy vậy, ông Ðạt báo cho Trưởng ấp biết. Trưởng ấp là người tham gia buổi hội thảo và ký vào phiếu giao hàng, bảng cam kết chất lượng sản phẩm của Công ty N.L.P. Tuy nhiên, khi nghe ông Ðạt phản ánh vụ việc, Trưởng ấp trả lời ông không biết gì về chất lượng phân bón này và “động viên” ông Ðạt “lỡ mua rồi thì cứ sử dụng đi”.

Nghi ngờ mua phải phân bón kém chất lượng, nếu “làm lớn chuyện”, yêu cầu bên bán bồi thường thì sợ sẽ “bứt dây động rừng” nên ông Ðạt tìm cách “dụ” công ty phân bón nọ bằng cách gọi điện thoại yêu cầu cung ứng thêm 8 bao phân nữa. Ðợi lúc xe giao phân bón tới nhà, ông Ðạt liền báo Công an xã và chính quyền địa phương tạm giữ xe phân bón này.

Tuy nhiên, khi được đưa về trụ sở Công an xã thì ông được cho biết không có cơ sở để nói phân bón của Công ty N.L.P là giả hay kém chất lượng. Nếu ông muốn tố cáo thì phải chịu đóng phí lấy mẫu kiểm nghiệm với số tiền hơn 5 triệu đồng. Trước câu trả lời này, ông Ðạt cảm thấy vô cùng uất ức. “Ðúng là tiền mất tật mang. Tôi không biết cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân chúng tôi”, ông Ðạt bức xúc.

Xã “chưa nắm”, huyện chưa trả lời

Sau khi nắm thông tin phản ánh của bà Lệ và một số hộ nông dân khác về tình trạng trên, phóng viên đến làm việc với Hội Nông dân xã Phước Vinh. Ông Lê Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, ông không nắm được thông tin cụ thể, do người dân gửi đơn trực tiếp đến Phòng Nông nghiệp huyện mà không báo với địa phương. Hiện vụ việc đang được Phòng Nông nghiệp huyện và ngành chức năng cấp trên giải quyết, chưa có kết luận cụ thể nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Phóng viên thắc mắc vì sao Hội Nông dân xã lại đứng ra viết thư mời nông dân dự hội thảo, bán phân bón và cử cán bộ Chi hội ấp đến dự? Ông Hoàng cho biết, Công ty N.L.P đến xin tổ chức hội thảo tại địa phương có xuất trình đầy đủ giấy tờ cần thiết nên ông xin lãnh đạo Ðảng uỷ xã cho phép Hội Nông dân phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội thảo. Còn việc doanh nghiệp tổ chức hội thảo có tiếp thị bán hàng và yêu cầu nông dân đăng ký mua để được hưởng khuyến mãi giảm giá như người dân phản ánh thì ông... không nắm (!?).

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hà Văn Sương, Phó Bí thư Ðảng uỷ xã Phước Vinh cho hay, về chủ trương cho doanh nghiệp tổ chức hội thảo tại địa phương để giới thiệu sản phẩm là có, nhưng chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến bà con nông dân chứ không cho phép tiếp thị mua bán như nông dân phản ánh. Do không biết Công ty N.L.P yêu cầu nông dân đăng ký mua phân bón trong hội thảo nên địa phương không kịp ngăn chặn.

Ông Lê Hoài Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã An Cơ cho biết, đến thời điểm hiện tại, xã có nhận được phản ánh của hộ ông Phạm Văn Ðạt về việc nghi ngờ mua phải phân bón kém chất lượng. Ðồng thời, xã cũng nắm được còn hơn 10 người nữa cũng mua phân bón của công ty này nhưng chưa nghe phản ánh đến chính quyền địa phương. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của ông Phạm Văn Ðạt, xã đã báo với Công an huyện Châu Thành và đội Quản lý thị trường xuống lập biên bản xử lý vì xã không đủ thẩm quyền.

Theo thông tin từ ông Phạm Văn Ðạt và bà Ðinh Thị Lệ, ngày 21.9 vừa qua, phía Công ty N.L.P có cử người đến liên hệ để khắc phục hậu quả. Trong cuộc trao đổi, ông Ðạt thắc mắc tại sao quảng cáo là phân vi sinh, sinh học mà lại giao toàn phân Ure hoá học, người này cho biết do công ty... giao nhầm phân. Sau đó, người này đưa cho ông và bà Lệ thêm mỗi người 10 lít N-P-K 666, 4 bịch giảm chua phèn và hứa 15 ngày sau sẽ đến kiểm tra lại.

Ông Phạm Văn Ðạt còn giữ lại nhiều bao phân làm bằng chứng.

Ông Lê Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết, UBND xã chưa nắm rõ việc người dân mua phải phân bón nghi ngờ kém chất lượng vì họ (cụ thể là bà Ðinh Thị Lệ) chỉ phản ánh thông qua Hội Nông dân xã và Phòng Nông nghiệp huyện. Khi đoàn thanh tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Phòng Nông nghiệp xuống xác minh tại địa bàn cũng không thông qua địa phương nên UBND xã... chưa nắm được. Trong thời gian tới, khi có kết quả từ cơ quan cấp trên, UBND xã sẽ tích cực phối hợp giải quyết, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nông dân.

Còn theo ông Nguyễn Văn Cứ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phước Thạnh, việc tổ chức hội thảo cho Công ty N.L.P giới thiệu sản phẩm phân bón đến nông dân là theo chỉ đạo của Hội Nông dân xã. Việc ông ký vào phiếu giao hàng có thêm phần cam kết chất lượng khi công ty giao hàng cho bà con là do ông sơ suất, không đọc kỹ nội dung. “Lúc đó tôi nghĩ mình chỉ... làm chứng cho công ty về việc giao đầy đủ phân bón cho nông dân chứ làm sao tôi biết chất lượng bên trong thế nào?”, ông Cứ than.

Ông Trần Bạch Phát, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, ngay sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân thông qua Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành về việc nghi ngờ mua phải phân bón kém chất lượng, lãnh đạo Chi cục đã chỉ đạo thành lập ngay đoàn thanh tra đến địa phương xác minh vụ việc.

Qua thực tế, hiện chưa thể khẳng định phân bón người dân mua của Công ty N.L.P là giả hay thật và chất lượng có bảo đảm như thông tin ghi trên bao bì hay không. Ðoàn thanh tra đã lấy mẫu tại nhà các hộ dân để gửi đi kiểm định. Khi có kết quả, Chi cục sẽ thông tin đến bà con nông dân. Trong trường hợp có sự vi phạm về chất lượng sản phẩm phân bón của nhà sản xuất, Chi cục sẽ chuyển hồ sơ cho cơ chức năng làm rõ, xử lý.

MINH DƯƠNG

Liên hệ với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành để nắm và phản ánh thông tin nhiều chiều, phóng viên gặp một người tự xưng là lãnh đạo Trạm. Vị này không đồng ý cung cấp thông tin vì các lý do sau: Thứ nhất, giấy giới thiệu của phóng viên không có tác dụng gì khi liên hệ công tác tại Trạm. Vì đây chỉ là giấy giới thiệu công tác chung chung. Nếu muốn liên hệ về vụ việc này thì phải có giấy giới thiệu khác (trên giấy phải ghi là đến cơ quan nào cụ thể, làm việc về nội dung gì?).

Thứ hai, người này cho rằng việc xử lý vụ việc là chuyện của cơ quan chức năng, báo chí không nên can thiệp vào, đưa thông tin sai lệch làm nhiễu loạn thông tin, gây dư luận không tốt (!?). Khi nào có kết quả chính thức, cơ quan chức năng sẽ thông báo trực tiếp cho người dân.

Khi phóng viên xin được biết tên và chức vụ để tiện liên hệ thì người này chỉ nói là “anh chỉ cần biết tôi là lãnh đạo Trạm này, còn tên tuổi, chức vụ và mọi thông tin khác thì tôi không cung cấp, vì báo chí không có chức năng can thiệp vào vụ việc này” . Sau đó, người này yêu cầu phóng viên không được hỏi tiếp và “đuổi” phóng viên về.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục